Điện ảnh Hàn vốn coi mùa hè là thời điểm phát hành phim kinh dị khi khán giả tới rạp tìm kiếm cảm giác sợ hãi giữa thời tiết nóng nực. Các tác phẩm kinh dị nổi tiếng như A Tale of Two Sisters, Whispering Corridors 3: Wishing Stairs (2003) và R-Point (2004) và đều ra rạp vào mùa hè.
Mùa hè năm nay, dòng phim kinh dị chỉ có đại diện duy nhất ra rạp là The Mimic. Phim dựa theo một sinh vật bí ẩn có tên là Jangsan Brom bắt chước tiếng nói của loài người để mê hoặc họ.
Một mình một chợ
Phim mô tả một gia đình bị ảnh hưởng bởi loài sinh vật bí ẩn này. Jangsan là một ngọn núi nằm tại quận Haeundae ở Busan, còn “beom” trong tiếng Hàn có nghĩa là loài hổ.
Đạo diễn The Mimic là Huh Jung - người có màn chào sân ấn tượng vào hè năm 2013 với tác phẩm bí ẩn Hide and Seek từng thu về 40 tỷ won.
A Tale of Two Sisters - đại diện kinh điển cho phim kinh dị Hàn Quốc gây tiếng vang trên thế giới. Ảnh: DM. |
“Tôi nghĩ sẽ rất kinh ngạc khi bạn nghe một giọng nói quen thuộc phát ra từ một người xa lạ”, nhà làm phim nói về ý đồ của The Mimic. Huh Jung cũng giải thích thay vì hù dọa khán giả bằng những âm thanh rùng rợn, anh cố gắng khai thác khía cạnh yếu đuối của nhân vật bị loài sinh vật Jang San Beom này lợi dụng.
Đối với nhân vật nữ Hui Yeon trong phim, điểm yếu của cô chính là mất đi đứa con trai.
Vài năm nay, màn ảnh rộng xứ Hàn vào hè chứng kiến sự sụt giảm đáng kể những tác phẩm kinh dị bí ẩn. Xu hướng này khiến giới trong nghề tò mò liệu The Mimic sẽ thu hút được bao nhiêu khán giả khi ra rạp vào ngày 17/8, đặc biệt khi bộ phim mới A Taxi Driver đang thu hút sự quan tâm của công chúng.
The Mimic (ảnh trái) ra rạp sẽ phải cạnh tranh với The Battleship Island và A Taxi Driver. Ảnh: Nate. |
Phim kinh dị từng là dòng phim “phải xem” đối với khán giả Hàn Quốc. Doanh thu phòng vé đã chứng minh điều này, A Tale of Two Sisters bán được 3,15 triệu vé, To Catch a Virgin Ghost với 1,99 triệu …
Thời điểm hoàng kim của thể loại phim này là từ thập niên 1990 tới 2000 với các tác phẩm kinh điển như The Fox with Nine Tails (1994), The Ring Virus (1999) … Tuy nhiên từ vài năm nay, dòng phim này bắt đầu thưa thớt dần vào mùa hè.
Nguyên nhân từ đâu?
Theo nhà phê bình điện ảnh Oh Dong Jin, một trong những lý do của hiện tượng này chính là sự phân cực của ngành công nghiệp điện ảnh. Ông nói: “Phim kinh dị thường có vốn đầu tư thấp cho tới trung bình, rơi vào khoảng 2 cho tới 3 tỷ won để sản xuất, điều này có nghĩa phải có ít nhất 700.000 vé được bán ra mới hy vọng bắt đầu có lãi".
"Tuy nhiên, với ngành công nghiệp điện ảnh hiện nay, các nhà sản xuất và đầu tư hướng tới những bộ phim lớn mà có thể bán được hơn 10 triệu vé hoặc phim chi phí thấp hẳn, dưới 1 tỷ won”, ông phân tích.
Ha Ji Won trong phim The Phone năm 2002. Ảnh: Newsis. |
Một nguyên nhân nữa khiến phim kinh dị bị khán giả thất sủng là sự trỗi dậy của các dòng phim khác. “Phim kinh dị phản ánh bức tranh xã hội thời đại. Tuy nhiên ở Hàn Quốc, các dòng phim khác như cổ trang bí ẩn và đề tài chính trị đang lấy đi chức năng đó” , Oh Dong Jin khẳng định và lấy dẫn chứng từ những phim như The King (2017) và Assassination (2015).
Ngoài những lý do khách quan, sự thiếu sáng tạo của các nhà làm phim cũng khiến khán giả dần quay lưng. Nhà phê bình Kim Hyeong Suk chỉ ra: “Khi phim kinh dị đạt đến đỉnh cao vào đầu thập niên 2000, có 3 hoặc 4 phim phát hành vào mùa hè, tạo nên những ngôi sao như Ha Ji Won và các nhà làm phim đặc trưng của dòng này như Ahn Byeong Ki".
"Nhưng sự thịnh vượng của nó không kéo dài lâu vì trào lưu thương mại hóa, những bộ phim mới lặp đi lặp lại cùng một yếu tố”, ông bày tỏ sự nuối tiếc. Chuyên gia này cho rằng điều đặc biệt quan trọng đối với các thể loại phim là phải luôn biến đổi để duy trì khán giả.
Ý tưởng của The Mimic là một sinh vật bí ẩn có khả năng bắt chước giọng nói loài người. Ảnh: Naver. |