Mới chỉ đọc đề xuất tăng học phí cho năm học 2022-2023 và các năm học tiếp theo, chị Minh Lan (Hà Đông, Hà Nội) đã bắt đầu lo lắng về việc cân đối thu chi nhằm lo tiền học cho 2 con.
“Mặc dù cả hai vợ chồng đều có công việc ổn định, khi hay tin Hà Nội đề xuất tăng học phí gấp đôi, chúng tôi còn cảm thấy hoang mang chứ chưa kể những người lao động khác còn bấp bênh”, chị Lan chia sẻ với Zing.
Học sinh THCS ở Hà Nội có thể sẽ đóng học phí cao gấp đôi từ năm học tới. Ảnh: PHCC. |
Cân nhắc chi tiêu
Chị Minh Lan có 2 bé lớn đang học lớp 7 và 10. Bên cạnh học phí, các chi phí khác như ăn uống, sách vở, học thêm mỗi tháng đã “ngốn” gần một nửa thu nhập của 2 vợ chồng. Nếu theo dự kiến, 2 con của chị sẽ phải nộp học phí có mức đóng cao nhất trong năm học tới, áp dụng cho vùng 1, tức 300.000 đồng/tháng.
Không chỉ học phí, giá cả hầu hết mặt hàng cần cho sinh hoạt đều tăng. Chị Minh Lan thừa nhận với mức thu nhập như hiện tại, họ luôn đau đầu về các khoản chi tiêu.
Những người có công việc bấp bênh như gia đình chị Nguyễn Thị Hậu (Thanh Xuân) càng lo lắng hơn. Chị cho biết cả 2 vợ chồng làm lao động tự do. Hai năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, họ phải tạm ngừng công việc, thu nhập giảm sút.
Đến nay, khi cuộc sống bình thường trở lại, anh chị vẫn chưa thể ổn định kinh tế. Nghe tin Hà Nội có dự thảo tăng học phí năm học mới, chị Hậu hoang mang.
“Với gia đình thu nhập thấp, phải ở trọ như chúng tôi, đó là khoản tiền không nhỏ. Tất nhiên, dù học phí tăng thế nào, chúng tôi vẫn cố gắng cho con đi học, chỉ là phải chi tiêu tiết kiệm hơn", chị Hậu chia sẻ.
Cùng chung lo lắng, chị Thúy Hằng (Vân Đình, Ứng Hòa), đau đầu khi nghĩ đến học phí năm học tới của con gái (lên lớp 6) sẽ tăng lên 300.000 đồng/tháng.
“Đầu năm học luôn là khoảng thời gian khó khăn về tài chính với gia đình bởi giá cả leo thang mà tiền lương vẫn vậy. Tiết kiệm đến mấy, đầu năm, gia đình cũng mất ít nhất 2-3 triệu đồng", chị Hằng than.
Ngoài cô con gái chuẩn bị lên lớp 6, chị còn một con đang học năm 3 đại học. Chỉ riêng tiền học của 2 con, mỗi năm, gia đình đã phải lo liệu khoảng 23 triệu đồng, chưa kể chi phí phát sinh khác.
Để chuẩn bị cho năm học tới, ngay từ khi nghe tin học phí cả bậc đại học lẫn phổ thông đều tăng, chị cùng chồng bắt đầu tính đến việc cắt giảm chi tiêu để có tiền học cho con.
Gia đình anh Dương Văn Hải (Trường Thịnh, Ứng Hòa) cũng gặp khó khăn khi thu nhập bấp bênh do dịch. Là tài xế công nghệ, năm vừa rồi, anh gần như phải ở nhà. Không có nguồn thu, anh Hải phải tranh thủ đi làm thêm tại quê, ai mướn gì làm đấy để có tiền trang trải cuộc sống.
Con trai lớn của anh năm nay học lớp 11. Từ đầu năm, ngoài tiền thu học phí, tiền sinh hoạt cộng với sách vở, đồ dùng học tập, anh Hải còn phải chi tiêu thêm cho con thứ hai học lớp 5 với nhiều khoản chi phí tương tự.
“Hai vợ chồng cũng cố gắng xin đi làm thêm ngoài từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, mọi chi phí trong nhà đều phải hạn chế hết mức. Nếu tăng học phí gấp đôi, gia đình tôi chưa biết phải xoay xở như thế nào”, anh Hải ngậm ngùi.
Anh cho biết dù bé thứ hai không phải đóng học phí, họ vẫn lo lắng vì chỉ một năm nữa, họ sẽ chịu tác động từ việc tăng học phí.
Chị Tô Thị Hòa, vợ anh Hải, đang tính đến việc sẽ phải bán thêm đồ ăn nhanh trên mạng nhằm có thêm nguồn thu nhập, trang trải chi phí sinh hoạt sau khi đóng học phí cho con.
Nhiều gia đình lo lắng khi không chỉ học phí tăng mà các khoản chi tiêu khác cũng tăng trong khi thu nhập vẫn giữ nguyên. Ảnh: PHCC. |
Mong chất lượng giáo dục cũng tăng
Theo dự thảo, Hà Nội sẽ áp dụng mức sàn tổng khung học phí theo Nghị định 81/2021. Học phí các cấp hầu như tăng khoảng gấp đôi năm ngoái, trừ bậc THPT vùng 1 và 2 có mức học phí tăng từ 217.000 đồng (năm 2021) lên 300.000 đồng và sẽ tăng thêm khoảng 20-40% mỗi năm sau đó.
Mức học phí này được đánh giá sẽ tạo gánh nặng không hề nhỏ với các bậc phụ huynh, đặc biệt những gia đình thu nhập thấp.
Chị Hậu đã tính đến phương án sẽ gửi con về quê học nếu học phí tăng. Theo chị, chi phí sinh hoạt ở thành phố lớn rất tốn kém, cộng thêm tiền học, 2 vợ chồng rất khó để xoay xở.
“Học phí cần tăng theo lộ trình, từ từ để phụ huynh có thể kịp đáp ứng. Vào thời điểm này, khi mọi thứ còn khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, theo tôi, việc tăng học phí nên lùi lại 1-2 năm nữa”, chị Hậu đề xuất.
Với mức thu nhập trung bình khá, chị Minh Lan cho rằng học phí của 2 con tăng từ 155.000 lên 300.000 đồng mỗi tháng vẫn trong khả năng của 2 vợ chồng. Dù vậy, người mẹ quan tâm đến việc số tiền này sẽ phải được đặt đúng chỗ.
“Tăng học phí cần đi đôi với việc nâng cao chất lượng giáo dục, đầu tư cơ sở trường lớp. Việc chỉ đề xuất tăng mà không có định hướng đầu ra cụ thể khó thuyết phục phụ huynh”, chị Minh Lan nói.
Vợ chồng chị Thúy Hằng kỳ vọng sau khi tăng học phí, chất lượng giáo dục cải thiện, cơ sở vật chất dần hoàn thiện, đội ngũ giáo viên được chăm lo tốt hơn.
"Từ nguồn học phí mới, tôi hy vọng đồ dùng, dụng cụ bị hỏng sẽ được nâng cấp, thay mới. Việc thu, chi học phí cần có sự đồng nhất, đúng quy định, không để xảy ra tình trạng lạm thu”, chị Hằng nhấn mạnh.