![]() |
Bệnh nhi được điều trị tích cực tại bệnh viện sau khi ghép da. Ảnh: BVCC. |
Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) vừa điều trị thành công trường hợp phỏng nặng đặc biệt của bé B.P.T. (2 tuổi, ngụ Bình Định). Trước đó, bé được đưa vào bệnh viện trong tình trạng nguy kịch, bỏng sâu 60% diện tích cơ thể, gồm vùng cổ, ngực, bụng, lưng, mông, hai tay và hai đùi.
Nguyên nhân tai nạn được xác định là do mẹ bé với tay kéo đổ bình thủy nước sôi. Bé được điều trị một ngày tại bệnh viện tỉnh nhưng tình trạng chuyển nặng do không được băng phỏng giữ ẩm kịp thời. Khi chuyển đến Nhi Đồng 2, bé lập tức được đưa vào khoa Bỏng - Chỉnh trực, hồi sức tích cực liên tục.
Tuy nhiên, sau 3 ngày, bé vẫn mất dịch nhiều, diễn biến phức tạp. Trước nguy cơ đe dọa tính mạng, các bác sĩ quyết định thực hiện ghép da đồng loại sớm, một kỹ thuật giúp rút ngắn thời gian hồi phục, hạn chế nhiễm trùng.
Người hiến da chính là mẹ ruột của bé. Sau 5 ngày nhập viện, ca ghép diễn ra thuận lợi. Nhờ sự phối hợp chặt chẽ của ê-kíp, cùng kinh nghiệm điều trị bỏng nặng, bé đã qua cơn nguy kịch. Hiện, các mảng da ghép đã bám tốt, đáy vết thương khô, trẻ dấu hiệu hồi phục tích cực.
Theo Bệnh viện Nhi Đồng 2, đây là ca ghép da đồng loại được thực hiện sớm nhất (chỉ 5 ngày sau nhập viện) tại khoa Bỏng - Chỉnh trực, đánh dấu bước tiến quan trọng trong điều trị phỏng nặng.
![]() |
Tình trạng mất 60% da của trẻ khi nhập viện. Ảnh: BVCC. |
Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Ngọc Ngà, Phó khoa Bỏng - Chỉnh trực, cho biết ghép da đồng loại (allograft) là giải pháp quan trọng khi diện tích da lành của bệnh nhân quá ít, không đủ cho ghép tự thân. Kỹ thuật này giúp rút ngắn thời gian nằm viện và giảm nguy cơ nhiễm trùng huyết, biến chứng nguy hiểm hàng đầu trong phỏng nặng.
Từ năm 2023 đến nay, Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã thực hiện 10 ca ghép da đồng loại để cứu trẻ bị bỏng nặng, bỏng diện rộng. Thành công của ca bệnh lần này tiếp tục khẳng định năng lực điều trị chuyên sâu của bệnh viện, mở ra cơ hội sống và hồi phục cho nhiều bệnh nhi.
Theo thống kê khoa Bỏng, phỏng nước sôi vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây phỏng nặng ở trẻ em. Tai nạn thường xảy ra khi người lớn đang nấu ăn hoặc để các vật chứa nước nóng trong tầm với của trẻ.
Bác sĩ Ngà khuyến cáo phụ huynh
- Không để trẻ lại gần khu vực bếp núc hoặc nơi có nước sôi.
- Luôn giữ trẻ trong tầm mắt khi chăm sóc.
- Nắm vững kiến thức sơ cứu phỏng đúng cách, đưa trẻ đến bệnh viện càng sớm càng tốt khi có dấu hiệu phỏng nặng.
Vệ sĩ' vô hình của con người
Nếu có hệ miễn dịch ổn định, cơ thể sẽ sản sinh ra nhiều kháng thể chống lại các bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn, virus gây nên. Bạn sẽ khỏe mạnh mà không cần tới thuốc men.
Cuốn sách "Siêu tổ chức con người" của tác giả Rodney Dietert đem tới cho bạn đọc những kiến thức hữu ích để bảo vệ hàng rào đề kháng tự nhiên của cơ thể và xây dựng lối sống lành mạnh.