Cán bộ ngành giáo dục đề xuất bỏ xét tuyển sớm. Ảnh: Khương Nguyễn. |
Ngày 9/8, tại Hội nghị Giáo dục đại học, PGS. TS Trần Thiên Phúc, Phó hiệu trưởng Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) đưa ra đề xuất bỏ phương thức xét tuyển sớm để tạo sự công bằng cho thí sinh.
Đề xuất này của PGS Phúc nhanh chóng gây tranh luận trên mạng xã hội với loạt ý kiến trái chiều. Một số người đồng tình với thầy phó hiệu trưởng, nhưng một số khác không ủng hộ đề xuất của ông.
Ngay sau hội nghị, Tri Thức - Znews đã có buổi trao đổi với thầy Trần Thiên Phúc để lắng nghe ông chia sẻ kỹ hơn về lý do ông đề xuất bỏ xét tuyển sớm - phương thức đang khá "thịnh hành" tại nhiều trường đại học.
Xét tuyển sớm đã hết nhiệm vụ lịch sử
Theo PGS Phúc, hiện nay, một số trường đại học xét tuyển sớm bằng cách xét học bạ 5 kỳ (ngoại trừ học kỳ 2 lớp 12) của thí sinh. Ông khẳng định điều này là không hợp lý vì xét tuyển ngay trong năm học nghĩa là học sinh chưa tốt nghiệp THPT, không đúng với điều kiện để xét tuyển đại học.
PGS. TS Trần Thiên Phúc là người đề xuất bỏ xét tuyển sớm trong tuyển sinh đại học. Ảnh: Đại học Bách khoa TP.HCM. |
Phó hiệu trưởng Đại học Bách khoa TP.HCM cho biết trước đây, chúng ta xét tuyển sớm là để thuận tiện cho việc tuyển sinh vì ngày xưa xét tuyển nhiều lần. Nhưng hiện, việc này không còn cần thiết vì Bộ GD&ĐT đưa ra phương án phù hợp hơn là xét tuyển chung một lần trên phạm vi toàn quốc với tất cả nguyện vọng khác nhau.
"Phương án xét tuyển một lần của bộ công bằng hơn nhiều nên bây giờ vai trò lịch sử của xét tuyển sớm đã hết, chúng ta nên bỏ nó đi", ông Trần Thiên Phúc nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Phúc đề xuất bỏ xét tuyển sớm vì nhân viên tư vấn tuyển sinh của một số trường đại học có cách tư vấn rất bất cập. Dù Bộ GD&ĐT đã cấm, những người này vẫn "lén lút" tư vấn cho học sinh phải đặt nguyện vọng xét tuyển sớm lên đầu.
Thầy giáo nói cách tư vấn này rất nguy hiểm vì nếu làm theo lời của nhân viên tư vấn, các em sẽ trúng tuyển nguyện vọng xét tuyển sớm - ngành thí sinh đậu nhưng chưa chắc đã thích nhất và mất đi cơ hội suy xét các ngành học khác - ngành tốt hơn và có thể phù hợp với năng lực, sở thích của thí sinh hơn.
Nhiều năm qua, Đại học Bách khoa TP.HCM vẫn không xét tuyển sớm vì trường lo ngại cách đó có thể khiến học sinh chọn không đúng nguyện vọng. Giả sử, học sinh chọn luôn nguyện vọng xét tuyển sớm "cho nhanh, đỡ mất công cạnh tranh thi cử", trong khi nguyện vọng đó không đúng sở trường/sở thích, các em rất dễ chán nản và không thể hoàn thành tốt chương trình đại học.
"Người tư vấn tuyển sinh tư vấn kiểu đó sẽ khiến học sinh mất cơ hội vào ngành tốt. Với sức học đó, có thể các em sẽ trúng tuyển những ngành rất tốt nhưng chẳng may nghe theo người tư vấn lại mất cơ hội, như vậy lại không công bằng với các em", thầy Phúc nhấn mạnh.
Xét tuyển sớm cũng có thể gây ra chuyện tiêu cực là "nâng" điểm học bạ khi những năm gần đây, học bạ điểm 9 phẩy trở lên rất nhiều.
