Nhóm các nhà nghiên cứu tại Trường Y khoa Perelman (Đại học Pennsylvania, Mỹ) vừa công bố kết quả công trình tái tạo phân tử khử khuẩn mới từ các protein trong nọc độc của ong bắp cày. Họ hy vọng kết quả này sẽ là tiền đề cho thuốc diệt khuẩn mới (nhất là nhiễm trùng huyết, bệnh lao), bên cạnh kháng sinh đã có.
Nghiên cứu của nhóm tác giả tại Mỹ được công bố trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences. Nhóm cho hay họ đã thay đổi một loại protein có độc lực mạnh trong ong bắp cày ở châu Á - Vespula lewisii - để phục vụ nghiên cứu này.
Nọc độc ong bắp cày được sử dụng để điều chế loại protein chữa các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn. Ảnh: Freepik. |
Những thay đổi giúp tăng khả năng tiêu diệt tế bào trong phân tử, giảm đáng kể tác hại của nọc ong cho tế bào con người. Khi thử nghiệm trên chuột, protein tái tạo từ nọc độc ong cho kết quả bảo vệ tế bào đáng kể khỏi các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gây chết người.
Ngày nay, nhu cầu về các phương pháp điều trị bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn tăng cao. Nguyên nhân là vi khuẩn có xu hướng đột biến, kháng thuốc mạnh. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ ước tính mỗi năm nước này có 3 triệu người nhiễm vi khuẩn kháng thuốc. Trong đó, hơn 35.000 người tử vong.
Trên toàn cầu, vấn đề vi khuẩn kháng thuốc còn tồi tệ hơn. Chứng nhiễm trùng huyết gây tử vong lan rộng. Ước tính năm 2017, 20% trong số các ca tử vong trên thế giới đến từ bệnh này.
Giáo sư De la Fuente và nhóm của ông bắt đầu nghiên cứu với peptide mastoparan-L. Đây là thành phần chính trong nọc độc của ong bắp cày Vespula lewisii. Nó không gây tử vong cho người nhưng chứa nhiều chất độc. Chỉ một lượng nhỏ nọc ong Vespula lewisii cũng có thể phá hủy tế bào hồng cầu, gây dị ứng, viêm nặng.
Ở nhiều người nhạy cảm, khi ong bắp cày Vespula lewisii tấn công, nạn nhân sẽ bị sốc phản vệ, hạ huyết áp, khó thở.
Nhóm tác giả thực hiện thí nghiệm trên chuột bị lây nhiễm chủng vi khuẩn E. coli hoặc Staphylococcus aureus. Đây là 2 loại khuẩn có thể gây chết người.
Nhóm chuột được điều trị bằng peptide kháng khuẩn tái tạo từ nọc độc ong và cho kết quả tích cực hơn số còn lại. Nó cũng giúp tạo lớp khiên vững chắc hơn trước sự xâm nhập của vi khuẩn. Đồng thời, peptide làm giảm phản ứng miễn dịch khi bị vi khuẩn tấn công.
Các nhà nghiên cứu sẽ tiếp tục tìm hiểu nồng độ của peptide này khi thử nghiệm lâm sàng trên người. Phát hiện mới hứa hẹn sẽ mang tới cách chữa trị các bệnh gây tử vong cao do vi khuẩn.