Chế độ ăn dựa trên thực vật rất giàu chất xơ, giảm thiểu chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa. Ảnh: Pexels. |
Theo Eat This, trái cây, rau và các loại thực phẩm khác trong chế độ ăn dựa trên thực vật không chỉ ngon mà còn có thể ngăn ngừa bệnh tật. Điều này được T. Colin Campbell, tiến sĩ của Đại học Cornell, nghiên cứu vào năm 1980. Ông đã hợp tác với các nhà nghiên cứu tại Đại học Oxford và Học viện Y tế Dự phòng Trung Quốc.
Cuộc nghiên cứu được thực hiện ở 65 quận và 130 xã khắp các vùng nông thôn của Trung Quốc đại lục. Nó ghi nhận tỷ lệ tử vong của người tham gia có liên quan đến khoảng 50 căn bệnh.
Nghiên cứu phát hiện ra chế độ ăn dựa trên thực vật có thể giúp ngăn ngừa hoặc điều trị 25 căn bệnh khác nhau về triệu chứng và mức độ nghiêm trọng.
Mặc dù đã được thực hiện từ nhiều thập kỷ trước, nhưng thông tin mà nghiên cứu này cung cấp có thể giúp chúng ta lựa chọn thực phẩm lành mạnh hơn, từ đó ngăn ngừa được một số bệnh thông thường.
Tiến sĩ Dana Ellis Hunnes, chuyên gia dinh dưỡng lâm sàng tại Trung tâm Y tế UCLA, California, chia sẻ với Eat This về 5 căn bệnh có thể được điều trị, giảm nguy cơ tiến triển hoặc thậm chí có thể ngăn ngừa bằng cách ăn nhiều thực vật hơn.
Bệnh tim
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), cứ 34 giây sẽ có một người ở Mỹ chết vì bệnh tim. Điều này khiến bệnh tim trở thành nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho người Mỹ trưởng thành.
May mắn thay, các nghiên cứu được công bố trên tạp chí Tim mạch Lão khoa, Xu hướng trong Y học Tim mạch và tạp chí Hiệp hội Tim mạch Mỹ phát hiện ra thực phẩm có nguồn gốc thực vật có thể cải thiện sức khỏe tim mạch và giảm nguy cơ tử vong liên quan đến bệnh tim.
Tiến sĩ Hunnes chia sẻ: "Chế độ ăn thực phẩm toàn phần và có nguồn gốc từ thực vật rất giàu chất xơ, giảm thiểu chất béo bão hòa cũng như chất béo chuyển hóa. Đồng thời, nó chứa nhiều trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, quả hạch, hạt và các loại đậu”.
Bà Hunnes nói thêm tất cả loại thực phẩm này đều làm giảm cholesterol trong cơ thể, giảm viêm, giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính và suy nhược. Hầu hết vấn đề sức khỏe kể trên đều trở nên nghiêm trọng hơn do chế độ ăn giàu protein động vật.
Đột quỵ
Vào năm 2020, CDC cho biết cứ 6 ca tử vong liên quan đến bệnh tim ở Mỹ thì có một ca đột quỵ. Ngoài ra, khoảng 87% trường hợp đột quỵ được biết đến là đột quỵ do thiếu máu cục bộ, xảy ra khi không có đủ lượng máu lên não.
Tuy nhiên, giống như bệnh tim, các nghiên cứu chỉ ra chế độ ăn uống dựa trên thực vật có thể giúp ngăn ngừa đột quỵ. Những phát hiện được công bố trên tạp chí Thần kinh học vào năm 2021 cho thấy chế độ ăn lành mạnh dựa trên thực vật có thể làm giảm nguy cơ mắc các loại đột quỵ.
Chế độ ăn dựa trên thực vật thường bao gồm nhiều trái cây, rau xanh và ngũ cốc nguyên hạt. Ảnh: Pexels. |
Trong khi đó, các nhà nghiên cứu từ Trường Y tế Công cộng Harvard T.H. Chan cho hay việc duy trì chế độ ăn dựa trên thực vật bao gồm rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt và đậu, đồng thời loại bỏ các thực phẩm không lành mạnh giúp giảm 10% nguy cơ đột quỵ.
