TP Hải Phòng bắt đầu thử nghiệm chương trình tiếng Việt công nghệ giáo dục (CNGD) của GS Hồ Ngọc Đại dành cho học sinh lớp 1 từ năm học 2015-2016.
Qua một năm thực hiện, phụ huynh, học sinh cũng như các giáo viên trên địa bàn đều tỏ ra ngán ngẩm. Thậm chí, có phụ huynh còn phản ứng gay gắt và yêu cầu con họ phải được học chương trình giáo dục đại trà.
Lãng phí vì quá nhiều sách giáo khoa
“Trường tôi bắt đầu chương trình này từ năm học 2015-2016. Năm nay, trường thử nghiệm thêm môn giáo dục lối sống cũng theo chương trình CNGD. Đầu tư cho hai bộ sách này vô cùng tốn kém. Riêng môn tiếng Việt mà có hơn 10 quyển sách.
Chương trình dài, số lượng tiết học có hạn mà không được giao bài cho học sinh về nhà. Cuối năm, học sinh sẽ có vài cuốn sách tự luyện không dùng đến nên rất lãng phí”, một giáo viên tiểu học của trường Tiểu học An Dương, huyện An Dương, TP Hải Phòng cho biết.
Chương trình tiếng Việt CNGD đang áp dụng tại các trường tiểu học của Hải Phòng có ba quyển SGK, ba quyển thực hành luyện viết và ba quyển ôn luyện tiếng Việt.
Theo các cô giáo tiểu học, thời khóa biểu lớp 1 có 13 tiết tiếng Việt (10 tiết chính và ba tiết bổ sung); tiết chính vừa luyện đọc luật chính tả, luyện chính tả, tập viết.
“Một lớp trung bình có khoảng 40 cháu, giáo viên phải kiểm tra đọc bằng hết nên khó khăn trong việc tổ chức tiết học”, một cô giáo chia sẻ.
Chị LTML, phụ huynh có con học ở trường Tiểu học Cát Bi, quận Hải An, Hải Phòng, chia sẻ: “Ngoài kiến thức bất cập, chúng tôi rất bối rối vì bộ sách này có những bài học dạy con chúng tôi thói ranh ma. Ví dụ bài quả bứa, trang 87, sách Tiếng Việt 1, tập 2 có kể câu chuyện hai cháu Năm và Sáu đi qua vườn quả. Năm thấy quả liền la (hô) to và Sáu nhặt quả bứa. Hai cháu giành qua giành lại, cậu Cả đi qua và phân xử.
Cậu Cả bổ quả bứa và phán: 'Năm, mày thấy quả bứa, hãy nhận lấy nửa vỏ này. Sáu, mày nhặt quả bứa, hãy nhận lấy nửa vỏ này. Dành phần ruột trả thù lao cho quan tòa phân xử, của tao. Cậu Cả vừa ăn vừa bỏ đi'. Lời lẽ trong câu chuyện rất phản cảm và giáo dục các cháu cách sống tiểu xảo”.
Học sinh trường Tiểu học Tiên Lãng, TP Hải Phòng. Ảnh: Pháp Luật TP.HCM. |
Sai nguyên tắc tiếng Việt?
Các phụ huynh cho rằng trong ba quyển sách tiếng Việt lớp 1 thử nghiệm, các nguyên tắc về chính tả, về từ đều sai so với tiếng Việt chuẩn. Ví dụ: Tác giả lấy nguyên tắc phát âm các âm tiết trong từ mượn hệ ngôn ngữ Latinh để áp vào nguyên tắc tiếng Việt chuẩn.
Các âm: Pi-a-nô; ra-đi-ô; po-li-me không phải là đại diện âm chuẩn của tiếng Việt mà là theo cách phiên âm tiếng Việt của các ngôn ngữ Latinh như tiếng Pháp.
Chương trình tiếng Việt lớp 1 CNGD là một trong năm phương án dạy học và tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số được Bộ GD&ĐT triển khai thí điểm từ năm học 2008-2009.
Sau đó, Bộ chủ trương mở rộng chương trình này để nâng cao chất lượng dạy học tiếng Việt cho học sinh tiểu học.
Đến năm học 2016-2017, cả nước đã có 48 tỉnh/thành với hơn 600.000 học sinh được học chương trình này.
Trang 34, quyển 1 Tiếng Việt lớp 1 có đưa ra luật chính tả có từ “ca ki” để đại diện cho từ có nguyên âm “i”. Đây là lỗi không hiểu về nguyên tắc tiếng Việt. Từ kaki được viết với phụ âm “k” ban đầu và đây là từ hai âm tiết trong nguyên tắc âm tiếng Pháp, không phải tiếng Việt.
Cả ba quyển SGK Tiếng Việt lớp 1 lấy rất nhiều tiếng địa phương để áp cho việc học tiếng Việt phổ thông gây rất nhiều bất cập.
“Giờ trẻ con tự chủ, không học theo những gì chúng nó không hiểu. Ví dụ, trang 47, quyển 1, sách Tiếng Việt lớp 1 có bài “Nghỉ hè cả nhà đi bể” trong khi con tôi chỉ biết biển. Giải thích thế nào cháu cũng không chịu học và không chấp nhận”, một phụ huynh nói.
Trao đổi với PV về thử nghiệm CNGD ở bậc tiểu học, ông Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Sở GD&ĐT, cũng hơi bất ngờ vì: “Đây là chương trình Bộ GD&ĐT yêu cầu TP Hải Phòng triển khai ở các trường tiểu học. Tôi chỉ nắm tình hình chung, còn phó giám đốc Sở phụ trách khối tiểu học trực tiếp nắm vấn đề này”.
PV không liên lạc được với vị lãnh đạo này.
Tác giả sách giáo khoa có dụng ý
Nói về những phản ứng của phụ huynh và giáo viên đối với chương trình tiếng Việt CNGD, bà Ngô Hiền Tuyên, chuyên viên Vụ Tiểu học, Bộ GD&ĐT, giải thích: Bất cứ sự đổi mới nào cũng gặp khó khăn ban đầu, việc phụ huynh thấy lạ, thấy mới chưa hiểu được hết những nội dung và ý tưởng của chương trình cũng là chuyện bình thường.
Về ngôn ngữ, quan điểm của tác giả là vật liệu đưa vào sách cho học sinh học phải là ngôn ngữ đời sống hằng ngày chứ không chỉ có ngôn ngữ bác học.
Về phương ngữ, tác giả đã chọn lọc đưa vào tài liệu học các phương ngữ để giúp học sinh trên toàn quốc hiểu được từ ngữ các địa phương.
Trong cách phát âm, phương ngữ miền Nam và miền Bắc khác nhau. Nhưng khi học tài liệu này, học sinh khi nghe dù là miền Nam hay miền Bắc cũng sẽ viết được chính xác ngữ âm đó, tiếng đó.
Trong phần này, tác giả có dụng ý trong việc lựa chọn thuật ngữ, vật liệu để đưa vào nhằm luyện cách phát âm đúng cho học sinh.
“Tuy nhiên, việc thực hiện thí điểm chương trình này hoàn toàn do các tỉnh tự nguyện lựa chọn và đăng ký tham gia chứ Bộ GD&ĐT không bắt buộc”, bà Tuyên nói.