Phở Việt tạo hiệu ứng không nhỏ ở thị trường Trung Quốc. Ảnh: La Ganh. |
Với hương vị đậm chất truyền thống, phở được xem như món ăn "quốc hồn quốc túy", góp phần đưa ẩm thực Việt Nam vươn ra thế giới.
Vài năm trước, phở đã "xuất ngoại" sang Trung Quốc nhưng chưa nhận được nhiều sự quan tâm. Đến khi quán phở Là Gánh đầu tiên của Chi Pu khai trương vào ngày 13/10/2023, phở Việt bỗng thu hút nhiều sự chú ý. Trên mạng xã hội, hiệu ứng từ La Ganh khá tốt, nhất là từ cộng đồng người hâm mộ của Chi Pu tại Thượng Hải (Trung Quốc).
Tại Hội nghị Thương hiệu 2023 do Forbes Việt Nam tổ chức ở TP.HCM ngày 17/10/2023 với chủ đề "Từ sáng tạo đến trường tồn", Chi Pu cho biết: "Khát vọng của Chi chính là nâng tầm ngành giải trí và ẩm thực Việt Nam trên toàn thế giới, bằng cách nắm bắt thời cơ khi đang có lợi thế về sức ảnh hưởng tới một bộ phận khán giả nước ngoài".
Sức hút ngoài mong đợi
Sau 3 tháng mở bán, Là Gánh gây tiếng vang lớn với phở bò và phở gà. Đông đảo cư dân đến ăn thử và dành lời khen "có cánh" cho hình thức lẫn hương vị.
Không gian La Ganh không quá rộng nhưng đủ gây ấn tượng với lối thiết kế hiện đại, ấm cúng. Ảnh: Qidu. |
Thực khách Qidu (sống tại Chiết Giang) ấn tượng với Là Gánh từ cách bày trí quán đến món ăn. "Không gian nhỏ nhưng sạch sẽ, hiện đại, chỗ ngồi thiết kế theo dạng quầy bar. Ánh sáng mang lại cảm giác ấm áp, nhân viên thân thiện và phục vụ tận tình. La Ganh là quán ăn Việt Nam nhỏ xinh đúng nghĩa", vị khách người Trung Quốc cho biết.
Vốn không "hảo" những món từ gà, Qidu vẫn dành nhiều lời khen cho phở gà mới ra mắt tại Là Gánh. Theo vị thực khách, nước dùng khá ngon, vị vừa thanh vừa mặn. Thịt gà trong bát phở không quá nhiều nhưng được hầm mềm, không bị bở.
"Tôi có gọi thêm sợi phở vì ăn mềm và mịn. Combo phở còn có bánh quẩy giòn và trứng gà chần trong nước dùng nóng. Món nào cũng hợp khẩu vị, tôi sẽ quay lại ăn thêm phở bò vào một ngày không xa", Qidu nói.
Tương tự, Jin Yan (sống tại Thượng Hải) lại dành sự yêu thích cho phở bò tại Là Gánh. Vị thực khách chia sẻ: "Phở tỏa mùi thơm ngào ngạt khi vừa bưng ra. Nước dùng vừa ăn. Tôi thích những lát thịt bò tươi, mềm tan trong miệng".
Với cảm nhận của Jin Yan, điểm khác biệt ở phở Việt là bánh quẩy ăn kèm và nước dùng. Phần nước dùng trong, không cay, không đậm màu và ít váng dầu.
"Ở Trung Quốc, quẩy thường kẹp bánh bột nếp ở giữa hoặc bên trong quẩy có nhân, nhưng người Việt Nam lại ăn cùng một món mặn như phở, mang đến hương vị lạ miệng", nữ thực khách cho biết thêm.
Phở bò được nhiều thực khách Trung Quốc ưa chuộng. Ảnh: Jin Yan. |
Bên cạnh sự đón nhận nồng nhiệt từ người dân xứ Trung, người Việt sinh sống tại đây cũng hào hứng khi món ăn truyền thống của quê nhà xuất hiện tại đất khách.
Nguyễn Ngọc (sống tại Thượng Hải) đến Là Gánh ăn phở vào một ngày giữa tuần, quán không kín bàn nhưng lượng khách ra vào liên tục.
Thay vì gọi phở bò, Nguyễn Ngọc chọn combo phở gà với giá 59 tệ (khoảng 200.000 đồng). Trên bàn bày biện đầy đủ tương ớt, ớt tươi và tỏi ngâm như khi ăn ở Việt Nam.
"Phở gà La Ganh khá ngon. Thịt gà mềm, còn độ dai nhẹ. Nước dùng thơm, mang nét đặc trưng của phở Việt Nam nhưng hơi mặn theo khẩu vị của tôi. Tuy nhiên, do người Trung Quốc ăn mặn nên quán có biến tấu một chút cho phù hợp chứ không thay đổi hoàn toàn hương vị", thực khách này nhận xét.
Theo Nguyễn Ngọc, mức giá khoảng 200.000 đồng cho một combo gồm bát phở lớn, trứng chần, đĩa quẩy và cốc trà đá là không đắt so với mức sống ở Thượng Hải. Các quán ăn Việt khác tại đây cũng có giá từ 70-80 tệ (khoảng 240.000-280.000 đồng) cho mỗi món.
