Trong thời gian mang thai, Kristine Barry, 25 tuổi, sống tại Barrie, Central Ontario (Canada), được các bác sĩ thông báo rằng đứa con trong bụng cô đang mắc phải một dị tật hiếm gặp ở tim được gọi là đảo gốc động mạch.
Đây là dạng dị tật nguy hiểm nhất trong các loại dị tật tim bẩm sinh với tỷ lệ tử vong rất cao nếu không được can thiệp phẫu thuật sớm. Dị tật đảo gốc động mạch xảy ra do những bất thường trong quá trình hình thành tim từ lúc phôi thai, dẫn đến việc động mạch phổi và động mạch chủ sẽ đổi chỗ cho nhau.
Thông thường, máu giàu oxy được đẩy ra từ tâm thất trái thông qua động mạch chủ đi nuôi cơ thể, trong khi đó động mạch phổi chính là “tuyến đường” đưa máu nghèo oxy từ tâm thất phải về phổi. Tại phổi, máu được tăng cường oxy sẽ trở về tâm thất trái từ đó qua động mạch chủ, thành một hệ tuần hoàn. Trường hợp mắc dị tật đảo gốc động mạch thì việc này hoàn toàn bị đảo lộn.
Vợ chồng Kristine Barry hạnh phúc ôm con trai mình. Ảnh: CBC News. |
Đứa trẻ trong bụng nhận được oxy và chất dinh dưỡng cần thiết từ người mẹ thông qua dây rốn, do đó dị tật này không gây nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, khi chào đời, hệ tuần hoàn của trẻ sẽ không thể lưu thông oxy và sẽ tử vong chỉ sau một thời gian ngắn. Do đó, các bác sĩ đã quyết định can thiệp phẫu thuật trước khi bé trai có tên là Sebastian chào đời.
Các bác sĩ tại Bệnh viện Mount Sinai và Bệnh viện Sick Kids ở Toronto đã quyết định sử dụng phương pháp mở thông vách liên nhĩ (Balloon Atrial Septoplasty) hay còn gọi là thủ thuật Rashkind (được thực hiện bởi Rashkind và Miller năm 1966). Các bác sĩ đã chèn một quả bóng vào tim của Sebastian để mở rộng luồng thông ở vách liên nhĩ thông qua tử cung của người mẹ. Ưu điểm của thủ thuật này đó là tương đối an toàn, nguy cơ tử vong rất thấp.
Hai tháng sau ca phẫu thuật, bé Sebastian chào đời với trái tim khỏe mạnh trong niềm vui sướng của cha mẹ.
Kristine Barry cho biết cô cảm thấy hạnh phúc không thể diễn tả thành lời khi chào đón con yêu của mình. Trong thời gian mang thai, cô được các bác sĩ cảnh báo có thể sẽ nhìn thấy con trai mình trong hình hài tái xanh vì thiếu oxy và sẽ nhanh chóng phải rời xa bé. "Phép màu đã đến. Con trai tôi có màu hồng và cất tiếng khóc rất lớn", người mẹ chia sẻ.
Các bác sĩ đã nói với cặp vợ chồng rằng vết sẹo của Sebastian từ cuộc phẫu thuật tim trên ngực của bé sẽ dần dần biến mất, và sẽ mờ không nhìn thấy được khi trưởng thành. Sebastian có thể chơi bóng đá, khúc côn cầu, đi học đại học, và có cuộc sống bình thường.
Việc phẫu thuật cho các bé ngay từ trong bụng mẹ không phải là việc hiếm đối với sự tiến bộ của y học. Trước Sebastian, vào năm 2013, một cậu bé khác có tên là Juan Paladino từ Uruguay cũng từng được phẫu thuật loại bỏ khối u ở tim khi mới được 21 tuần tuổi. Sau khi phát hiện khối u trong tim của Juan trong một lần siêu âm, cha mẹ cậu bé đã đi khắp nơi để tìm cách chữa trị cho đứa con trai chưa chào đời của mình. Rất may mắn, các bác sĩ tại Bệnh viện Philadelphia (Mỹ) đã đồng ý phẫu thuật và Juan đã được cứu sống.