Những ngày này, bên cạnh đội ngũ y tế và các lực lượng tuyến đầu chống dịch, phóng viên cũng ngày đêm sát cánh ở các điểm nóng để phản ánh tình hình dịch Covid-19 trên cả nước.
Nhân ngày sinh nhật thứ 8 của Zing News, 8 phóng viên của chúng tôi chia sẻ cảm xúc, kỷ niệm đáng nhớ trong chuỗi ngày tác nghiệp ở các điểm nóng dịch bệnh.
Tôi có kinh nghiệm tác nghiệp nhiều đợt dịch tại TP.HCM nên rất áp lực việc nhất định phải làm góc khác biệt, vừa liên quan đến mảng đang phụ trách, vừa bám sát tình hình dịch tại thành phố.
Trước đó, tôi thường tác nghiệp ở các buổi họp nên không biết thực tế bên ngoài lại đáng sợ đến vậy. Đầu dịch, tôi bám trụ ở địa bàn Gò Vấp, theo chân các đoàn công tác ở các chốt chặn trong hẻm.
Tác phẩm tôi nhớ nhất là "Bên trong chảo lửa Covid-19 Gò Vấp". Đây là bài viết tôi đã ấp ủ từ ngay khi dịch bùng phát, ngồi nghe từng câu chuyện của các anh chị đi chống dịch và ở lại với họ xuyên đêm, cũng là bài tôi tác nghiệp vất vả nhất, đeo bám lâu nhất.
Thời điểm đó, chưa nhiều phóng viên tìm đến Trung tâm Y tế Gò Vấp nhưng họ là tuyến đầu căng thẳng nhất. Những đợt tác nghiệp sau này ở bệnh viện hồi sức hay các phòng điều trị bệnh nhân Covid-19 khác, cũng đáng nhớ nhưng có lẽ cảm xúc đầu tiên làm tôi khó quên nhất.
Đợt tác nghiệp lần này có quá nhiều điều đặc biệt và đáng nhớ với tôi. Có lần bám theo đội lấy mẫu Bệnh viện Da liễu từ 17h, nán chờ các anh chị xong việc, đến mãi hơn 0h. Lần đầu tôi mặc đồ bảo hộ suốt hơn 4 giờ và cũng không có nước uống. Về nhà đến nhà lúc gần 3h sáng, vừa khát và đói run người.
Khi được sếp "điều động" vào TP.HCM, cả 2 đều nghĩ chắc chỉ phải làm về dịch trong một tháng và sau đó có thể tập trung các đề tài khác. Nhưng thực tế là tôi vẫn đang ở TP.HCM, giữa tâm dịch lớn nhất nước.
Tôi từng nhiều lần tới đây, nhưng lần này rất khác. TP.HCM giãn cách xã hội, không được những cảnh lê la cà phê sữa đá, cơm tấm sườn, bún bò, hủ tiếu, bánh tráng hồ Con Rùa quen thuộc... Thiếu đi đời sống ẩm thực thành phố cũng thiếu đi bản sắc của mình.
Để nói sản phẩm đáng nhớ nhất thì khó, nhưng lần tác nghiệp khiến tôi cảm động là phóng sự theo chân các đội xe cấp cứu đến nhà F0 trở nặng. Đây cũng là sản phẩm thực hiện vất vả nhất.
Ở nhà chung trong những ngày thực phẩm khó mua, tôi được sếp mua thịt rau và trứng đến tiếp tế. Khi ốm mệt, cũng là anh đặt giao thuốc đến tận nơi. Sếp ban ảnh ghé qua mấy lần để gửi đồ bảo hộ cho tôi và đồng đội. Tóc dài thì được đồng nghiệp cắt cho, dù chưa đẹp nhưng tôi vẫn rất xúc động. Có lần bị bỏ rơi giữa đường một đồng nghiệp khác đến đón về.
Tôi vào TP.HCM không có họ hàng thân thích gì, nếu không nhờ đồng nghiệp thì biết nhờ ai.
