Trong đại dịch, không chỉ Việt Nam, thế giới cũng ghi nhận số ca phát hiện bệnh lao sụt giảm. Ảnh: Pexels. |
Đây là thông tin được Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hữu Hưng chia sẻ tại cuộc họp truyền thông Ngày Thế giới phòng chống Lao diễn ra sáng 24/3.
Năm 2021, do đợt bùng phát thứ 4 của đại dịch Covid-19, Việt Nam ghi nhận số người phát hiện bệnh lao toàn quốc đã sụt giảm khoảng 20%.
Tại thời điểm này, nhiều cơ sở y tế, bệnh viện trong hệ thống phòng, chống lao trên toàn quốc được phân công điều trị bệnh nhân Covid-19. Tình hình giãn cách xã hội bệnh nhân khó tiếp cận các cơ sở y tế do hạn chế đi lại và tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch. Do đó, công tác phòng chống bệnh lao bị đình trệ tại nhiều địa phương.
Hoạt động phòng, chống lao tại TP.HCM tại thời điểm này cũng chịu tác động chung của dịch bệnh.
"Năm 2021, số người thử đàm phát hiện giảm 23,8%, nguồn lây phát hiện giảm 18,5% và thu dung lao các thể giảm 15,8% so cùng kỳ năm 2020", ông Hưng thông tin.
Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hữu Hưng phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Linh Thùy. |
Tuy nhiên, sang đến năm 2022, TP.HCM đã phát hiện bệnh lao ở số người được thử đàm tăng 70,3%, nguồn lây phát hiện tăng 76,2% và thu dung lao các thể tăng 34,6% so cùng năm 2021.
Ông Hưng cho rằng đây là tín hiệu đáng mừng, giúp người dân chủ động phát hiện, điều trị hiệu quả bệnh lao và chấm dứt bệnh lao.
Tại cuộc họp, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hữu Lân, Giám đốc Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch cũng cho biết việc số bệnh nhân lao sụt giảm trong đại dịch không phải là vấn đề của riêng TP.HCM hay Việt Nam.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đại dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đến công tác chẩn đoán và điều trị lao trong những năm vừa qua. Tác động rõ ràng nhất chính là sự sụt giảm lớn về số bệnh nhân lao được phát hiện trên toàn cầu.
Từ mức cao nhất là 7,1 triệu trường hợp trong năm 2019, số ca bệnh được phát hiện trong năm 2020 đã giảm 18% xuống còn 5,8 triệu người, bằng với mức phát hiện của năm 2012.
Năm 2021, con số này đã có sự phục hồi nhỏ, lên 6,4 triệu trường hợp, bằng với mức phát hiện của năm 2016-2017.
Trong năm 2021, thế giới ước tính có khoảng 10,6 triệu người mắc lao, trong đó 1,6 triệu người đã mất vì căn bệnh này. Mỗi ngày trên thế giới có khoảng 30.000 người mắc lao và 4.000 người tử vong do lao.
Bệnh lao là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 13 và là nguyên nhân gây tử vong hàng thứ hai bệnh truyền nhiễm sau Covid-19, trên cả HIV/AIDS.
Là một trong 8 nước có mức giảm phát hiện bệnh lao cao trong năm 2021 (với mức giảm trên 20%), Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 11 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu. Đồng thời, Việt Nam cũng xếp thứ 11 trong số 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2022.
Hàng năm, Việt Nam chỉ mới phát hiện khoảng 60% bệnh nhân lao so với số ước tính dựa vào tình hình dịch tễ. Do đó, vẫn còn khoảng 40% bệnh nhân lao trong cộng đồng chưa được phát hiện để kết nối điều trị với chương trình chống lao.
Mục Sức khỏe giới thiệu cuốn Ăn gì không chết. Cuốn sách là một khảo cứu của bác sĩ Michael Greger sau khi ông xem xét tỉ mỉ 15 nguyên nhân hàng đầu dẫn đến chết trẻ ở Mỹ để giải thích tại sao can thiệp dinh dưỡng và lối sống có thể giúp ta khỏe mạnh hơn, ví dụ như mối liên hệ giữa thịt gà và ung thư tuyến tụy, hoặc bệnh tiểu đường và đậu.