Các tháng 3, 4 và 5 thường là thời gian nóng nhất và khô nhất ở Philippines, nhưng điều kiện thời tiết năm nay càng trở nên trầm trọng hơn do El Nino.
Bà Erlin Tumaron, 60 tuổi, làm việc tại một khu nghỉ dưỡng ven biển ở tỉnh Cavite, phía nam Manila, nơi nhiệt độ lên tới 47 độ C hôm 23/4, cho biết: “Trời nóng đến mức không thể thở nổi”.
"Thật ngạc nhiên là hồ bơi của chúng tôi vẫn vắng. Thời tiết nắng nóng thì lẽ ra hồ bơi sẽ thành điểm giải nhiệt lý tưởng nhưng có vẻ như mọi người không muốn ra khỏi nhà vì quá nóng”, bà nói thêm.
Cơ quan dự báo thời tiết Philippines cho biết chỉ số nhiệt dự kiến đạt mức "nguy hiểm" từ 42 độ C (108F) trở lên ở ít nhất 30 thành phố và đô thị hôm 24/4.
Bà Ana Solis, chuyên gia khí hậu trưởng tại cơ quan dự báo thời tiết của Philippines, nói rằng 50% khả năng nắng nóng sẽ gia tăng trong những ngày tới.
“Chúng ta cần hạn chế thời gian ở ngoài trời, uống nhiều nước, mang theo ô và mũ khi ra ngoài trời”, bà Solis nói với AFP hôm 24/4.
Vị chuyên gia khẳng định hiện tượng El Nino là nguyên nhân của "nắng nóng cực độ" ảnh hưởng đến nhiều vùng trên đất nước.
Khoảng một nửa số tỉnh của nước này đã chính thức rơi vào tình trạng hạn hán.
Nhân viên văn phòng không ra ngoài ăn trưa
Khu đô thị Aparri phía bắc Philippines hứng chịu chỉ số nhiệt độ 48 độ C hôm 23/4, cao nhất cả nước và ở mức 45 độ C vào ngày 24/4.
Ông Eric Vista thuộc cơ quan thảm họa thành phố nói với AFP: “Ở đây thực sự rất nóng”.
Ông cho biết một trận mưa vào tối 23/4 đã giúp giảm nhiệt tạm thời nhưng “tình trạng nóng cực độ” trở lại vào thứ tư.
Sự oi bức ở thủ đô Manila buộc nhiều trường học phải chuyển sang hình thức học từ xa. Nhiệt độ lên tới 45 độ C hôm 23/4 và ở mức 44 độ C hôm 24/4.
Tại tỉnh Occidental Mindoro, nhân viên chính quyền Mary Ann Gener tình trạng rất khủng khiếp với những người phải làm việc ngoài trời.
"Bạn sẽ bị đau đầu ngay sau khi ra ngoài. Bạn thực sự cần bổ sung nước", cô nói.
Người dân cố gắng chống chọi với nắng nóng khi di chuyển ở thành phố Navotas vào ngày 22/4. Ảnh: ABS-CBN News. |
Tại thành phố Dagupan, phía bắc Manila, Edz Alteros - nhân viên một trường đại học - cho biết cô và các đồng nghiệp không còn ra ngoài ăn trưa vì nắng nóng.
Chỉ số nhiệt tại đây đạt 47 độ C hôm 23/4.
“Chúng tôi nhờ ai đó mua đồ ăn và ăn trong văn phòng”, Alteros, 27 tuổi, cho biết.
"Máy lạnh được đặt ở mức 14-18 C vào thời điểm nóng nhất trong ngày, nhưng chúng tôi tăng nhiệt độ vào những thời điểm khác để tránh máy điều hòa bị hỏng".
Nhiệt độ toàn cầu đạt mức cao kỷ lục vào năm ngoái và cơ quan thời tiết và khí hậu của Liên Hợp Quốc hôm 23/4 công bố châu Á đang nóng lên với tốc độ đặc biệt nhanh chóng.
Philippines được xếp hạng trong số các quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước tác động của biến đổi khí hậu. Bộ Y tế nước này hôm 24/4 cho biết từ đầu năm đến nay đã ghi nhận hàng chục trường hợp phải nhập viện điều trị liên quan đến nắng nóng, trong đó có 6 ca tử vong.
Nông dân Philippines trên cánh đồng khô hạn. Ảnh: Philstar. |
Tiến thoái lưỡng nan
Theo Reuters, 7.000 trường công lập tại Philippines đã chuyển sang hình thức học trực tuyến trong tuần qua, do nắng nóng bất thường.
Điều này xuất phát từ việc hầu hết trường học ở những nơi tập trung nhiều người thu nhập thấp tại Philippines không được trang bị hệ thống làm mát đầy đủ.
Khảo sát từ ACT-NCR, hiệp hội giáo viên tại khu vực thủ đô Manila, cho thấy gần 46% trong số 8.000 giáo viên được hỏi khẳng định các phòng học chỉ có một hoặc hai quạt điện, không đủ làm mát trong thời tiết khắc nghiệt.
Thêm vào đó, hơn 75% giáo viên cho rằng nền nhiệt hiện tại ở mức "không thể chịu đựng" và đã có 87% học sinh từng mắc phải các triệu chứng liên quan đến nhiệt trong những ngày qua.
"Nhiệt độ đang tác động lớn lên trẻ em. Nhiều học sinh ngất xỉu ngay trong lớp. Giáo viên cũng phải chật vật với nắng nóng nhưng họ thường ưu tiên sức khỏe của học sinh trong lớp học", người phát ngôn ACT-NCR Ruby Bernardo cho hay.
Tuy nhiên, việc cho học sinh ngừng tới lớp cũng làm này sinh những vấn đề khác.
Bà Erlindo Alfonso - lãnh đạo hiệp hội giáo viện tại thành phố Quezon - cho biết: "Nhiều học sinh nói với tôi rằng các em muốn đến trường vì tình hình nắng nóng còn tồi tệ hơn khi ở nhà".
Ngoài ra, nhiều học sinh sinh sống tại các khu ổ chuột, không có kết nối Internet nên không thể học trực tuyến.
Không dừng lại ở đó, những học sinh này thường phải ở nhà một mình vì người thân đều phải ra ngoài mưu sinh.
Học kỹ năng sống từ những cuốn cẩm nang sinh tồn
Sách “Cẩm nang sinh tồn”, “100 kỹ năng sinh tồn”, “Sống sót” là câu chuyện của những phượt thủ, nhà thám hiểm về cách thoát hiểm và sinh tồn.