Tên là Fluffy (Bông Gòn), nhưng vẻ ngoài đầy gai nhọn và “vết cắn khét tiếng” của con rùa “quái vật” này khiến bất cứ ai nghĩ rằng “nghe tên là muốn ôm” phải suy nghĩ lại, Guardian đưa tin hôm 11/2.
Có thể nặng tới 90 kg
Con rùa cá sấu được ví như khủng long sống có thể cắt xương này vừa được giải cứu ở một vùng đất hoang tại Cumbria hôm 5/2. Loài vật này vốn có nguồn gốc từ các đầm lầy và sông ở phía nam nước Mỹ.
Một người dắt chó đi dạo ở địa phương đã phát hiện sinh vật kỳ lạ đang trầm mình trong vũng nước nhỏ ở Urswick Tarn, gần Ulverston. Người này chụp hình con vật và đăng lên Facebook để nhờ những người khác giúp xác định đây là loài gì.
Dù vẫn còn non nhưng Fluffy được cho là vẫn có thể gây ra vết cắn đáng ngại. Ảnh: Wild Side Vets. |
Denise Chamberlain, ủy viên hội đồng giáo xứ Urswick, một người nuôi rùa và từng sống vài năm ở bang Florida, miền Nam nước Mỹ, được một người bạn cho biết về bài đăng trên mạng xã hội và bà lập tức nhận ra loài rùa ăn thịt đặc biệt này.
“Tôi nhìn bức ảnh và ngay lập tức nghĩ: Ôi chúa ơi, tôi biết con vật này”, bà Chamberlain kể lại. “Tôi từng chứng kiến người ta bắt loài rùa này trong tự nhiên nhưng lớn hơn nhiều. Chúng có thể nặng gần 90 kg - và có thể làm bạn gãy ngón tay”.
Bà cho biết con rùa trong hình vẫn còn non, nhưng vết cắn vẫn có thể gây khó chịu. “Những con rùa này có cơ chế phòng vệ tự nhiên: Khi bạn đến gần, chúng sẽ há miệng ra”, bà Chamberlain cho biết thêm.
Việc nuôi rùa làm thú cưng vốn hợp pháp ở Anh nhưng rất tốn kém và khó chăm sóc, vì vậy có khả năng Fluffy đã bị người chủ cũ vứt vào thùng rác.
Giải cứu thành công
Sau khi tới tận nơi để xác nhận đó thực sự là một con rùa cá sấu, bà Chamberlain đã gọi nhiều cuộc điện thoại để cố gắng mở một cuộc giải cứu.
“Đây là loài xâm lấn, không phải sinh vật bản địa và tôi biết điều đó sẽ làm đảo lộn hệ sinh thái vốn rất cân bằng của vùng”, người phụ nữ khẳng định.
Rùa cá sấu vốn không có kẻ săn mồi tự nhiên, có thể dài tới khoảng 80 cm và sống tới 70 năm. Chúng cũng được tìm thấy ở Nam và Trung Mỹ, nổi tiếng với bộ hàm chắc khỏe mạnh có khả năng xuyên thủng xương. Bà Chamberlain cho hay: “Loại sinh vật này, mặc dù không sinh sản nhưng có thể gây ra một số thiệt hại thực sự cho nguồn cá. Chúng ăn tất cả loại động vật hoang dã địa phương”.
Môt con rùa cá sấu từng được tìm thấy trong khu dân cư ở hạt Fairfax, Virginia (Mỹ) năm 2020. Ảnh: Cảnh sát Fairfax. |
Những nỗ lực tìm kiếm sự giúp đỡ của bà Chamberlain không có kết quả nên dù chưa từng làm việc này nhưng bà vẫn quyết định tự mình giải cứu con rùa.
Bà tát cạn nước trong vũng, mang theo một chiếc giỏ mua hàng bằng nhựa, đeo găng tay và bước vòng nước bùn ngập đến bắp chân.
Bà cho biết con rùa “ngồi trong bóng râm”, trông rất tức giận, chỉ có chiếc mũi nhô lên trên mặt nước. “Nó chọn vị trí để có thể đón tia nắng Mặt Trời nhưng vẫn ở dưới nước và thở được”.
“Nó trông giống như một con khủng long nhỏ thời tiền sử”, bà nói thêm.
Khi Chamberlain đến gần hơn, con rùa há miệng ra để lộbộ hàm chắc khỏe.
“May mắn thay, vì trời khá lạnh và con rùa cũng thấy lạnh nên việc đưa nó vào giỏ hàng không quá khó khăn”.
Sau khi cẩn thận kiểm tra tại nhà xem con rùa có bị thương hay không, bà Chamberlain cho nó ăn một ít thịt gà sống rồi đưa đến phòng khám thú y Wild Side Vets ở Barrow-in-Furness.
Tiến sĩ Kate Hornby, chủ phòng khám, ban đầu nghĩ rằng đó là một con rùa biển và rất ngạc nhiên khi biết hóa ra là rùa cá sấu.
Bà nói với PA Media: “Đây chắc chắn là con đầu tiên chúng tôi thấy ở phòng khám - Loài này có được nuôi ở Anh nhưng chắc chắn chúng không phải là loài vật phổ biến mà bạn sẽ thấy ở chỗ các bác sĩ thú y”.
Vị bác sĩ thú ý cho biết con rùa cá sấu sẽ được chuyển đến một trung tâm bò sát chuyên biệt hơn để có thể ở trong vùng nước ấm hơn nhằm tăng tốc độ trao đổi chất.
Bà cũng cho rằng con vật có thể từng được nuôi như thú cưng và người chủ hẳn đã gặp nhiều khó khăn khi chăm sóc nó hoặc không muốn nuôi nó nữa.
“Chúng tôi không thường xuyên tiếp nhận các ca bò sát ở phòng khám và khi chúng đến, thường là do cách nuôi không đúng”, bà Hornby cho hay.
“Bất cứ ai có ý định nuôi thú cưng thì điều quan trọng là nghiên cứu kỹ về loài cụ thể mà bạn đang muốn nuôi, đảm bảo có chuồng nuôi thích hợp và kiến thức phù hợp”.
Vị bác sĩ ước tính con rùa này khoảng 5 hoặc 6 tuổi: “Chúng tôi chưa thể xác định được nó là đực hay cái do kích thước hiện tại - nhưng chúng tôi đang gọi nó là Fluffy”.
Bà Chamberlain cho rằng cái tên Fluffy “rất phù hợp”.
Bà nói “Nó gợi nhớ đến sinh vật trong Harry Potter. Và như ai đó trên Facebook đã nói, nó chắc chắn trông giống một sinh vật mà bác Hagrid sẽ yêu thích”.
TP.HCM dự kiến có thêm đường sách Nguyễn Đổng Chi
Đề án đường sách Nguyễn Đổng Chi nằm ở quận 7, dự kiến có chiều dài 120 m, chiều ngang 24 m với 18 ki-ốt các gian hàng triển lãm, gian hàng sách và các sản phẩm văn hóa. Đường sách sau khi được đưa vào hoạt động sẽ là nơi để tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo về một chủ đề, thông tin, bình luận về những cuốn sách hay cho người dân, các hoạt động giáo dục, các cuộc triển lãm, đặc biệt là các hoạt động của Không gian sáng tạo, khởi nghiệp.