Khi thị trường điện ảnh Việt phát triển “nhanh dần đều” thì bức tranh toàn cảnh cũng rõ nét hơn, khán giả mê nhất hai món hài và kinh dị. Phim kinh dị Mỹ, Thái, Hàn Quốc vào rạp Việt nhiều như “cơm bữa” chứ không chỉ nhân thể mùa Halloween.
Và nhà làm phim Việt cũng ít người muốn dấn thân vào cuộc chơi may rủi nếu chọn thể loại khác đi, thế nên bây giờ điểm mặt phim thương mại Việt không hài thì kinh dị. Các thể loại khác như tâm lý, tình cảm bỗng hóa lạc thời!
Khi khán giả chịu “ngủ với hồn ma”...
Thật ra đó là tên một phim kinh dị mới nhất vừa ra rạp Việt ngày 8/5, đạo diễn Bá Vũ có vẻ như là một cái tên lạ với phim chiếu rạp nhưng lại không xa lạ với người xem phim trên... báo, bởi lẽ Bá Vũ là một cây viết bình phim kinh điển khá chuyên nghiệp.
Những người biết Bá Vũ đều biết anh đã theo đuổi thể loại kinh dị này dễ đến hơn 10 năm trước, từ cái thuở đi đâu cũng nói về Khách sạn không đèn (lúc đó ở thị trường phim Việt hình như chưa ai nghĩ đến phim kinh dị, nhát ma...). Ðể rồi đột nhiên Ngủ với hồn ma công bố trailer rồi lịch chiếu và họp báo.
Ngủ với hồn ma - một phim kinh dị có không khí ma. Ảnh: Galaxy Cinema |
Không khó để nhận ra Ngủ với hồn ma là một phim kinh dị có không khí hù dọa “kinh dị” nhất. Theo đuổi một cách cấu trúc phim khá lạ với phim Việt thông thường, Bá Vũ chia phim thành ba phần tưởng như chẳng liên quan gì (và cuối phim thì thấy sự liên quan cũng hơi... yếu).
Hai phần đầu có thể coi là hai phần tốt nhất. Phần một giới thiệu câu chuyện khá tốt, không khí “sặc mùi tử khí” và có thể làm rụng tim người yếu bóng vía. Phần hai tiếp nối được không khí đó nên phim khá mạch lạc và tiếp tục làm... rụng tim khán giả. Nhưng phần ba thì thiếu thuyết phục nên cái kết hơi “lạc quẻ”.
Ðiểm yếu nhất của Ngủ với hồn ma có lẽ là khâu lồng tiếng, hóa trang và đài từ diễn viên. Hồ Vĩnh Anh làm được một việc... khó khi gần như bất cứ lời thoại nào mà nhân vật của anh nói ra đều khiến khán giả cười nghiêng ngả để phá tan không khí bi thương hoặc kinh dị mà đạo diễn đã cố công tạo dựng!
Ở phần này tay nghề đạo diễn cũng bị thử thách khi câu chuyện bắt đầu trở nên khó kiểm soát, nhiều chỗ dựng sai, logic phim không còn thuyết phục... Nhưng ngoại trừ những điểm yếu đó thì Ngủ với hồn ma với phần hình ảnh quay khá tốt là một phim kinh dị có nhiều điểm cộng, ngay khán giả của buổi ra mắt khi về ai cũng xôn xao... sợ!
Cái khó của phim kinh dị “made in Vietnam”
Yếu tố mê phim hài dễ nhận diện vì phim hài dễ xem, cười cho vui là điều mà khán giả tìm kiếm khi bỏ tiền mua vé vào rạp xem phim. Nhưng mê phim kinh dị thì kể ra hơi khó lý giải, kiểu bỏ tiền mua cái sợ và sự ám ảnh vậy.
