Trước đây, nghiên cứu từ Qatar và Anh cho thấy tiêm mũi tăng cường (mũi 3) vaccine mRNA Covid-19 có thể tăng khả năng bảo vệ chống lại bệnh nặng và lây nhiễm virus. Tuy nhiên, nhiều công trình khác như của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ hay Israel đã chỉ ra khả năng bảo vệ này suy yếu theo thời gian ngay cả khi chúng ta được tiêm 3 mũi vaccine.
Điều này một lần nữa được chứng minh trong nghiên cứu mới công bố trên tạp chí JAMA Network Open, dựa trên 2,4 triệu cư dân Singapore từ 30 tuổi trở lên. Họ đã được tiêm 2 hoặc 3 liều vaccine bất hoạt (Sinovac/Sinopharm) hoặc mRNA (Pfizer-BioNTech/Moderna). Trong đó, 90,2% người đã được tiêm 3 mũi vaccine tính đến ngày 10/3, đa số là vaccine mRNA (97,8%).
Ngoài ra, hầu hết người tiêm 2 liều đều là vaccine mRNA. Độ tuổi trung bình của nhóm tình nguyện viên lần lượt là 53 (mRNA) và 49 (vaccine bất hoạt).
Qua nghiên cứu, nhóm chuyên gia phát hiện vaccine mRNA có hiệu quả trong việc chống lại các ca nhiễm nCoV nghiêm trọng. Tuy nhiên, khả năng bảo vệ suy giảm rất nhanh trước Omicron, ngay cả ở người tiêm 3 mũi. Vaccine bất hoạt cũng có hiệu quả tương tự.
Một em bé được tiêm vaccine tại Chile vào đầu tháng này. Ảnh: Reuters. |
Cụ thể, hiệu quả ước tính của liều tăng cường mRNA chống lại lây nhiễm Omicron dao động từ 31,7% đến 41,3% và suy giảm nhanh chóng theo thời gian. Ước tính hiệu quả của mũi mRNA tăng cường chống lại nguy cơ mắc Covid-19 nghiêm trọng là 87,4% và không có bằng chứng suy giảm sau 6 tháng tiêm. Trong khi đó, con số này của vaccine bất hoạt là 69,6%.
Các kết quả này cho thấy khả năng bảo vệ của vaccine mRNA mũi tăng cường chống lại nguy cơ mắc Covid-19 nghiêm trọng trong hơn 6 tháng. Ngoài ra, vaccine bất hoạt 3 liều cung cấp khả năng bảo vệ cao hơn 2 liều nhưng bảo vệ kém hơn so với mRNA 3 liều.