Nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Science Immunology, do nhóm chuyên gia của Trường Y khoa Feinberg thuộc Đại học Northwestern, Mỹ, phát hiện. Sau khi nhận thấy sai sót về liều lượng được sử dụng trong quá trình thử nghiệm vaccine AstraZeneca, nhóm chuyên gia nhận thấy lợi ích bất ngờ mà nó mang lại.
Hiệu quả bảo vệ tốt hơn
Theo Scitech Daily, trong quá trình thử nghiệm AstraZeneca, một số người tham gia đã nhận nhầm liều lượng tiêm chủng. Thay vì nhận đủ một liều (0,5 ml), họ chỉ được tiêm 50% số liều theo quy định của mũi 1 (0,25 ml). Sau đó, mũi 2 họ được tiêm đủ liều.
Nhiều người cho rằng số lượng vaccine ít đi có thể làm giảm hiệu quả của vaccine AstraZeneca. Tuy nhiên, nghịch lý lại cho thấy những tình nguyện viên được tiêm thiếu liều của mũi 1 được bảo vệ tốt hơn nhóm tiêm đủ liều.
Dù vậy, các tác giả không thể giải thích nguyên nhân dẫn tới hiện tượng hiệu quả của vaccine AstraZeneca cao hơn thường thấy. Bởi khoảng cách giữa mũi 1 và mũi 2 ở người tiêm thiếu liều dài hơn nhóm còn lại.
Nghiên cứu từ nhóm chuyên gia Trường Y khoa Feinberg thuộc Đại học Northwestern, Mỹ, phát hiện giảm liều mũi 1 AstraZeneca giúp tạo kháng thể tốt hơn. Ảnh: Reuters. |
Thử nghiệm lâm sàng vaccine nói trên sử dụng phương pháp tăng liều. Trong đó, một người được nhận liều thấp hơn trong mũi đầu tiên. Ở mũi thứ 2, họ được tiêm liều cao hơn mũi trước đó.
"Mục tiêu là đảm bảo vaccine an toàn. Vì vậy, các nhà khoa học tăng liều để xác định ‘vùng vàng’ - liều lượng tối thiểu mà chúng ta có thể tiêm cho ai đó nhằm đạt được phản ứng miễn dịch tốt mà không gây nguy hại”, GS Pablo Penaloza-MacMaster, Trường Y khoa Feinberg, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.
Nhóm chuyên gia tại Trường Y khoa Feinberg thuộc Đại học Northwestern thử nghiệm tác dụng của mô hình tiêm thiếu hụt liều lượng mũi 1 trên chuột. Ở mũi 1, chuột thí nghiệm chỉ được tiêm 0,25 ml vaccine. Sau đó, mũi 2 chúng được tiêm liều 0,5 ml.
Nghiên cứu của Northwestern đã không sử dụng vaccine AstraZeneca mà là loại tương tự. Đó là hai vaccine adenovirus serotype 5 - CanSino (Trung Quốc) và Sputnik V (Nga).
Kết quả vẫn cho thấy hiệu lực của vaccine này tăng lên đáng kể. Việc tiêm liều thuốc tăng cường tạo ra nhiều tế bào T hơn ở chuột, cho phép chúng phát triển các phản ứng miễn dịch chống lại nCoV mạnh mẽ hơn.
GS Penaloza-MacMaster cho biết các nghiên cứu của họ đang xem xét tiếp hiệu quả khi dùng phương pháp tăng liều với các vaccine mRNA.
Nhóm chuyên gia tại Mỹ cho rằng cơ chế tăng liều, kéo dài thời gian giữa hai mũi vaccine Covid-19 tạo ra lượng kháng thể mạnh hơn so với cách tiêm hiện nay. Ảnh: CNBC. |
Nguyên nhân?
Trong thử nghiệm của AstraZeneca, những người tham gia tiêm đủ liều ở mũi 1 được tiêm mũi 2 sau 3-4 tuần. Trong khi đó, nhóm chỉ tiêm 50% liều của mũi 1 có thời gian chờ giữa hai mũi dài hơn.
Nghiên cứu của Northwestern cũng kéo dài khoảng cách giữa hai liều vaccine khi thử nghiệm trên chuột. Kết quả gây bất ngờ khi tăng thời gian này giúp cải thiện phản ứng miễn dịch.
Theo GS Penaloza-MacMaster, khoảng cách giữa hai mũi kéo dài cho phép hệ miễn dịch nghỉ ngơi và "trưởng thành" theo cách mà nó muốn. Sau đó, hệ miễn dịch sẽ nhân rộng các phản ứng bảo vệ ở mũi thứ 2. "Khoảng cách giữa hai liều càng lâu phản ứng miễn dịch thứ cấp càng tốt", vị chyên gia nói.
Tuy nhiên, đây cũng có thể là con dao hai lưỡi. Bởi việc chờ đợi mũi thứ 2 lâu có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm nCoV của người được tiêm. Nếu mắc Covid-19, họ phải chờ ít nhất 6 tháng mới được tiêm vaccine mũi thứ 2.
Nhóm nghiên cứu cũng quan sát thấy những tác động tích cực tương tự của việc giảm liều mũi 2 và tăng liều mũi 2 ở vaccine HIV thử nghiệm dựa trên adenovirus. Điều đó khiến nhóm tác giả tin rằng phát hiện của họ có thể phổ biến với những loại vaccine khác, không chỉ là Covid-19.
Theo New Atlas, cuối năm 2020, AstraZeneca công bố kết quả đầy hứa hẹn về thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vaccine Covid-19 của hãng dược, cho thấy hiệu quả bảo vệ ngăn ngừa khỏi lây nhiễm là 79%.
Tuy nhiên, điều khiến nhiều người bất ngờ là lượng lớn tình nguyện viên được tiêm sai phác đồ theo quy định lại tạo ra kháng thể nhiều hơn nhóm tiêm đúng liều. Giám đốc Điều hành của AstraZeneca, Mene Pangalos, gọi đây là "sai lầm hữu ích".
Pangalos trả lời New York Times: “Nó không khiến ai gặp nguy hiểm. Chúng tôi đã sửa chữa lại sai lầm và tiếp tục nghiên cứu. Không có thay đổi nào với dự án này. Chúng tôi cũng đồng ý đưa những người được tiêm nhầm tham gia vào các phân tích, nghiên cứu khác".
Số lượng người tiêm nhầm liều không được tiết lộ.
Dịch Covid-19
Phát hiện mới về hậu quả của Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy Covid-19 gây hại cho hệ vi sinh vật đường ruột, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như đầy hơi và trào ngược axit.
Covid-19 vẫn gây chết người nhưng đã thay đổi về nhân khẩu học
Bang California, Mỹ, đang có sự thay đổi về nhân khẩu học trong số ca tử vong. Theo các chuyên gia, xu hướng này tương tự với toàn nước Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
Phát hiện virus bí ẩn giống SARS-CoV-2 ở Nga
Với protein gai có thể dễ dàng bám vào tế bào người như nCoV, loại virus này khiến các nhà khoa học lo lắng. Đặc biệt, vaccine và kháng thể Covid-19 không có tác dụng với nó.
Đại dịch mới ở những người khỏi Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy ngay cả người nhiễm nCoV nhẹ cũng có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ cao hơn. Điều này dấy lên mối lo về đại dịch bệnh tim mạch ở những người khỏi Covid-19.
Triệu chứng nhiễm biến chủng BA.5
Về cơ bản, người nhiễm BA.5 sẽ có các triệu chứng như những chủng Covid-19 trước đó. Song, tần suất gặp phải của từng triệu chứng lại khác nhau.