Nguyễn Thị Diệp - bệnh nhân được ghép gan đầu tiên của Việt Nam đã ra đi ở tuổi 26. Cô bé 9 tuổi đã sống thêm 17 năm cùng với lá gan của cha. Khi còn sống, Diệp vẫn gọi GS.TS Đỗ Tất Cường, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Quân y 103, bằng tên gọi thân thương “ông Cường”. Đây cũng là người đã cùng cô bé vượt qua ca ghép gan lịch sử. Ông dành cho Zing cuộc chia sẻ về nữ bệnh nhân mà ông xem như người thân của mình.
Cô bé hồn nhiên, khát khao sống
- Nguyễn Thị Diệp là ca ghép gan đầu tiên ở nước ta. Đây hẳn là một bệnh nhân đáng nhớ đối với giáo sư?
- Ca ghép gan diễn ra vào ngày mùng 10 Tết năm 2004. Thời điểm đó, tôi là Phó giám đốc Bệnh viện Quân y 103. Tôi được GS.TS Phạm Gia Khánh - Giám đốc Học viện Quân y - giao nhiệm vụ cùng các đồng nghiệp chuẩn bị trước ghép và chịu trách nhiệm hồi sức cho bệnh nhân trong khi ghép cũng như toàn bộ quá trình điều trị sau đó.
Sau ca ghép, tôi ở liền trong viện suốt một tháng, cùng các bác sĩ và điều dưỡng khoa Hồi sức thay phiên nhau để theo dõi diễn biến của bé Diệp cũng như người cha cho gan. Diệp vẫn thường gọi tôi là “ông Cường”. Bé rất quý và nghe lời tôi.
Tôi và bé có nhiều kỷ niệm. Hồi đó, cô bé không chịu cho người khác chụp ảnh. Kể cả khi Chủ tịch nước Trần Đức Lương vào thăm, bé khóc rất to và không cho chụp ảnh. Cuối cùng, chủ tịch nước phải bảo dừng chụp ảnh lại. Khi tôi hỏi lý do thì bé bảo không muốn bị chụp trong khi mình đang xấu xí, người đầy dây dợ như thế này.
Rồi tôi bảo con nên nghe lời ông, chụp ảnh cùng cha và thể hiện sự trân trọng, biết ơn đối với sự hy sinh của cha mình. Nghe vậy, con liền đồng ý chụp. Khi chụp ảnh 2 cha con Diệp, tôi nói bé giơ tay lên vuốt má cha. Lúc này là 7 ngày sau ghép. Người cha đã khỏe, đi lại bình thường, Diệp cũng ổn định. Đó là bức ảnh để đời, chứa đựng tình yêu thương không chỉ của người cha đã cho gan mà còn là sự biết ơn của đứa trẻ 9 tuổi với người đã sinh ra bé lần 2.
Sau khi bé ra viện, GS.TS Phạm Gia Khánh, GS.TS Lê Bách Quang và tôi về tận nhà thăm gia đình cháu. Cha của Diệp sau đó còn sinh thêm một bé trai nữa. Năm 2017, tôi trở lại Học viện Quân y tham dự và có báo cáo tại Hội nghị tổng kết thành tựu 25 năm ghép tạng Việt Nam. Thấy tôi, cháu Diệp chạy vội đến và ôm chầm lấy. Đó là những tình cảm tự nhiên đáng quý, không chỉ khi cô bé 9 tuổi. Khi đã trưởng thành hơn, cháu vẫn giữ nguyên sự hồn nhiên đó khiến tôi cảm động.
Bức ảnh cha con Diệp do "ông Cường" chụp sau 7 ngày ghép gan cho cô bé. Ảnh: GS Đỗ Tất Cường. |
- Còn những khó khăn ông cùng đồng nghiệp phải đối mặt lúc đó như thế nào?