Tiến sĩ Hunnes lưu ý: “Giống như bệnh tim, đột quỵ (đặc biệt là thiếu máu cục bộ) có liên quan đến việc tăng cholesterol, huyết áp và các mảng bám trong cơ thể. Những vấn đề này có thể được điều trị bằng cách duy trì chế độ ăn uống có gốc thực vật và thực phẩm toàn phần”.
Bệnh tiểu đường
Theo CDC, bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến hơn 11% người sống ở Mỹ, tức hơn 37 triệu người. Nghiên cứu năm 2017 được công bố bởi tạp chí Tim mạch Lão khoa cũng chỉ ra những con số này tiếp tục tăng lên. Đồng thời, nó cho thấy chế độ ăn dựa trên thực vật có thể giúp ngăn ngừa và kiểm soát bệnh tiểu đường loại 2.
Tiến sĩ Hunnes giải thích: "Khi ăn thực phẩm gây viêm (như các sản phẩm từ động vật và thực phẩm chế biến sẵn), cơ thể bắt đầu phản ứng insulin và phản ứng viêm với hormone IGF-1. Viêm nhiễm và lượng đường trong máu cao có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2”.
Do đó, theo vị chuyên gia, chế độ ăn thực phẩm toàn phần và có gốc thực vật sẽ ngăn chặn điều này, giúp giảm viêm nhiễm cũng như hạ lượng đường trong máu.
Bệnh thận
Bệnh thận là vấn đề nghiêm trọng khác ảnh hưởng đến khoảng 37 triệu người trưởng thành ở Mỹ. Tiến sĩ Hunnes nói: “Bệnh tiểu đường và huyết áp cao làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận. Tuy nhiên, bệnh này có thể ngăn ngừa hoặc kiểm soát bằng chế độ ăn uống dựa trên thực vật”.
Bài phân tích vào năm 2020 được công bố trên tạp chí Quan điểm hiện tại về Thận và Tăng huyết áp kết luận chế độ ăn này có thể ngăn ngừa bệnh thận mạn tính. Ngoài ra, nghiên cứu cùng năm cũng ủng hộ việc duy trì chế độ ăn ưu tiên thực vật có thể giúp giảm nguy cơ mắc các triệu chứng có vấn đề liên quan đến sự hình thành và tiến triển bệnh thận.
Tiến sĩ Hunnes cho biết thêm: "Khi ăn thực phẩm toàn phần và có nguồn gốc thực vật, chúng ta có thể giảm huyết áp và nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Do đó, chúng ta có thể giảm nguy cơ mắc bệnh thận”.
Ung thư vú
Ung thư vú là một trong những loại ung thư phổ biến nhất. Trên thực tế, CDC cho hay nhiều phụ nữ sẽ phải đối mặt với bệnh ung thư vú hơn bất kỳ loại bệnh nào khác, ngoài trừ ung thư da.
Theo Medical News Today, nghiên cứu gần đây do Đại học Paris-Saclay thực hiện cho thấy chế độ ăn lành mạnh dựa trên thực vật có thể giảm 14% nguy cơ ung thư vú.
Tiến sĩ Hunnes cho biết: “Có nhiều nghiên cứu về cách casein, protein từ sữa, có thể làm tăng tốc độ phát triển khối u, đặc biệt là khối u do ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt. Thịt cũng có thể làm tăng IGF-1, loại hormone làm tăng tốc độ phát triển khối u. Đây là lý do chế độ ăn dựa trên thực vật có thể làm giảm nguy cơ phát triển ung thư vú”.
Muốn ăn uống lành mạnh nhưng hay stress công việc? Muốn tập thể dục đều đặn nhưng hay làm việc trễ? Mục Sức khỏe của Zing giới thiệu một số sách để đồng hành cùng bạn từ phòng gym đến đường chạy, từ văn phòng đến bếp ăn. Tuyển tập này sẽ cung cấp thêm nhiều lựa chọn, và bớt đi một số nỗi lo trên hành trình cân bằng cuộc sống hiện đại.