Giáo viên tại Singapore không cần phản hồi phụ huynh sau 17h - khi hết giờ làm việc. Ảnh: Pexels. |
Khi cô D (30 tuổi, giáo viên tại Singapore) bắt đầu làm việc tại một trường tiểu học vào năm 2012, cô nhận được một cuộc điện thoại từ phụ huynh học sinh vào ngày cuối tuần. Mục đích của cuộc gọi là vay tiền.
Cô D không biết vì sao người cha này lại gọi điện cho mình để vay tiền, nhưng điều cô lo lắng hơn cả là học sinh của mình có đang gặp rắc rối hay không.
Sau đó, cô giáo trẻ mới biết hóa ra học sinh đã nói với phụ huynh rằng "Cô giáo rất tốt, cô ấy sẽ luôn giúp đỡ chúng ta", nên phụ huynh mới tìm đến để vay tiền.
Cô D không cho người cha đó vay bất kỳ khoản tiền nào, nhưng vụ việc năm đó khiến cô mất ngủ và cảm thấy có lỗi với học sinh.
"Tôi không thể đặt ra ranh giới rõ ràng với phụ huynh vì tất cả những gì tôi muốn là trở thành một giáo viên giỏi. Khi đó, tôi đã nghĩ mình nên trả lời tin nhắn của phụ huynh càng nhanh càng tốt", cô giáo nói với Straits Times.
Bộ trưởng Giáo dục Singapore Chan Chun Sing nói rằng giáo viên không cần trả lời tin nhắn của phụ huynh sau giờ hành chính. Ảnh: Straits Times. |
Bảo vệ giáo viên khỏi "kỳ vọng vô lý"
Cô D không phải giáo viên duy nhất gặp rắc rối với loạt tin nhắn sau giờ làm việc đến từ học sinh, phụ huynh.
Một giáo viên trung học khác cũng cho biết cô từng bị một phụ huynh nhắn tin quấy rối sau giờ hành chính, mục đích là phàn nàn về việc con trai sử dụng điện thoại quá nhiều. Thậm chí, phụ huynh này còn đòi cô giáo phải cập nhật nhất cử nhất động của con trai khi dùng điện thoại ở trường.
Giáo viên này cho biết cuộc nói chuyện kéo dài đến tận sáng hôm sau, khi cô chủ động dừng trả lời tin nhắn.
Để tránh những tình huống tương tự xảy ra, cô giáo phải đăng ký tài khoản doanh nghiệp trên WhatsApp. Dịch vụ này cho phép cô nhận và trả lời các tin nhắn khẩn cấp theo mẫu tin nhắn tự động.
Một giáo viên tiểu học 37 tuổi nói với Straits Times rằng khá nhiều phụ huynh nhắn tin cho cô sau 17h và cô thường trả lời vào buổi sáng hôm sau.
Những câu hỏi của phụ huynh thường liên quan đến những món đồ bị mất của con, bài tập về nhà, vật dụng cần đưa đến trường...
"Sau giờ làm việc, tôi thường ưu tiên trả lời các tin nhắn liên quan sức khỏe và vấn đề tinh thần của học sinh", giáo viên này cho biết, đồng thời nêu một số ví dụ về tin nhắn cô sẽ phản hồi ngay như phụ huynh thông báo gia đình học sinh có người thân qua đời, phụ huynh xin nghỉ phép vì con bị ốm...
Để giải quyết tình trạng giáo viên bị làm phiền sau giờ làm việc, mới đây, vào ngày 18/9, Bộ trưởng Giáo dục Singapore, ông Chan Chun Sing, nói rằng giáo viên không cần phải chia sẻ số điện thoại cá nhân cho phụ huynh, học sinh. Các thầy cô cũng không cần trả lời các tin nhắn liên quan công việc sau giờ học.
Bộ Giáo dục Singapore đưa ra quy định mới này là để bảo vệ giáo viên khỏi "những kỳ vọng vô lý", cho phép các nhà giáo tập trung vào những hoạt động dạy và học cho trẻ, đồng thời vẫn có thời gian cho bản thân.
Tại Singapore, giáo viên bắt đầu làm việc từ khoảng 7h30 và kết thúc giờ làm việc vào 17h cùng ngày. Theo đó, sau 17h, họ được phép từ chối trả lời tin nhắn từ phụ huynh và học sinh, trừ những tình huống thực sự khẩn cấp.
