Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phát hiện mới về mực ma cà rồng hóa đá với con mồi trên tay

Các nhà cổ sinh vật học tiết lộ một loài mực ma cà rồng chưa từng được biết đến trước đây sống cách ngày nay khoảng 183 triệu năm.

Một con mực ma cà rồng thời hiện đại ở Monterey Canyon, California, ở độ sâu 77 cm. Ảnh: MBARI. 

Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Cổ sinh vật học Thụy Sĩ, loài mực mới được xác định, có tên là Simoniteuthis michaelyi, được mô tả là một mẫu vật đáng chú ý bị hóa thạch "với con mồi trên tay".

Ben Thuy, nhà cổ sinh vật học tại Bảo tàng Quốc gia Lịch sử tự nhiên Luxembourg (LNMNH) và là tác giả của nghiên cứu mới nhất, nói với Newsweek: “Một khía cạnh thực sự thú vị của khám phá này là con mực bị hóa thạch với con mồi trên tay, đây là một trường hợp siêu hiếm gặp về sự tương tác giữa động vật ăn thịt và con mồi bị hóa thạch theo thời gian”.

Mực ma cà rồng (được biết đến với tên khoa học là vampyromorphs) là một bộ động vật chân đầu, vốn bao gồm bạch tuộc, mực nang và các sinh vật liên quan. Vampyromorph bề ngoài giống mực, nhưng chúng có quan hệ gần gũi hơn với bạch tuộc, có 8 cánh tay thay vì 10.

Nhiều loài vampyromorphs tuyệt chủng đã được phát hiện, cho thấy những sinh vật này là thành phần chính của các cộng đồng đại dương thời tiền sử. Nhưng thành viên duy nhất còn sống của bộ này là loài sinh vật biển sâu Vampyroteuthis infernalis - cái tên có nghĩa là "mực ma cà rồng từ địa ngục".

Loài mực ma cà rồng thời tiền sử được tìm thấy trong một cuộc khai quật do LNMNH thực hiện vào tháng 5/2022 tại Bascharage, phía đông nam Luxembourg. Mẫu vật ước tính có niên đại vào đầu kỷ Jura, kéo dài khoảng 201-174 triệu năm trước.

Chuyên gia Ben Thuy cho biết: “Loài này được khám phá dựa trên một phát hiện đặc biệt về một loài động vật chân đầu giống mực hoàn chỉnh bảo quản các bộ phận mềm một cách chi tiết đến kinh ngạc”.

“Khía cạnh khác thường nhất của hóa thạch mới là sự bảo quản tinh tế, bao gồm phần còn lại của các cấu trúc thường không thể hóa thạch như mô cơ, mực hoặc nhãn cầu”.

Simoniteuthis có thể trông giống một con mực ngày nay nhưng có 8 cánh tay. Sinh vật này dài khoảng 38 cm.

"Loài vật này là họ hàng xa và nhiều khả năng trông rất giống loài mực ma cà rồng hiện đại. Vì chúng tôi không còn dấu vết sắc tố hóa thạch nào được bảo tồn nên chúng tôi chỉ có thể suy đoán về màu sắc của con vật khi còn sống", chuyên gia Ben Thuy nói.

Các nhà khoa học nhận biết từ bằng chứng hóa thạch trực tiếp rằng Simoniteuthis là một loài săn mồi mạnh mẽ. Trên thực tế, mẫu vật được bảo quản với hai con cá nhỏ trong vùng miệng, cho thấy con vật đã chết khi đang ăn bữa ăn cuối cùng.

Tuy nhiên, sống trong một đại dương đầy cá lớn và các loài bò sát biển, Simoniteuthis cũng là con mồi của những kẻ săn mồi khác, theo chuyên gia Ben Thuy.

Simoniteuthis sống ở vùng biển nông dọc theo bờ biển của một hòn đảo nằm ở trung tâm lục địa châu Âu ngày nay. Tình trạng hóa thạch bảo quản tốt một cách đáng chú ý của sinh vật này có thể được giải thích bằng các điều kiện môi trường hiện có trong vùng nước.

“Vùng nước đáy biển thiếu oxy do khí hậu và điều kiện hoàn lưu đại dương vào thời điểm đó giúp xác Simoniteuthis được bảo quản nguyên vẹn thay vì bị những động vật ăn xác cắn xé”, chuyên gia Ben Thuy nói.

“Phát hiện của chúng tôi góp phần nâng cao kiến thức về sinh vật biển kỷ Jura, đặc biệt là về mặt cung cấp bằng chứng hóa thạch trực tiếp về sự tương tác giữa động vật ăn thịt và con mồi thời cổ đại”.

Nhớ sống hạnh phúc nhé!

Theo Tâm lý học tích cực, khoa học hạnh phúc không phải cái gì cao siêu, to tát. Thực ra, hạnh phúc ở ngay trong bản thân ta, và quanh ta. Lifestyle giới thiệu tác phẩm "100 cách sống hạnh phúc". Cuốn sách là những chỉ dẫn thiết thực để sống hạnh phúc, thông qua thói quen, luyện tập cơ thể, tư tưởng tích cực, hoạch định tương lai và xây dựng các mối quan hệ.

Hạ Cúc

Bạn có thể quan tâm