Trường THPT Lê Hồng Phong tổ chức chương trình trải nghiệm cho học sinh 3 ngày 2 đêm tại một số tỉnh miền Trung. Ảnh: Trường THPT Lê Hồng Phong. |
Mới đây, mạng xã hội xôn xao trước thông tin tổ chức cho học sinh đi trải nghiệm của trường THPT Lê Hồng Phong (Hải Phòng).
Nhóm phụ huynh không đồng tình
Theo phụ huynh, đầu năm học, nhà trường đã tổ chức hoạt động ngoại khóa 2 ngày 1 đêm tại Hạ Long với chi phí hơn 2 triệu đồng.
Tháng 3 tới, nhà trường tiếp tục tổ chức chương trình đi dâng hương và trải nghiệm dành cho học sinh khối 12, chí phí là 2.830.000 đồng/học sinh.
Một số phụ huynh của trường bày tỏ bức xúc, không đồng tình với kế hoạch này. Thứ nhất, chương trình được tổ chức vào cuối tháng 3. Đây là thời điểm học sinh lớp 12 tập trung ôn thi tốt nghiệp THPT và dồn sức hoàn thiện các điều kiện để thi tuyển đại học. Việc nhà trường tổ chức chương trình 3 ngày 2 đêm sẽ mất nhiều thời gian, học sinh phải nghỉ học ở trường và các buổi học thêm khác, ảnh hưởng lớn đến việc tiếp thu kiến thức.
Phụ huynh cũng băn khoăn là chương trình học tập trải nghiệm nhưng lại do các công ty du lịch đứng ra tổ chức. Tức việc học trải nghiệm tương tự chuyến du lịch nghỉ dưỡng, kết hợp với dâng hương tâm linh.
Ngoài ra, kinh phí 2.830.000 đồng/học sinh là khoản tiền cao so với thu nhập của những hộ gia đình kinh tế khó khăn. Nếu không cho con đi, phụ huynh sợ con sẽ tủi thân. Ngược lại, nếu đi, gia đình vừa tốn tiền, học sinh cũng không thu nhận được gì từ chương trình này.
Trong khi đó, theo thông tin trường công bố, hôm 30/1, trường đã gửi tờ trình về kế hoạch lên Sở GD&ĐT Hải Phòng. Theo đó, trường tổ chức hoạt động trải nghiệm, dạy học theo chủ đề tích hợp gắn với di sản văn hóa dân tộc cho học sinh khối 12 các bộ môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục quốc phòng năm học 2023-2024.
Thời gian từ ngày 13-15/3. Địa điểm trải nghiệm là các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị. Kinh phí mỗi học sinh phải đóng là 2.830.000 đồng.
Việc tổ chức chương trình học tập trải nghiệm cho học sinh lớp 12 đã được nhà trường đưa vào kế hoạch giáo dục năm học 2023-2024. Sau khi đi trải nghiệm, học sinh sẽ làm bài thu hoạch và nộp về nhà trường.
Sở yêu cầu trường tiếp tục xin ý kiến phụ huynh
Trao đổi với Tri thức - Znews chiều 1/3, ông Trần Tiến Chinh - Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Hải Phòng - thông tin theo quy định, hoạt động trải nghiệm của học sinh lớp 12 năm học 2023-2024 nằm trong chương trình giáo dục phổ thông 2006, nội dung hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, do giáo viên chủ nhiệm dạy.
Bên cạnh đó, nhà trường có tiết hoạt động tập thể để tổ chức toàn khối tham gia. Các nhà trường vận dụng tiết học đó để tổ chức các hoạt động tập thể, trải nghiệm.
Khi vận dụng, đơn vị trường học nếu được cha mẹ học sinh đồng thuận, phối hợp sẽ tổ chức hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường; nếu không sẽ tổ chức hoạt động đó trong nhà trường.
Sở GD&ĐT Hải Phòng chỉ đồng ý cho các đơn vị trường học tổ chức hoạt động trải nghiệm của học sinh lớp 12 năm học 2023-2024 ngoài nhà trường khi đơn vị đảm bảo được sự đồng thuận, phối hợp của cha mẹ học sinh, với kinh phí đóng góp phù hợp sức dân.
Theo đại diện sở, hiện tại, trường THPT Lê Hồng Phong đã triển khai chủ trương tổ chức chương trình trải nghiệm, có phương án riêng cho các học sinh có điều kiện, hoặc không có điều kiện tham gia. Dù ở phương án nào, yêu cầu kiến thức sau khi kết thúc hoạt động vẫn được đảm bảo.
Tuy nhiên, trước một số ý kiến của phụ huynh và dư luận về kinh phí cho hoạt động trải nghiệm, Sở GD&ĐT yêu cầu trường THPT Lê Hồng Phong tiếp tục xin ý kiến cha mẹ học sinh.
Nếu tiếp tục không nhận được sự đồng thuận, nhà trường sẽ thông tin rộng rãi tới cha mẹ học sinh, đồng thời báo cáo sở dừng hoạt động trải nghiệm ngoài trường theo kế hoạch, chuyển hình thức trải nghiệm trong trường.
Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?
Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.Điểm thi THPT 2022
Nam sinh tốt nghiệp điểm cao nhất Bách khoa tự trách vì đỗ đại học
Là người duy nhất trong số 3 anh em trai được đi học đại học, thế nhưng, Dương nhiều lần tự trách vì bản thân mang thêm gánh nặng cho gia đình.
Hơn 11.500 thí sinh tranh suất sớm vào trường Sư phạm
Sáng 11/5, hơn 11.500 thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Sư phạm Hà Nội để tranh suất vào các trường Sư phạm trên cả nước.
Hơn 1 triệu thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp THPT 2024
Cả nước có 1.067.391 thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp THPT, nhiều hơn năm 2023 khoảng 43.300 em.
Tỷ lệ chọi vào trường chuyên Hà Nội giảm mạnh, có lớp giảm hơn một nửa
Theo số liệu thí sinh đăng ký dự thi vào lớp 10 công lập năm 2024 do Sở GD&ĐT Hà Nội vừa công bố, tỷ lệ chọi vào 4 trường THPT chuyên và có lớp chuyên của thành phố giảm mạnh.
IDP lên tiếng vụ cấp 56.200 chứng chỉ IELTS không hợp lệ
Bộ GD&ĐT nói 56.200 chứng chỉ IELTS do IDP cấp không hợp lệ, song đơn vị này khẳng định số chứng chỉ này được 12.000 tổ chức trên toàn thế giới công nhận.