- Đối với ghép gan nói riêng hay các tạng khác nói chung, Học viện Quân y đều chuẩn bị rất kỹ. Chúng tôi được sang nước ngoài học về kỹ thuật. Khi về nước, chúng tôi bắt tay vào làm. Tuy nhiên, đây là ca ghép gan đầu tiên, tức chúng tôi chưa hề có kinh nghiệm dù trước đó đã thành công với ghép thận. Các chuyên gia Nhật Bản đã sang hỗ trợ.
Sau ca ghép, họ rời đi, chỉ để lại một người nhưng cũng nhanh chóng về nước. Một trong những khó nhất là ở miền Bắc chưa định lượng được nồng độ thuốc ức chế miễn dịch loại mới cho bệnh nhân ghép gan nên phải gửi vào Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) để nhờ làm. Trong khoảng thời gian chờ kết quả xét nghiệm nồng độ thuốc, chúng tôi phải dựa vào dấu hiệu lâm sàng của bệnh nhân để điều chỉnh liều thuốc.
Tôi nhớ mãi lần duy nhất rẽ về nhà tạm biệt cha trước khi ông cụ đi nước ngoài. Khi mâm cơm vừa dọn lên, tôi được đồng nghiệp báo tin Diệp lên cơn co giật. Tôi vội mặc áo mà không kịp cài khuy, lái xe chừng hơn 7 km, khi rẽ tôi mới nhận ra chưa kịp mở gương xe, thật may không có sự cố gì.
Lúc đó, tôi vô cùng lo lắng, không biết chuyện gì xảy ra, có nguy hiểm tới tính mạng của bệnh nhân không. Đến nơi, khoác áo vô khuẩn, đeo khẩu trang, đội mũ, tôi vội bế cháu lên xe để sang Bệnh viện Quân y 103 chụp não. May mắn, cháu không bị tổn thương ở não, cũng không phải do quá nồng độ thuốc. Đó chỉ là một cơn động kinh. Sau khi điều trị cho cháu ổn định, một điều dưỡng mới lo cho tôi bát mì tôm lúc đêm muộn.
Diệp đòi hỏi gì chúng tôi đều đáp ứng. Có lúc cô bé đòi khoai mà phải ăn ngay. Nhưng để đảm bảo an toàn, sau khi mua về, chúng tôi đưa vào khử khuẩn rồi mới cho cháu ăn. Diệp dỗi, phải dỗ mãi mới chịu ăn. Còn các bác sĩ, điều dưỡng thì hầu như không ăn đúng bữa. Trời thì rét, lúc xong việc, cơm canh có khi đã lạnh ngắt. Thấy vậy, GS.TS Lê Năm (Giám đốc Viện Bỏng Quốc gia lúc đó) liền cấp cho một chiếc nồi cơm điện để cơm bớt nguội hơn.
Nhưng chuyện bác sĩ bị đói là bình thường. Thấy bệnh nhân tiến triển tốt, mọi mệt mỏi dường như đều tan biến. Từ những ca đầu tiên như vậy, mình vừa học, vừa làm. Chúng tôi luôn tâm niệm mỗi bệnh nhân như là một “người thầy”. Mình học hỏi xong lại truyền lại cho thế hệ sau, cứ thế để tạo nên một ê-kíp vững mạnh như bây giờ.
GS.TS Đỗ Tất Cường, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Quân y 103, gọi điện cho người thân của Nguyễn Thị Diệp . Ảnh: HQ. |
"Ông Cường ơi, cháu muốn được học ngành y"
- Ấn tượng của giáo sư về Diệp như thế nào?
- Trong gia đình Diệp, ngoài người cha tự nguyện hiến gan còn có ông nội của bé, cũng là người rất trách nhiệm, tình cảm. Lúc đó, chúng ta chưa từng ghép gan, song ông nội động viên cha của Diệp khi đã đồng ý hiến gan. Đó không chỉ là tình yêu thương con vô bờ bến, sự hy sinh mà còn là niềm tin với y học. Đó là điều chúng tôi rất trân quý.