Hay là sự tò mò vô thức với cái chết, với “cõi âm”? Với nhà làm phim thì lý do dễ hiểu hơn, kinh phí đầu tư cho phim nói tiếng Việt chưa nhiều nên các thể loại cũng rất hút khách kiểu viễn tưởng, hành động, chiến tranh hay lịch sử luôn là món khó nhằn.
Còn phim kinh dị, nếu đạo diễn giỏi, hóa trang tốt, một kịch bản thông minh thì với mức kinh phí khiêm tốn cũng có thể làm cả rạp phim... gào lên vì sợ rồi!
Có thể khẳng định người đem lại sự tự tin đầu tiên cho các nhà làm phim Việt hôm nay ở thể loại phim kinh dị chính là đạo diễn Victor Vũ với Giao lộ định mệnh - một phim có không khí rùng rợn, ma quái được làm chuyên nghiệp đã khiến khán giả rất thích thú.
Sau đó thì số phim kinh dị Việt hay dở đều có thể đếm được khá nhiều. Ðiều may mắn cho khán giả là công nghệ và sự chuyên nghiệp từng khâu đã ít nhiều thay đổi bộ mặt điện ảnh Việt.
Khâu hóa trang vốn là thứ khó nhất thì từ Lời nguyền huyết ngải với chuyên gia hóa trang Lilian Tran từ Canada về đã thuyết phục được không chỉ đạo diễn mà còn với khán giả sau này. Lilian Tran sau phim đó đã trở thành lựa chọn không thể thay thế với nhiều phim khác không chỉ kinh dị và là “mối ruột” của đạo diễn Victor Vũ - người đang sở hữu số phim kinh dị nhiều nhất Việt Nam!
Cái khó nhất của phim kinh dị, theo một số nhà làm phim chia sẻ, thì chính là “luật điện ảnh”. Việc cấm tuyên truyền mê tín dị đoan đôi khi đã là một cánh cửa khá hẹp để các nhà làm phim có thể lách qua.
Từng có một cảnh phim rất ngắn tưởng như vô thưởng vô phạt là chiếc rèm cửa rung lên trong một phim kinh dị đã bị yêu cầu cắt bỏ. Thậm chí Lời nguyền huyết ngải của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên hay Giao lộ định mệnh của đạo diễn Victor Vũ cũng chỉ “dám” ghi thể loại là tâm lý ly kỳ chứ không dám khẳng định rằng đây là phim kinh dị.
Một phim kinh dị của Lê Văn Kiệt là Rừng xác sống đã bị cấm phát hành. Ngay cả việc có hay không một con ma (hoặc quỷ) tồn tại trong phim cũng là tranh cãi bất tận.
Chung cư ma, Ngủ với hồn ma (cùng một nhà sản xuất) đều có một con ma “ngang nhiên” tồn tại trên phim, nhưng để giải quyết đến cùng câu chuyện thì nhà làm phim luôn phải chấp nhận rằng con ma ấy là sản phẩm của sự ám ảnh, của nỗi khiếp sợ chứ không hề có thật.
Chọn cách này có lẽ cũng là cách nửa vời của cái sợ, nửa vời hù dọa. Nhưng các phim kinh dị gần đây cho thấy các nhà làm phim Việt có vẻ đã biết né luật một cách thông minh, khôn khéo “bước qua lời nguyền” mà không lo bị “thổi còi”, để dần chinh phục khán giả Việt không thua gì các phim Mỹ khác được chiếu cùng thời điểm.
Và để xem phim ma Việt, sợ thì cũng sợ hết hồn nhưng ra khỏi rạp thì yên tâm, vì không có ma!
Điểm mặt một số phim kinh dị Việt những năm qua: Giữa hai thế giới (Vũ Thái Hòa),Ngôi nhà trong hẻm (Lê Văn Kiệt), Bóng ma học đường (Lê Bảo Trung), Giao lộ định mệnh, Scandal - Bí mật thảm đỏ, Scandal - Hào quang trở lại, Quả tim máu... (Victor Vũ), Đoạt hồn (Hàm Trần)...