Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phim tái khởi động: Bài toán khó dành cho Hollywood

Không phải phim reboot nào cũng thành công như “Jurassic World”. Tồn tại nhiều yếu tố có thể khiến một tác phẩm tái khởi động thất bại mà “Fantastic Four” là trường hợp mới nhất.

Ra mắt hồi trung tuần tháng 6, Jurassic World (Thế giới khủng long) tới nay thu 1,58 tỷ USD và hiện là tác phẩm điện ảnh ăn khách thứ ba mọi thời đại, chỉ chịu đứng sau Avatar (2009) và Titanic (1997).

Thương hiệu phim khủng long hồi sinh với 'Jurassic World'

Loài sinh vật tuyệt chủng cách đây 65 triệu năm có thêm một cơ hội chinh phục khán giả toàn cầu qua phần bốn của ‘Công viên kỷ Jura’.

Song, trong cuối tuần qua, một phim tái khởi động khác là Fantastic Four chỉ thu được vỏn vẹn 26,2 triệu USD sau ba ngày trình chiếu tại quê nhà. So với mức đầu tư trên 120 triệu USD mà Fox bỏ ra, đó là một thất bại không thể chối cãi. Trước đó, Terminator: Genisys, tác phẩm reboot thương hiệu Kẻ hủy diệt, cũng không có được kết quả như ý tại Bắc Mỹ. Rõ ràng, đây hiện là một dòng phim “lành ít, dữ nhiều”.

Terminator: Genisys không để lại dấu ấn tại phòng vé Bắc Mỹ. Thật may cho Paramount là Arnold Schwarzenegger vẫn còn rất được hâm mộ tại nhiều nơi trên thế giới.

Giới phân tích phòng vé cho rằng để một phim reboot thành công, các studio cần phải để ra một khoảng cách thời gian thích hợp giữa hai lần khai thác. Phần ba của Jurassic Park (Công viên kỷ Jura) ra đời cách đây đã 14 năm. Chừng đó đủ để người hâm mộ loài khủng long năm xưa trưởng thành, cảm thấy háo hức với tập phim mới và sẵn sàng kéo theo cả con cái họ tới rạp hồi đầu mùa hè.

Với trường hợp của Genisys, tập gần nhất là Terminator Salvation (2009) mới ra đời cách đây sáu năm. Fantastic Four phiên bản mới cách tập Rise of the Silver Surfer (2007) tám năm. Sony thậm chí còn mạo hiểm hơn khi tái khởi động loạt phim xoay quanh siêu anh hùng Người Nhện bằng The Amazing Spider-Man chỉ sáu năm sau khi Spider-Man 3 (2006) ra rạp.

Lý do cho sự vội vã ấy phần lớn nằm ở vấn đề bản quyền. Nếu như Fox hay Sony không khai thác Bộ tứ Siêu đẳng, Wolverine hay Người Nhện trong một khoảng thời gian nhất định, quyền chuyển thể nhân vật trên màn ảnh sẽ trở ngược về với Marvel.

Fantastic Four là chủ đề điện ảnh được bàn tán nhiều nhất trong khoảng một tuần qua, nhưng là theo chiều hướng tiêu cực.

Nhưng Chris Aronson, giám đốc phát hành của Fox, nghĩ rằng thời gian không phải là vấn đề với Fantastic Four phiên bản 2015. “Tôi không nghĩ thế này là quá sớm”, ông nói. “Chúng tôi sẽ tìm cách để sử dụng nhóm nhân vật trong tương lai. Còn quá sớm để nói trước điều gì”.

Câu trả lời của Aronson không thể giấu đi những ngổn ngang mà Fox đang phải giải quyết sau khi Fantastic Four 2015 trở thành bom xịt phòng vé. Nhưng ông có lẽ không sai khi cho rằng thời gian chưa chắc đã phải là yếu tố quyết định. Mới cách đây hơn 10 ngày, gia đình Griswold trở lại trên màn ảnh sau 18 năm qua tập phim Vacation. Song, màn tái xuất chỉ nhận được sự hờ hững từ giới phê bình.

Khác với các nhà phân tích phòng vé, giới phê bình điện ảnh chỉ ra rằng nội dung phim vẫn là yếu tố tiên quyết tạo nên thành công. Trở lại với Fantastic Four phiên bản mới, phim sở hữu bốn tài năng trẻ Hollywood là Miles Teller, Kate Mara, Michael B. Jordan và Jamie Bell.

Fox thất bại toàn diện với phiên bản ‘Bộ tứ Siêu đẳng’ mới

Nỗ lực tái khởi động thương hiệu “Fantastic Four” trên màn ảnh rộng của 20th Century Fox hoàn toàn lụn bại khi tác phẩm mà họ trình làng là một sản phẩm yếu kém về nhiều mặt.

Đáng chú ý, đạo diễn dự án là Josh Trank, một nhà làm phim mới 31 tuổi và từng gặt hái thành công với phim có kinh phí siêu thấp Chronicle (2012). Anh muốn thực hiện Fantastic Four theo hướng đen tối, chân thực, giống như Christopher Nolan từng làm với bộ ba phim Batman thế kỷ 21.