Đợt dịch thứ 4 bùng phát đòi hỏi tôi và nhiều đồng nghiệp hầu như phải làm việc hết công suất, không chỉ để đưa tin nhanh hơn, mà là để đưa tin chất lượng hơn, sát sự thực hơn vì bản tin đó có thể giúp đỡ được không ít người.
Ví dụ như trong nhóm lao động tự do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được hỗ trợ từ thành phố, lúc đầu không có nhiều ngành nghề như bán báo, sửa xe, làm lao công…nhưng sau đó, nhờ phản ánh của báo chí, nhóm đối tượng hỗ trợ này được mở rộng. Hay việc hỗ trợ chi phí cho các trường hợp tử vong vì Covid-19 cũng là kết quả của phản ánh từ mạng xã hội và báo chí.
Dịch bệnh khiến tôi nhận thức rõ vai trò của việc đưa tin vì lợi ích cộng đồng, từ đó tìm kiếm các góc tiếp cận để vừa có thể nêu được thực trạng đang xảy ra nhưng mà không mang lại cảm xúc bi quan quá mức cho độc giả.
Tác nghiệp trong điều kiện dịch bệnh khắc nghiệt với bối cảnh cấp bách đã giúp tôi học được nhiều bài học khó có được trong điều kiện bình thường, ví dụ như lựa chọn tin tức cần ưu tiên, triển khai góc tiếp cận phù hợp với bối cảnh, tiếp cận nhân vật…
Khi nhận lệnh ra tuyến đầu, tôi không suy nghĩ gì, chỉ lặng lẽ đi sạc đầy pin máy ảnh, micro, mua thêm khẩu trang, nước sát khuẩn.
Ra vào "chiến trường" thì cũng nghĩ làm sao cho tin nhanh nhất, quay đủ cảnh cần, chỉn chu từng góc máy, tìm câu chuyện để làm. Không dễ để được tác nghiệp ở những điểm nóng, nên mỗi lần vào khu điều trị hay đi làm đề tài gì, tôi đều tìm các nhân vật hay, hình ảnh đẹp xúc động nhất.
Hai sản phẩm đáng nhớ nhất với tôi là "10 ngày căng mình chống dịch của TP.HCM" và "Nhân viên y tế đau lòng khi bệnh nhân Covid-19 không qua khỏi". Đã tác nghiệp nhiều đợt dịch, nhưng khoảnh khắc chứng khiến bệnh nhân mắc Covid-19 trở nặng và không qua khỏi luôn ám ảnh tôi.
Điều tôi thấy ấm lòng trong chuỗi ngày này là anh em Zing News luôn gắn bó, giúp đỡ nhau, cả trong khi tác nghiệp lẫn cuộc sống thường ngày.
Khi nhận được lệnh tác nghiệp dịch Covid-19, tôi rất xúc động. Với một phóng viên trẻ, không dễ được trao cơ hội tác nghiệp ở một sự kiện lịch sử thế này.
Lần đầu tôi ra "chiến trường" là tại Công ty Poyun - ổ dịch ở Hải Dương. Đó cũng là lần đầu tiên tôi biết đồ bảo hộ là như thế nào. Trời mùa đông, sau khi cởi bỏ bảo hộ thì quần áo bên trong cũng ướt sũng.
Đề tài của tôi là theo chân một sinh viên tăng cường từ Hải Dương về Bắc Ninh. Nhóm của bạn ấy đến lấy mẫu tại một thôn, khá đông dân.
Tình trạng lúc ấy rất rối, trời thì nóng bức. Đội thanh niên tình nguyện ở xã hướng dẫn điều tiết người chưa quen việc. Thế là tôi đã bỏ máy ảnh xuống, phân chia lại công việc cho các bạn trong nhóm thanh niên rồi trực tiếp đứng gọi, đưa người vào lấy mẫu để các bạn ấy làm theo. Sau hôm đó về tôi bị mất giọng luôn.
Tác nghiệp thời dịch thì sự hỗ trợ và gắn kết của mọi người rất quan trọng. Ngoài việc lo cho sức khỏe của bản thân còn lo cho cả đồng nghiệp của mình nữa. Có lẽ cũng bởi vậy mà sự cạnh tranh tin bài vẫn có nhưng không quá khốc liệt.
