Ngày 12/2, thông tin từ Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận cho biết, Chi cục Quản lý thị trường (Sở Công Thương) đã quyết định xử phạt hành chính 50 triệu đồng đối với bà Hương (ngụ thôn Văn Lâm, xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam) về hành vi sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc không có giấy chứng nhận xuất xứ do cơ quan nhà nước cấp.
Bà Hương là chủ lô hàng thịt trâu Ấn Độ được chuyển từ Biên Hòa (Đồng Nai) về “thủ phủ lò mổ” của Bình Thuận là thôn Văn Lâm (có trên 20 cơ sở giết mổ bò) để “hóa phép” thành thịt bò Việt Nam đưa ra thị trường bán.
Trước đó vào ngày 3/2, Công an Bình Thuận bắt quả tang xe khách chở 18 thùng hàng chứa 300 kg thịt trâu Ấn Độ và xương đã bốc mùi hôi thối, có giòi lúc nhúc, không có giấy tờ hợp lệ.
Công an bắt lô hàng thịt trâu Ấn Độ đưa về Bình Thuận làm giả thành thịt bò Việt Nam. |
Số thịt trâu Ấn Độ này được các chủ lò mổ mua về, sau khi rã đông sẽ lấy tiết bò đánh lên bề mặt thịt trâu để giả thịt bò, rồi trà trộn số thịt này vào số thịt bò mà lò giết mổ để đưa ra thị trường.
Đặc biệt thịt này còn cung cấp cho các quán chuyên nấu món bò né mới hoạt động rầm rộ với nhiều chi nhánh tại Bình Thuận.
Mỗi kg thịt trâu Ấn Độ đưa về Bình Thuận với giá dưới 100.000 đồng, sau khi “hóa phép” thành thịt bò thì bán được với giá gần 300.000 đồng.
Theo Công an tỉnh Bình Thuận, người tiêu dùng cần nắm rõ đặc điểm để phân biệt thịt trâu Ấn Độ giả thịt bò với thịt bò thật của Việt Nam để tránh bị lừa đảo khi mua hàng. Cụ thể, thịt trâu giả bò có màu hơi đen sẫm, dù được nhuộm tiết bò nhưng không đỏ tươi như thịt bò Việt Nam.