Bên cạnh đó, khi các trường đại học tổ chức xét tuyển sớm, học sinh dễ có tâm lý chủ quan vì "đã đậu đại học", từ đó không còn quan tâm đến việc học và ôn thi tốt nghiệp THPT.
Thầy Phúc lấy ví dụ tâm lý trúng tuyển sớm cũng giống như tâm lý nghỉ xả hơi khi lên đại học, nhiều sinh viên trở nên buông thả vì đã vượt qua thử thách lớn của cuộc đời là vào đại học. Kết quả, các bạn xao nhãng việc học đến mức bị cảnh báo học vụ.
Với 3 khuyết điểm nêu trên, phó hiệu trưởng Đại học Bách khoa TP.HCM đề xuất bỏ xét tuyển sớm như một cách để tạo sự công bằng cho thí sinh, đồng thời tạo động lực để các em không ngừng trau dồi, ôn tập để đạt điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, từ đó nâng cơ hội giành suất vào đại học.
Xét tuyển đại học cần thay đổi
Bên cạnh chuyện xét tuyển sớm, thầy Trần Thiên Phúc cũng đề cập đến việc các trường chia phần trăm chỉ tiêu cho các phương thức xét tuyển. Thầy giáo đặt câu hỏi cơ sở khoa học nào để các trường chia phần trăm cho các phương thức như vậy?
"Không có cơ sở khoa học nào hết, 50% chỉ tiêu của phương thức này chắc gì đã xứng đáng hơn 10% chỉ tiêu của phương thức kia, và ngược lại", PGS nêu quan điểm.
Xét tuyển đại học cần có những thay đổi. Ảnh: Duy Hiệu. |
Một vấn đề bất cập khác là hàng năm, khi các trường ồ ạt xét tuyển sớm, số thí sinh đăng ký xét tuyển ở những phương thức khác sẽ bị giảm bớt. Khi đó, các trường lại phải tăng điểm chuẩn để lọc được những thí sinh thực sự phù hợp. Thầy giáo nói đó cũng là lý do điểm chuẩn các năm gần đây rất cao, gây bất công cho thí sinh.
Khi được hỏi vì sao các đại học Việt Nam không triển khai tuyển sinh bằng bài luận như đại học nước ngoài, PGS.TS Trần Thiên Phúc cho biết đại học Việt Nam tuyển sinh quy mô lớn lên đến hàng nghìn thí sinh nên rất khó thực hiện.
Tuyển sinh bằng bài luận có một điểm hay là tăng tính tự chủ cho thí sinh, nhưng vấn đề là nguồn lực của các trường chưa đủ vì hội đồng chấm luận phải là những người có chuyên môn cao, chuyên nghiệp và tâm lý vững vàng.
Hiện, Đại học Bách khoa TP.HCM chưa triển khai phương án tuyển sinh bằng bài luận, nhưng suốt 3 năm qua, trường thực hiện xét tuyển tổng hợp - phương thức đánh giá kết hợp thành tố học lực (90%), thành tích cá nhân (5%) và hoạt động xã hội, văn thể mỹ (5%).
"Khi đánh giá thí sinh dựa trên nhiều yếu tố về học lực, thành tích cá nhân và năng khiếu, chúng tôi có thể đánh giá toàn diện một thí sinh, từ đó tìm được người phù hợp cho chương trình đại học. Tôi không nói cách làm của chúng tôi là đúng nhất, nhưng sau 3 năm triển khai, trường đã đạt được những kết quả bước đầu khá tốt", thầy giáo chia sẻ.
Học sinh 2006 đang trong thời gian công bố điểm chuẩn, học sinh 2007 chỉ còn một năm để chuẩn bị cho việc lựa chọn ngành nghề phù hợp. Theo đó, PGS Phúc khuyên học sinh nên tìm hiểu ngành học một cách rộng rãi thông qua các kênh chính thống của nhà trường, hoặc thông qua các buổi tư vấn tuyển sinh.
Bên cạnh đó, học sinh nên nên tham khảo những định hướng của chính phủ về xu hướng ngành nghề vì chính phủ sẽ có những thông tin chính xác về nhu cầu của xã hội đối với từng nhóm ngành, nghề, từ đó giúp các bạn nâng cao cơ hội học tập để giành được công việc tốt sau khi ra trường.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.