Ngoài ra, thực khách Vie Trần (đến từ Hà Nội) cũng cho biết: "Trong chuyến du lịch Trung Quốc, tôi đã ghé ăn thử. Phở ngon tuyệt, ngoại trừ bánh phở do người Trung Quốc làm nên không được mảnh, còn lại từ cách trình bày đến mùi vị đều 'rất' Việt Nam".
Kỳ vọng phát triển mạnh
Theo ông Hoàng Tùng - chuyên gia F&B, nhà sáng lập Pizza Home, Việt Nam tự hào có nền ẩm thực đa dạng, được coi là "bếp ăn của thế giới". Tuy nhiên, đất nước ta chưa có nhiều thương hiệu ẩm thực mạnh, đặc biệt là ở những quốc gia khác. Là Gánh với sức hút "khủng" từ Chi Pu được kỳ vọng là thương hiệu Việt phát triển mạnh trên thị trường ẩm thực quốc tế trong thời gian tới.
"Khi Là Gánh mở cửa hàng đầu tiên ở Thượng Hải, tôi thấy rất vui và tự hào khi có một thương hiệu Việt Nam về ẩm thực xuất hiện ở nước ngoài", ông Hoàng Tùng nói.
Là Gánh được kỳ vọng là thương hiệu Việt phát triển mạnh trên thị trường ẩm thực quốc tế. Ảnh: La Ganh. |
Phân tích về tiềm năng của thương hiệu này, ông Hoàng Tùng cho biết thứ nhất, thương hiệu lấy tên "Là Gánh" được lấy ý tưởng từ chiếc đòn gánh vốn quen thuộc với người dân Việt Nam. Trong tiếng Trung, tên quán là Can Can, có nghĩa là cây tre, cũng là hình ảnh gắn liền với làng quê Việt Nam.
Thứ 2, món ăn chính của Là Gánh là món phở. Đây là một lựa chọn thông minh, vì phở có thể coi là món ăn đặc biệt nhất và biểu tượng nhất của ẩm thực Việt Nam. Ngoài ra, món ăn Việt hiện nay cũng tạo được xu hướng ẩm thực "ăn lành" tại Trung Quốc.
Ẩm thực Trung Quốc rất đa dạng và nổi tiếng, nhưng lại hơi nhiều dầu, mặn, cay. Điều này về lâu dài không tốt cho sức khỏe. Thậm chí, ở siêu thị Trung Quốc, những đồ ăn có lượng đường và lượng muối thấp được sắp xếp riêng một khu vực để kích cầu người tiêu dùng. Do đó, ẩm thực Việt Nam với xu hướng "ăn lành" hoàn toàn có tiềm năng phát triển bùng nổ trong thị trường quốc tế.
Thứ 3, La ganh được làm theo mô hình tinh gọn. Quán phở được thiết kế như quầy bar. Không gian bên trong không quá rộng, được thiết kế tối giản. Đây cũng là xu hướng phát triển trong tương lai. Tại Trung Quốc, những thương hiệu như Luckin Coffee hay Cotti Coffee cũng đi theo xu hướng tinh gọn và ngày càng lớn mạnh với công cụ là nhân bản và nhượng quyền.
Thứ 4, sức hút của Chi Pu. Độ "hot" của thương hiệu Là Gánh phần lớn đến từ thương hiệu cá nhân của Chi Pu. Sau thành công ở Tỷ tỷ đạp gió rẽ sóng, Chi Pu tạo được ấn tượng tốt với khán giả và có tệp fan lớn.
"La Ganh sau khi mở dân tình đến xếp hàng đông, vì mong chờ được thấy Chi Pu ở quán. Xây dựng thương hiệu ẩm thực dựa trên thương hiệu cá nhân là khởi đầu tốt, còn việc có bền vững hay không còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố sau này. Rất nhiều thương hiệu đều đi lên từ thương hiệu cá nhân như phở Thìn, bánh mì Phượng, hay như KFC....", ông Hoàng Tùng cho hay.
Phở gây tiếng vang lớn kéo theo kỳ vọng phát triển của những thương hiệu ẩm thực Việt trong thời gian tới. Ảnh: La Ganh. |
Sau khi Là Gánh mở cửa, một số người Việt phản hồi rằng phở Là Gánh nhiều dầu và đậm vị. Ông Hoàng Tùng phân tích khẩu vị của từng cá nhân sẽ khác nhau. Tệp khách hàng của Là Gánh là người Trung Quốc tại Thượng Hải và họ đều phản hồi tốt.
Thực tế, những thương hiệu ẩm thực chuỗi khi mở chi nhánh ở địa phương, thường tuỳ chỉnh công thức theo khẩu vị người dân ở khu vực ấy.
"Ví dụ, đồ ăn miền Nam khi mang ra Bắc thường tuỳ biến vị phù hợp với người miền Bắc hơn và ngược lại, miễn cốt lõi của món ăn không bị thay đổi là được. Hay KFC ở Trung Quốc cũng mở bán thêm cháo, màn thầu… để 'chiều theo' nhu cầu của khách hàng", ông Hoàng Tùng phân tích.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.