Tập phim ngắn với thời lượng khoảng 7 phút với sự tham gia của NSƯT Công Ninh mang đến góc nhìn mới về sự đoàn viên ngày Tết. Các thành viên trong gia đình ở cạnh nhau nhưng lại mãi sống trong thế giới của riêng mình, thiếu quan tâm đến nhau.
Những ai yêu phim của Vũ Ngọc Đãng sẽ đồng ý rằng những thước phim của anh bình dị và thân thuộc, không mấy kịch tính cao trào, không nhiều kỹ xảo hay võ thuật. Thế nhưng, chính sự đơn giản đó lại nhanh chóng làm động lòng người.
Năm nay, chất tự sự ấy một lần nữa được thể hiện đậm nét trong phim ngắn Tết “Đầu năm trao Muối” lấy cảm hứng từ câu chuyện có thật, được kể lại từ một người mẹ mộc mạc giản dị. Người phụ nữ ấy kể về cảm giác lạc lõng trong chính căn nhà của mình khi các con, người thân mãi sống trong thế giới ảo, bị chi phối bởi công nghệ. Bà không cảm nhận được không khí Tết, các con thì như những vị “khách trọ” trong chính gia đình mình.
Vũ Ngọc Đãng trở lại với phim ngắn “Đầu năm trao Muối”. |
Với thủ thuật đan xen giữa hiện tại và quá khứ, “Đầu năm trao Muối” là một câu chuyện mang hơi thở của thời đại, về cái Tết của những người trẻ sống hối hả trong guồng quay của cuộc sống hiện đại. Họ từng đi qua những mùa Tết rộn ràng nhất, đậm đà nhất của tuổi thơ. Thế nhưng, khi trưởng thành, bị xã hội hiện đại chi phối, những người trẻ đánh mất dần những ngày xuân sum vầy, san sẻ, yêu thương bên người thân, gia đình.
Hình ảnh mở đầu của bộ phim là miền ký ức về một phong tục đầy ý nghĩa nhưng dường như đang bị quên lãng, đó là tục đầu năm trao muối. Trong tâm tưởng người Việt, những hạt muối tinh khôi và đậm đà ấy đem trao tặng trong những ngày đầu năm sẽ mang lại may mắn cho gia chủ. Tục trao muối thay lời chúc cho sự gắn kết, yêu thương trong những mối quan hệ.
“Đầu năm trao Muối” không chỉ là tên phim, đó còn là một phong tục mang biểu trưng cho sự gắn kết trong các mối quan hệ xã hội. |
Những người trẻ, mà đại diện ở đây là Khang - nhân vật nam chính, dù ngày bé thường cùng bố mang muối trao tặng người thân, hàng xóm, đến khi trưởng thành lại cho đó là sự phiền toái. Cũng từ đó, khi hạt muối không còn được trao nhau, tình cảm gắn bó keo sơn trong các mối quan hệ, đặc biệt là gia đình dần phai nhạt.
Tục xưa mất đi cũng chính là lúc sự gắn kết gia đình rệu rã. |
Chính vị đạo diễn cũng nhấn mạnh trong buổi ra mắt phim rằng người trẻ hiện nay dường như đang chỉ “ở trọ” trong chính căn nhà mình. Cụm từ “ở trọ” cũng là thông điệp chính trong bộ phim, nghe chạnh lòng nhưng cũng không sai. Người trẻ đang chỉ “hiện diện” chứ không hề “sống” trong chính căn nhà mình.
Người trẻ chẳng màng đến việc gia đình, sống như những vị khách trọ. |
Nhiều người trẻ sẽ thấy chính mình trong phim, cứ có thời gian rảnh là lại lướt Facebook, cày game, biết hết thế sự khắp thế giới nhưng lại lãng quên những người thân thiết ngay bên cạnh mình. Ngày Tết, họ cũng cảm thấy những công việc phụ giúp gia đình phiền hà, nhàm chán để rồi than thở chẳng thấy hương vị xuân đâu.
Vị xuân chính là vị gia đình đầm ấm sum vầy, là cả nhà quây quần kết nối chứ không phải tìm đâu xa. Muốn tìm hương vị xuân? Muốn Tết đừng nhạt nữa? Để có Tết đậm đà, dễ lắm, những người trẻ chỉ cần tắt Wi-Fi, “bật” kết nối thật, thực sự ở bên gia đình, bạn bè và người thân yêu. Lúc đó, vị xuân ắt sẽ đậm. Đây cũng là thông điệp mà phim ngắn “Đầu năm trao Muối” do Vũ Ngọc Đãng hợp tác với nhãn hàng Pepsi muốn nhắn gửi đến người trẻ trước thềm năm mới.