Iwao Hakamata khi bị bắt và lúc được thả tự do. |
Chiếc quần dính đầy máu được tìm thấy trong thùng miso và quá trình ép cung đã góp phần đẩy Iwao Hakamata vào án tử hình ở những năm 1960.
Nhưng sau nửa thế kỷ, "tử tù có thời gian chờ thi hành án lâu nhất thế giới" này đã được tuyên bố vô tội, đài truyền hình Nhật Bản NHK đưa tin.
Hôm 26/9, một tòa án Nhật Bản đã tuyên trắng án cho ông Hakamata (88 tuổi) - người bị kết án tử hình oan vào năm 1968 vì tội giết một gia đình, đánh dấu hồi kết cho cuộc chiến pháp lý kéo dài hàng chục năm.
Trong phiên tòa xét xử lại, luật sư của ông Hakamata lập luận rằng thông tin mới chứng minh thân chủ vô tội, trong khi công tố viên tuyên bố có đủ bằng chứng để khẳng định ông Hakamata phải bị treo cổ.
Từng là võ sĩ quyền Anh chuyên nghiệp, ông Hakamata giải nghệ vào năm 1961 và làm việc tại nhà máy chế biến đậu nành ở Shizuoka, miền Trung Nhật Bản. Khi gia đình ông chủ - bao gồm cặp vợ chồng và hai con nhỏ - được phát hiện bị đâm chết tại nhà riêng vào tháng 6/1966, ông Hakamata đã trở thành nghi phạm chính của cảnh sát.
Sau nhiều ngày bị thẩm vấn liên tục, ban đầu ông Hakamata thừa nhận những cáo buộc chống lại mình, nhưng sau đó đã thay đổi lời khai, với lý do bị cảnh sát đánh đập và đe dọa.
Ông đã bị tuyên án tử hình với tỷ lệ 2-1 của các thẩm phán, mặc dù nhiều lần cáo buộc cảnh sát đã bịa đặt bằng chứng. Một thẩm phán bất đồng quan điểm đã từ chức 6 tháng sau đó, nói rằng cảm thấy thất vọng vì đã không thể ngăn án tử đối với ông Hakamata.
Iwao Hakamata từng là võ sĩ quyền Anh. |
Ông Hakamata, người vẫn luôn khẳng định mình vô tội, đã dành hơn nửa cuộc đời để chờ án treo cổ, trước khi có bằng chứng mới giúp ông được trả tự do cách đây 10 năm.
Sau khi xét nghiệm ADN của máu tìm thấy ở vật chứng không cho thấy kết quả trùng khớp với ông Hakamata hay các nạn nhân, Tòa án quận Shizuoka đã ra lệnh xét xử lại vụ án vào năm 2014. Do tuổi tác và tình trạng tinh thần yếu kém, ông Hakamata được thả ra trong khi chờ ngày ra tòa.
Tòa án cấp cao Tokyo ban đầu đã hủy bỏ yêu cầu xét xử lại với lý do chưa rõ, nhưng vào năm 2023 đã đồng ý trao cơ hội thứ hai cho ông Hakamata theo lệnh của Tòa án tối cao Nhật Bản.
Theo trang web của Bộ Tư pháp nước này, việc xét xử lại là rất hiếm ở Nhật Bản, nơi 99% các vụ án đều dẫn đến kết án.
Kết án bằng lời thú tội
Ngay cả khi những người ủng hộ hoan nghênh việc ông Hakamata được trắng án, thì tin tức này có lẽ sẽ không được chính ông đón nhận.
Sau nhiều thập kỷ bị giam cầm, sức khỏe tâm thần của ông Hakamata đã suy giảm và ông như đang "sống trong thế giới riêng của mình", chị gái ông là bà Hideko (91 tuổi) - người đã đấu tranh nhiều năm để em trai được minh oan - cho biết.
Iwao Hakamata được chị gái chăm sóc sau nhiều năm sống trong tù. |
Bà Hideko nói với CNN rằng ông Hakamata hiếm khi nói và không quan tâm đến người khác.
"Đôi khi em ấy mỉm cười vui vẻ, nhưng đó là lúc em ấy đang trong cơn ảo tưởng. Chúng tôi thậm chí còn chưa thảo luận về phiên tòa với Iwao vì em ấy không có khả năng nhận thức thực tế", bà Hideko nói.
Nhưng vụ án của ông Hakamata không chỉ liên quan đến một người.
Điều này đã đặt ra câu hỏi về việc Nhật Bản thường dựa vào lời thú tội để kết án. Và một số người cho rằng đây là một trong những lý do đất nước này nên bãi bỏ án tử hình. "Tôi phản đối án tử hình. Tù nhân cũng là con người", bà Hideko nói.
Nhật Bản là quốc gia G7 duy nhất ngoài Mỹ vẫn duy trì án tử hình, mặc dù nước này không thực hiện bất kỳ vụ hành quyết nào vào năm 2023, theo Trung tâm thông tin về án tử hình.
Hiroshi Ichikawa, cựu công tố viên không liên quan đến vụ án của ông Hakamata, cho biết theo truyền thống, các công tố viên Nhật Bản được khuyến khích có được lời thú tội trước khi tìm kiếm bằng chứng hỗ trợ, ngay cả khi điều đó có nghĩa là đe dọa hoặc thao túng bị cáo để khiến họ nhận tội.
Ông Ichikawa cho biết việc nhấn mạnh vào lời thú tội chính là điều giúp Nhật Bản duy trì tỷ lệ kết án cao như vậy. Việc tuyên trắng án có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến sự nghiệp của các công tố viên.
Đấu tranh để được minh oan
Trong 46 năm, ông Hakamata bị giam giữ sau khi bị kết án dựa trên quần áo có vết máu và lời thú tội được cho do ép cung của ông.
Hideyo Ogawa, luật sư của ông Hakamata, nói với CNN rằng thân chủ của mình đã bị khống chế về mặt thể chất và bị thẩm vấn hơn 12 giờ/ngày trong 23 ngày mà không có sự hiện diện của luật sư bào chữa.
Chiara Sangiorgio, cố vấn về án tử hình tại Tổ chức Ân xá Quốc tế, cho biết vụ án của ông Hakamata cho thấy "nhiều vấn đề trong hệ thống tư pháp hình sự tại Nhật Bản".
Sangiorgio cho biết các tử tù ở Nhật Bản thường bị giam giữ biệt lập và hạn chế tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Các vụ hành quyết được "giữ bí mật" mà hầu như không có cảnh báo nào, và gia đình cùng luật sư thường chỉ được thông báo sau khi vụ hành quyết đã diễn ra.
Hiện trường vụ án vào năm 1966. |
Ông Hakamata đã dành phần lớn cuộc đời mình sau song sắt vì một tội ác mà ông không phạm phải. Mặc dù sức khỏe tinh thần không tốt, trong thập kỷ qua, ông Hakamata vẫn được tận hưởng một số thú vui nhỏ bé khi sống tự do.
Hồi tháng 2, ông đã nhận nuôi hai chú mèo. "Iwao bắt đầu chú ý đến những chú mèo, lo lắng và chăm sóc cho chúng, đó là một sự thay đổi lớn", bà Hideko nói.
Mỗi buổi chiều, một nhóm người ủng hộ chở ông Hakamata đi dạo, nơi bà Hideko nói rằng em trai "mua một lượng lớn bánh ngọt và nước trái cây". "Tôi hy vọng em mình sẽ tiếp tục có một cuộc sống lâu dài và tự do", bà nói thêm.
Chia sẻ với Tri thức trực tuyến, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.