Trên lý thuyết, đó là một dự án hứa hẹn. Nhưng thực tế thì cốt lõi của bộ phim mới không khác phiên bản cũ cách đây 10 năm là bao. Khán giả thêm một lần nữa phải theo dõi câu chuyện bốn thanh niên trẻ gặp tai nạn khi thực hiện thí nghiệm khoa học, dẫn đến những biến đổi cơ thể và đem tới cho họ quyền năng siêu phàm. Một số nhà phê bình nhận xét phim giống như “một đoạn trailer dài gần 100 phút, chỉ mang mục đích mở đường cho các phần tiếp theo”.

Đạo diễn ‘Bộ tứ siêu đẳng’ đổ lỗi phim chán cho nhà sản xuất

Sau khi “Fantastic Four” phiên bản 2015 bị giới phê bình trù dập, Josh Trank sử dụng mạng xã hội để lý giải cho chất lượng tác phẩm.

Một ngày trước khi Fantastic Four khởi chiếu, Josh Trank sử dụng mạng xã hội Twitter để chỉ trích các nhà sản xuất tại Fox đã can thiệp quá sâu vào quá trình sáng tạo của anh. Dù thông điệp mau chóng bị xóa bỏ, giới phân tích phòng vé cho rằng nó khiến bộ phim mất khoảng 10 triệu USD tại phòng vé Bắc Mỹ trong tuần mở màn.

“Khi để một nhà làm phim độc lập chưa từng thực hiện các dự án bom tấn, hãy ủng hộ cậu ấy hết mình và đừng gây ra ảnh hưởng tiêu cực”, Paul Dergarabedian - một nhà phân tích truyền thông tại Rentrak giải thích. “Cộng đồng fan có thể không lắng nghe một nhà phê bình 50 tuổi, nhưng họ sẽ lắng nghe nhà làm phim”.

Một điều thú vị là tác giả của Jurassic World, đạo diễn Colin Trevorrow, cũng mới chỉ có một bộ phim độc lập trước khi đến với thế giới khủng long. Nhà làm phim 38 tuổi rất tích cực tham gia quá trình quảng bá cho Jurassic World, đồng thời không ngừng chia sẻ với giới truyền thông về sự ủng hộ mà anh nhận được từ giám đốc sản xuất Steven Spielberg.

The Amazing Spider-Man bị Sony gạt sang một bên chỉ sau đúng hai tập phim.

Giống như Fantastic Four, khi The Amazing Spider-Man ra rạp hồi mùa hè 2012, khán giả thêm một lần nữa phải chứng kiến Peter Parker bị nhện cắn rồi trở thành Người Nhện ra sao. Người tình của siêu anh hùng có thể thay đổi, từ Mary Jane sang Gwen Stacy, nhưng những xung đột bên trong chàng thanh niên giữa việc giải cứu thế giới với chuyện đời tư cũng chẳng có mấy khác biệt.

Giờ thì The Amazing Spider-Man đã bị dẹp qua một bên chỉ sau hai tập phim. Sony quyết định hợp tác với Marvel Studios trong một bộ phim mới vào mùa hè 2017 và tiết lộ rằng tác phẩm sẽ không kể lại nguồn gốc ra đời của Người Nhện nữa.

Phim mới về Người Nhện không kể lại nguồn gốc nhân vật

Khán giả không phải theo dõi lại câu chuyện Peter Parker trở thành Spider-Man ra sao trong tác phẩm do Sony và Marvel Studios hợp tác sản xuất vào năm 2017.

Đã có thời những câu chuyện kể lại nguồn gốc nhân vật là một xu thế: như tại sao Bruce Wayne quyết định khoác lên mình chiếc áo choàng Người Dơi trong Batman Begins (2005), James Bond trở thành gã đào hoa và nghiện rượu ra sao trong Casino Royale (2006), hay Thuyền trưởng Kirk gặp gỡ Spock thế nào trong Star Trek (2009).

“Những bộ phim như thế giờ đã bắt đầu trở nên nhàm chán với nhiều người”, một chuyên gia tại Exhibitor Relations chia sẻ. “Bạn không thể lặp đi lặp lại một câu chuyện chỉ sau vài năm và mong tạo ra được sự khác biệt”.

Dẫu vậy, Hollywood sẽ còn tiếp tục khai thác hướng đi đó trong thời gian tới, qua các tác phẩm kể về thời trẻ tuổi của những Han Solo, Robin Hood và King Arthur. Có một chút khác biệt ở Batman v Superman: Dawn of Justice (2016), khi khán giả có cơ hội làm quen với một Người Dơi già dặn hơn do Ben Affleck thủ vai.

Trong số các bom tấn ra mắt dịp cuối năm, Star Wars: The Force Awakens có vẻ khôn ngoan hơn cả. Phim sử dụng những người hùng cũ lần đầu xuất hiện cách đây hơn ba thập kỷ như Han Solo, Công chúa Leia, Luke Skywalker, đồng thời trình làng hàng loạt nhân vật mới, trẻ trung và tràn đầy sức sống.

Những thương hiệu có sẵn tồn tại đầy rẫy ở Hollywood. Nhưng khai thác chúng ra sao cho hiệu quả hẳn còn phụ thuộc ở rất nhiều yếu tố và thời điểm mà đội ngũ sản xuất muốn tung ra dự án mới.

Tuấn Lương (tổng hợp)

Bạn có thể quan tâm