Diệp khi đó là cô bé 9 tuổi hồn nhiên, mang đầy sự hy vọng. Bé mong muốn được ghép gan. Bé tâm sự với “ông Cường” về khát khao đi học - ước mơ tưởng chừng rất bình thường. Chúng tôi đã cố gắng để hiện thực giấc mơ đó cho bé bằng nỗ lực của y học, là sự hy sinh, đánh đổi chứ không chỉ là tiền bạc. Diệp mong muốn được học ngành y. Ước muốn đó cũng được các giáo sư của Học viện Quân y hỗ trợ. Sau này, Diệp trở lại viện làm việc, tiếp tục sự nghiệp chăm sóc bệnh nhân.
Hơn một năm trước, tôi có gặp Diệp. Lúc đó, cô bé vẫn còn khỏe. Cháu còn kể với tôi rằng đang yêu. Tôi mừng cho cháu.
Bức ảnh GS Đỗ Tất Cường bế bé Diệp lúc 9 tuổi. Suốt một tháng sau ca ghép gan lịch sử, GS Cường luôn túc trực bên cạnh cô bé. Ảnh: HQ. |
- Cảm xúc của ông khi nghe tin bệnh nhân của mình qua đời?
- Tôi nghe tin từ đồng nghiệp. Cách đây không lâu, tôi đã vào khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Quân y 103, để thăm Diệp. Lúc tôi vào, da cô bé rất vàng. Diệp rất muốn ghép gan lần 2. Nhưng cháu xuất hiện phình mạch lớn trong gan, hệ thống tĩnh mạch trong gan giãn, dần dẫn đến xơ gan, lại ghép đã lâu và trên nền teo đường mật bẩm sinh nên việc ghép gan lần 2 rất khó.
Nếu Diệp có thể sống thêm nhiều năm, đó không chỉ là mong muốn của cháu và gia đình mà còn là kỳ vọng của y học. Khi bệnh nhân không qua khỏi, không thầy thuốc nào mong muốn. Diệp mất đi là nỗi đau mất mát không gì bù đắp nổi của gia đình. Chúng tôi - các thầy thuốc từng chăm sóc cháu cũng đau. Khi nhận được tin, tôi cảm giác như một khoảng lặng dù biết điều đó sẽ xảy ra nếu Diệp không được ghép gan lần nữa.
Dù cháu Diệp mất rồi, đây vẫn là ca ghép gan đầu tiên thành công nhất của nước ta. Cô bé là bệnh nhân ghép gan sống được lâu nhất khi đã bước sang năm thứ 17. Đó là quãng thời gian có thể không dài nhưng đủ để cô bé 9 tuổi được tái sinh. Diệp đã có cơ hội lớn lên, được đi học, trở thành dược sĩ trung cấp và được làm ở Bệnh viện Quân y 103 - Học viện Quân y như giấc mơ của mình.
Từ câu chuyện của Diệp, các thầy thuốc càng thấy trách nhiệm của mình làm sao để bệnh nhân có thể sống lâu hơn, chất lượng hơn. Dù 17 năm đã có thể thỏa mãn ước nguyện của Diệp nhưng sâu thẳm chúng tôi muốn được nhiều hơn thế nữa.
Ghép tạng là đỉnh cao của y học. Việt Nam những năm gần đây đã tiến hành ghép tim, tụy, tụy - thận, phổi. Gần nhất là Học viện Quân y đã ghép ruột thành công. Mới đây Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) còn ghép thành công 2 tay cho một thanh niên. Điều đó mang lại hạnh phúc vô giá cho người bệnh.
Chúng tôi mong muốn sẽ có nguồn tạng nhiều hơn cho người bệnh, nếu không được ghép chắc chắn họ không sống được hoặc chất lượng cuộc sống rất khó khăn. Hiện nay, người chết não hiến tạng chưa đến 10%. Hàng nghìn người bệnh đang rất cần nguồn tạng từ những người này.
Trong ghép tạng, cánh cửa này khép lại, cánh cửa khác lại mở ra. Đã có những gia đình đồng ý cho người thân không may bị chết não hiến tạng để mang lại cuộc sống cho nhiều người. Đó là những nghĩa cử rất cao cả, nhân văn, thật đáng trân trọng và biết ơn.