Vừa vào năm học mới, nhiều phụ huynh tại thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk) đã phản ứng mạnh với mô hình Trường học kiểu mới (VNEN), khiến Trường THCS Ngô Quyền và Trường THCS Đinh Tiên Hoàng phải ngừng áp dụng chương trình này cho học sinh.
Sáng 22/9, thầy Nguyễn Tá Hùng - hiệu trưởng Trường THCS Ngô Quyền (xã Cư Bao, thị xã Buôn Hồ) - xác nhận trường đã ngưng áp dụng mô hình VNEN.
Học sinh lớp 6A3 (Trường THCS Đinh Tiên Hoàng, thị xã Buôn Hồ, Đắk Lắk) đang chép bài theo cô giáo, thay vì thảo luận nhóm và tự đưa ra đáp án như ở tiểu học - Ảnh: Tuổi Trẻ. |
Xin cho con quay về “truyền thống”
Theo kế hoạch, năm học 2015 - 2016 Trường THCS Ngô Mây sẽ tổ chức dạy chương trình VNEN cho hai lớp 6 của trường. Những học sinh theo học VNEN đã được học mô hình này từ lớp 1. Nhưng vừa vào năm học mới, nhiều phụ huynh đã đến trường xin cho con quay về chương trình truyền thống.
“Nhà trường trả lời rằng không đủ thẩm quyền trong vấn đề này nên ngày 11-9, 17 phụ huynh tiếp tục đến Phòng GD-ĐT thị xã Buôn Hồ yêu cầu cho con em mình ngưng học chương trình VNEN. Sau đó, theo chỉ thị của Phòng GD-ĐT, trường đã cho phụ huynh tự lựa chọn. Kết quả 41 phụ huynh chọn chương trình truyền thống, chỉ có 19 phụ huynh chọn chương trình VNEN, vì vậy không đủ mở lớp dạy theo VNEN” - ông Hùng cho hay.
Ông Nguyễn Văn Tài (xã Cư Bao) - một phụ huynh không đồng tình với chương trình VNEN - chia sẻ: “Nhà trường nói rằng học theo VNEN sẽ giúp con tôi chủ động hơn. Nhưng về nhà cháu đều nói là không hiểu bài. Tiểu học chỉ có một giáo viên phụ trách chung nên ít ra con tôi còn học được, qua THCS nhiều giáo viên, nhiều môn học nên tôi không yên tâm”.
Con ông Tài là em Nguyễn Thanh Phong đang học lớp 6A1 Trường THCS Ngô Quyền. Em Phong kể: “Ở cấp I nhóm của em có sáu bạn, khi thảo luận thì bạn học tốt nhất sẽ đại diện trả lời. Các bạn còn lại chỉ chép đáp án nên em không hiểu bài. Chuyển qua học chương trình truyền thống, thầy giảng bài nhiều em mới hiểu”.
Tương tự, bà Trần Thị Lan (xã Cư Bao) cũng không đồng ý cho con mình theo học VNEN. “Tôi không nắm rõ chương trình VNEN. Nhưng con tôi nói vào lớp 6 cháu phải học nhiều môn mới, mà thầy cô lại không giảng bài nên cháu không hiểu, nếu không hiểu thì học làm gì? Nghe nhiều người bảo học theo cách mới nhưng thi vẫn theo cách cũ, tôi sợ con mình sau này thi cử không được” - bà Lan bày tỏ.
“Rất tiếc phải bỏ chương trình VNEN”
“Tôi không nắm rõ chương trình VNEN. Nhưng con tôi nói vào lớp 6 cháu phải học nhiều môn mới, thầy cô lại không giảng bài nên cháu không hiểu. Nếu không hiểu thì học làm gì? Nghe nhiều người bảo học theo cách mới nhưng thi vẫn theo cách cũ, tôi sợ con mình sau này thi cử không được".
Bà Trần Thị Lan (xã Cư Bao, thị xã Buôn Hồ, Đắk Lắk).
Ông Minh chia sẻ: “Chúng tôi rất tiếc khi phải bỏ chương trình VNEN. Đây là một mô hình hay, giúp học sinh chủ động, sáng tạo hơn. Các em lớp 6 năm nay cũng có sự tiến bộ rõ rệt. Nhưng đây là nguyện vọng của phụ huynh nên chúng tôi đành chấp nhận”.
Khi chúng tôi tiếp xúc với học sinh lớp 6A3 (Trường THCS Đinh Tiên Hoàng), 13 em khi được hỏi thích học chương trình nào hơn đều chọn chương trình truyền thống, vì dễ hiểu bài hơn. Quay về phương pháp cũ, các em không ngồi theo nhóm để thảo luận nữa mà giáo viên sẽ giảng bài, các em phát biểu ý kiến rồi chép bài vào vở. Bài tập về nhà cũng nhiều hơn.
Trước tình hình trên, ông Trần Ngọc Cẩm - trưởng Phòng GD-ĐT thị xã Buôn Hồ - cho biết năm học 2015 - 2016, thị xã Buôn Hồ áp dụng chương trình VNEN cho bốn trường THCS. Theo ông Cẩm, khi nhận được phản hồi từ phía phụ huynh của Trường THCS Ngô Quyền và THCS Đinh Tiên Hoàng, phòng đã cử chuyên viên về thuyết phục phụ huynh nhưng không thành công.
“Cũng bởi người dân chưa nắm rõ ưu điểm của mô hình VNEN nên mới dẫn đến sự việc này. Rút kinh nghiệm, sắp tới phòng sẽ đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân ngay từ khi con em họ đang học cấp I. Năm học 2016 - 2017, chúng tôi sẽ tiếp tục áp dụng chương trình mới cho hai trường nêu trên. Hai trường còn lại là THCS Trần Đại Nghĩa (P.Đạt Hiếu) và THCS Nguyễn Trường Tộ (P.Thống Nhất) vẫn đang duy trì ổn định mô hình VNEN cho 215 học sinh” - ông Cẩm nói.
Còn nhiều khó khăn
Ông Trần Ngọc Cẩm - trưởng Phòng GD-ĐT thị xã Buôn Hồ - cũng thừa nhận: chương trình VNEN khi áp dụng trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn như cơ sở vật chất chưa đủ đáp ứng, thời gian tập huấn cho giáo viên ngắn, khối lượng kiến thức của cấp THCS lớn hơn hẳn tiểu học, nên sẽ rất khó để học sinh hiểu bài.