"Sau 17h, bạn không cần trả lời phụ huynh về việc ngày mai con của họ phải mặc áo phông màu nâu hay màu vàng. Những chuyện như vậy không quan trọng", bộ trưởng nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Chan Chun Sing cũng kêu gọi giáo viên chỉ nên dùng email và số điện thoại văn phòng để liên lạc với phụ huynh. Bản thân ông không khuyến khích giáo viên chia sẻ số điện thoại cá nhân cho cha mẹ học sinh.
Nhận xét về quy định mới của bộ, ông Mike Thiruman, Tổng thư ký của Liên đoàn Giáo viên Singapore, cho biết động thái mới của bộ có thể giải quyết những thách thức mà giáo viên đang gặp phải trong việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
“Giáo viên đôi khi phải đối mặt với những yêu cầu vô lý từ phụ huynh, điều này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí ảnh hưởng đến sự hài lòng trong công việc của họ”, ông Thiruman cho biết.
Bộ Giáo dục Singapore khuyến khích giáo viên liên hệ với phụ huynh qua email và tránh chia sẻ số điện thoại cá nhân. Ảnh: Pexels. |
Phụ huynh ủng hộ
Khi Bộ Giáo dục đưa ra quy định mới, giáo viên Singapore nói rằng đây là một bước tiến tích cực nhằm bảo vệ sức khỏe cho các nhà giáo. Tuy nhiên, một số người bày tỏ lo ngại khi quy định được áp dụng trong thực tế. Họ lo rằng học sinh và phụ huynh vẫn có thể nhắn tin làm phiền sau giờ làm việc.
May mắn là khi bộ ban hành quy định mới, nhiều phụ huynh đồng tình và nói rằng họ hiểu giáo viên cũng cần có thời gian riêng cho bản thân và gia đình.
Bà Alice Tan, mẹ của hai con trai ở tuổi tiểu học, cho biết bà ủng hộ quy định mới của Bộ Giáo dục. Trước đây, bà từng nhắn tin cho giáo viên sau giờ hành chính, nhưng không ép giáo viên phải trả lời ngay lập tức.
Người mẹ cũng nói thêm rằng phụ huynh không nên lấy số điện thoại cá nhân của giáo viên để tránh làm phiền họ.
"Nếu có số giáo viên, chúng tôi có xu hướng nhắn tin để hỏi mọi thứ. Vì thế, tôi nghĩ tốt nhất là phụ huynh không nên hỏi xin số giáo viên", bà Tan nêu quan điểm.
Tương tự, bà Jasmine Hallan, phụ huynh có hai con đang học tiểu học, cho biết bà luôn hạn chế việc liên lạc với giáo viên của con sau giờ hành chính. Theo đó, người mẹ thường sử dụng một nền tảng liên lạc tên là Class Dojo để liên lạc với giáo viên hoặc gửi email trực tiếp.
Giáo viên của con bà Hallan thường phản hồi rất nhanh, nhưng bản thân bà không mong đợi thầy cô phải làm như vậy.
"Tôi cũng là một người mẹ nên tôi hiểu bất cứ ai cũng cần có thời gian riêng để dành cho gia đình. Chúng ta không nên ỷ lại sự tiện lợi của công nghệ rồi buộc giáo viên phải phục tùng chúng ta", người mẹ nhấn mạnh.
Sách về nghề giáo
Nếu độc giả có hứng thú với nghề giáo - một nghề nghiệp đặc biệt và đang trải qua những biến động lớn, mục Giáo dục giới thiệu một số lựa chọn:
Xin được nói thẳng (GS Hoàng Tụy) và Ước vọng cho học đường (GS Huỳnh Như Phương): Cuốn sách của hai nhà giáo tiên phong tại Việt Nam với nhiều suy nghĩ và những trăn trở của hai ông về tương lai nền giáo dục nước nhà.
Nghề giáo qua các tác phẩm thiếu nhi nổi tiếng: Tình thầy trò trong các tác phẩm văn chương nổi tiếng khiến độc giả cảm động bởi các nhân vật đã làm được những việc lớn lao, vượt xa chức trách của một giáo viên.