Khi được giao nhiệm vụ, tôi không suy nghĩ gì cả. Tôi xác định đây là công việc, mình phải làm thôi. Trong đầu chỉ tưởng tượng việc mình chuẩn bị đi đường nào, làm sao để tới chỗ đó.
Đợt này, tôi cũng phải đi cách ly tập trung nên tự làm một bài Story về hành trình của mình. Tác nghiệp trong Covid-19 giúp tôi gặp được nhiều hoàn cảnh đáng nhớ.
Một cặp nhân vật là 2 vợ chồng điều dưỡng vào TP.HCM để chi viện, trong đó, người vợ đang mang bầu và sắp đến ngày sinh. Trước đó, hai người đã ở xa nhau khi biết tin có con. Đến khi con sắp ra đời, người chồng cũng không được ở bên vợ.
Trong lúc chia sẻ, chị bật khóc dù trước đó giọng còn cứng rắn. Cuộc phỏng vấn không khỏi khiến tôi xúc động.
Tác nghiệp trong tâm dịch luôn căng thẳng. Mỗi lần vào những khu vực nóng, như bệnh viện điều trị Covid-19, tôi đều tự trấn an đây sẽ là lần cuối mình vào đây. Rồi lần 2, 3, 4 cứ tiếp tục. Tôi luôn nghĩ trong đầu là mình làm được.
Sản phẩm tôi nhớ nhất là "Ranh giới sinh tử ở Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP.HCM". Đó là lúc tôi chứng kiến những giây phút khốc liệt mà đội ngũ y bác sĩ phải giành giật sự sống cho bệnh nhân, kết quả có những lúc thành công nhưng cũng có lúc thất bại.
Chuỗi ngày qua có nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Đầu tiên chắc là tôi nhớ cái tủ lạnh của mình. Khi thành phố giãn cách theo Chỉ thị 16 lần 1, tôi đã mua đủ thứ đồ ăn, đồ khô, lên kế hoạch làm các món ăn trong ngày giãn cách thì bất ngờ khu vực nhà tôi ở phong toả.
Tôi chuyển đến căn hộ của cơ quan bố trí. Siêu thị dưới chung cư hết hàng, một tuần liền không có trứng. Rồi bữa sau được người anh trong cơ quan mang trứng, rau củ tươi, thịt bò đến tiếp tế. Và cũng chính người đồng nghiệp này sau đó nấu cơm và mang đến cho chúng tôi.
Nhóm tác nghiệp có môt group chung, ngoài thông báo thực đơn mỗi tối còn là nơi chia sẻ tâm tư mùa giãn cách, nhắc nhở nhau cẩn thận, cách phỏng vấn, tác nghiệp hiện trường... Đây sẽ là những kỷ niệm không thể nào quên trong chặng đường làm nghề của tôi.
Ngay khi nghe tin điều động vào tâm dịch, tôi có chút lo lắng vì sợ bị nhiễm bệnh và không hình dung được tình hình tại hiện trường lúc đó ra sao cũng như sẽ triển khai từ đâu.
Lần đầu mặc đồ bảo hộ, tôi thấy run, thiếu không khí và nóng kinh khủng. Có những thời điểm, tôi phải cố quay chụp khi không nhìn rõ mọi thứ trước mặt vì bị hấp hơi lên kính.
Tôi tâm niệm phải thực hiện thật nhiều tin bài và có những sản phẩm khác lạ, độc đáo và chất lượng để phục vụ độc giả vì tòa soạn đã tin tưởng để mình đi vào tâm dịch.
Đợt tác nghiệp này cũng là lần đầu tiên tôi thấy Hà Nội rơi vào trạng thái vắng vẻ đến thế. Vì dịch bệnh, nhóm phóng viên không thể tác nghiệp chung theo nhóm nhiều mà mỗi người làm việc độc lập. Chúng tôi chỉ kịp gặp nhau, ăn những bữa cơm vội và trao đổi công việc đã làm trong 1 ngày để rút kinh nghiệm cho ngày hôm sau.