Rút ngắn thời gian xét tuyển
Phát biểu tại hội nghị tổng kết năm học 2014-2015 và nhiệm vụ năm học 2015-2016 do Bộ GD&ĐT tổ chức sáng 22/10 tại 5 điểm cầu, TS Lê Quốc Tiến – Phó hiệu trưởng Đại học Hàng Hải - cho rằng, thời gian xét tuyển 20 ngày quá dài, thí sinh được thay đổi 4 nguyện vọng dẫn đến mệt mỏi. Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT đề xuất phương án xét tuyển từ 5 - 7 ngày, thay vì 20 ngày như năm trước.
Bên cạnh đó, ông Tiến kiến nghị, kỳ thi được tổ chức vào mùa hè nên thay đổi thời gian làm bài sớm hơn vào buổi sáng, để tăng thời gian nghỉ trưa trước ca thi chiều.
TS Đàm Quang Minh – Hiệu trưởng ĐH FPT nhận định, kỳ thi tuyển sinh của Việt Nam năm nào cũng trở thành sự kiện nóng do còn nhiều nặng nề.
“Tôi thấy sinh viên Việt Nam khổ. Sinh viên nước ngoài, sau khi tốt nghiệp THPT, có thời gian nghỉ ngơi, trải nghiệm các hoạt động xã hội, còn sinh viên Việt Nam hì hục thi và nhập học. Điều này tồn tại do quy chế của chúng ta còn nặng, nên có những thay đổi”, ông Minh nói.
Từ đó, ông Minh đề xuất kỳ thi THPT quốc gia nên giãn ra thành hai đợt, việc nhập học nên mở rộng thời gian cả năm.
Ông Phạm Văn Đại – Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội kiến nghị, trong kỳ thi năm sau, các Sở GD&ĐT nên thăm dò thí sinh, tổng hợp thông tin gửi về các trường đại học để có cơ sở tổ chức kỳ thi.
Bộ GD&ĐT nên quy định rõ mỗi cụm thi có bao nhiêu cán bộ chấm thi, coi thi, giám sát kỳ thi; Nên hướng dẫn cụ thể các nguồn thu chi như lệ phí cấp bằng tốt nghiệp, bản sao...
Đề xuất bỏ phần thi tự luận Tiếng Anh
Ông Nguyễn Kim Sơn – Phó giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, Bộ GD&ĐT nên tổ chức buổi tổng kết chuyên sâu về kỳ thi THPT quốc gia năm 2015-2016. Kỳ thi tới cần đổi mới cấu trúc đề thi để có sự phân hóa thí sinh cao.
Về đề thi, GS.TS Đinh Xuân Khoa – Hiệu trưởng ĐH Vinh đề xuất nên bỏ phần thi tự luận trong môn Tiếng Anh.
Đồng tình ý kiến này, TS Trần Vân Nam – Hiệu trưởng ĐH Đà Nẵng cho rằng, 2 điểm trong phần thi tự luận có thể dẫn đến việc thi tuyển không nghiêm túc, thiếu công bằng cho thí sinh.
Ông Nam cũng đề nghị rút ngắn thời gian xét tuyển, các trường đại học top trên nên lấy mức điểm chuẩn cao hơn để phân tầng thí sinh được tốt.
Vấn đề điểm ưu tiên cũng được đầu cầu Đại học Đà Nẵng chú trọng và đề xuất nên có quy định cụ thể hơn để hướng dẫn các trường phổ thông, Sở GD&ĐT triển khai kỹ trong thời gian đầu, tránh ảnh hưởng thí sinh.
Đại diện đầu cầu TP HCM đề xuất, kỳ thi tuyển sinh 2016 chỉ nên tổ chức một cụm thi do các trường đại học chủ trì. Trường top trên nên lấy điểm xét tuyển cao ngay từ đầu để tránh tình trạng nộp – rút hồ sơ nhiều, giảm lượng thí sinh ảo; Tránh việc tự chủ đại học thành tự trị đại học.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quyên Quyên. |
Cần bàn bạc kỹ
Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá, kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, ngành giáo dục, khối đại học, cao đẳng đã thực hiện đúng theo tinh thần của Nghị quyết đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.
Về kỳ tuyển sinh năm 2016, Phó thủ tướng đề nghị nên có cuộc họp riêng, chi tiết, cụ thể, không nên ấn định vội vàng, kể cả ngày thi. Phải làm sao để tách rời thi và tuyển sinh riêng, giao cho các trường.
"Chúng ta khẳng định với nhân dân rằng, kỳ thi THPT quốc gia 2016 phải kế thừa những cái được của năm nay, đồng thời khắc phục hạn chế vừa qua. Kỳ thi phải đảm bảo tính trung thực, công bằng và diễn ra nhẹ nhàng".
Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, kỳ thi THPT quốc gia mang lại những kết quả, thành công bước đầu, nhưng vẫn còn hạn chế, yếu kém.
Bộ trưởng đánh giá thành công nhất của năm học vừa rồi là chuyển hướng từ đường lối, từ duy, mục tiêu cũ sang cách tiếp cận mới. Theo đánh giá của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, sự chuyển hướng này có gặp trục trặc nhưng không xáo trộn, đổ vỡ.
“Làm giáo dục là sự nghiệp trăm năm nên việc khắc phục không phải một sớm, một chiều”- Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận bày tỏ, năm đầu tiên đổi mới đã được cả xã hội quan tâm, giúp đỡ, chỉ dẫn ngay trong quá trình triển khai kỳ thi. Đây là biểu hiện rõ của việc “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”.