Có hai con học lớp 4 và lớp 10, chị Hoàng Thanh (quận Thủ Đức) cho biết những ngày nghỉ ở nhà chị lo lắng cho chuyện sinh hoạt của hai con vì chúng phải tự trông nhau khi bố mẹ đi làm. Học tập, sinh hoạt đều chểnh mảng, không có nề nếp như xưa. Dù vậy, với tình hình hiện nay chị Thanh vẫn mong học sinh tiếp tục nghỉ.
Tính đến sáng 13/3, Việt Nam đã ghi nhận 44 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 và 12 tỉnh, thành có người mắc bệnh.
Nên cho học sinh nghỉ hết tháng 3
"Bây giờ người lớn ra đường vẫn lo lắng huống chi là trẻ nhỏ. Dù các con có ý thức phòng bệnh đi nữa thì cũng không ai dám đảm bảo môi trường lớp học an toàn. Tôi nghĩ trước mắt cứ nghỉ hết tháng 3", chị Hoàng Thanh nói.
Trong khi đó, anh Hữu Tấn (quận Bình Thạnh) đã chuẩn bị tinh thần cho con đang học tiểu học nghỉ dài hạn đến khi dịch bệnh chấm dứt.
"Nếu thành phố tiếp tục cho nghỉ thì tốt còn không tôi cũng xác định cho hai bé ở nhà đến hết dịch, chấp nhận cho con lưu ban", anh Tấn cho biết.
Phụ huynh và giáo viên TP.HCM mong học sinh tiếp tục nghỉ. Ảnh minh họa: Liêu Lãm. |
Theo cô Nguyễn Thị Huyền Thảo, giáo viên trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (quận 1, TP.HCM), trong giai đoạn này không ai có thể yên tâm cho học sinh trở lại trường nếu không muốn nói trường học tập trung đông người là nơi có nguy cơ lây lan cao.
"Đành chấp nhận lùi năm học và lên các kế hoạch khác để chuẩn bị cho các phương án xấu là dịch kéo dài. Bộ GD&ĐT cũng đã có ý kiến kéo dài năm học, lùi kỳ thi THPT quốc gia nếu tình hình xấu hơn nên tôi nghĩ các địa phương như TP.HCM sẽ mạnh dạn trong việc cho học sinh nghỉ hết tháng 3", cô Thảo ý kiến.
Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP.HCM) cho rằng với việc WHO công bố đại dịch toàn cầu và tình hình trong nước nghiêm trọng hơn thì việc cho học sinh nghỉ thêm là điều chắc chắn.
"Trong lúc này chưa thể đặt vấn đề thời gian trở lại trường của học sinh được. Dịch diễn biến ra sao còn rất khó nói. Phụ huynh và giáo viên đều rất lo lắng", ông Phú cho hay.
Một hiệu trưởng trường THPT khác tại TP.HCM cho biết bà cũng đang thấp thỏm chờ quyết định mới của thành phố giữa lúc tình hình dịch bệnh căng thẳng như hiện nay.
"Thật lòng tôi mong các em được tiếp tục nghỉ hết tháng 3 và chờ diễn biến của dịch ra sao dù trường đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng để đón học sinh trở lại. Nhưng đi học lúc này rủi ro quá lớn, không ai đảm bảo hết được", vị hiệu trưởng này nói.
Học qua truyền hình, trực tuyến là giải pháp tức thời
Trong khi học sinh nghỉ dài ngày vì dịch bệnh, nhiều địa phương như Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai, Đà Nẵng đã chủ động tổ chức dạy học, ôn tập qua truyền hình. Các giáo viên đều cho rằng đây là giải pháp tình thế duy nhất trong lúc này.
Theo thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An), trong bối cảnh hiện nay, việc dạy học ở nhiều trường phổ thông bị gián đoạn, Bộ GD&ĐT khuyến khích hình thức dạy học trực tuyến là một việc làm cần thiết.
Dù không thể thay thế hình thức giảng dạy trực tiếp nhưng thầy Hiếu cho rằng một buổi học qua truyền hình sẽ phần nào đạt hiệu quả nếu có sự kết hợp giữa nhà trường và gia đình. Giáo viên ở trường giải thích, giao thêm bài tập để học sinh nắm kiến thức sau mỗi giờ học trên truyền hình và gia đình giám sát việc học của con em mình.
Như vậy chất lượng của giáo viên sẽ phụ thuộc vào sự lựa chọn của Sở GD&ĐT. Điều này quyết định đến chất lượng của mỗi buổi dạy qua truyền hình.
"Giáo viên khi dạy trực tuyến hay qua truyền hình không nên ngồi một chỗ và lệ thuộc hoàn toàn nội dung bài giảng soạn sẵn trên máy tính, càng không nên đọc tất cả kiến thức có sẵn trên máy tính. Tốt nhất, giáo viên nên dạy trong tư thế đứng và sử dụng bảng và duy trì hai thao tác song song: nói và viết. Kiến thức được trình bày trên bảng mà học sinh dễ nhớ, dễ hiểu nhất là sơ đồ hóa kiến thức", giáo viên trường chuyên Phan Bội Châu khuyên.
Theo ông, hình thức dạy như vậy sẽ uyển chuyển hơn, tự nhiên hơn và thu hút sự chú ý của học sinh hơn. Phong thái và thần thái của giáo viên sẽ góp phần quan trọng đến sự tập trung chú ý lắng nghe của học sinh khi dạy trực tuyến hay dạy qua truyền hình.
Cô Huyền Thảo lại cho rằng trong thời gian này chỉ nên tổ chức cho học sinh ôn tập qua truyền hình hoặc các hình thức trực tuyến cho học sinh cuối cấp. Nếu dạy nội dung mới qua các hình thức này sẽ khó đảm bảo chất lượng giảng dạy.
"Nên xác định đây là giải pháp tình thế, giúp học sinh củng cố kiến thức, không quên bài cũ. Trong thời gian ngắn, học sinh chưa thể quen việc tự học. Do đó, việc dạy kiến thức mới không phải em nào cũng tiếp thu được", cô Thảo nói.
Lùi lịch thi THPT quốc gia và kéo dài năm học
Trước đó, ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT - cho hay trường hợp tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ưu tiên hàng đầu vẫn là đảm bảo an toàn, tính mạng cho giáo viên và học sinh.
Trường hợp bất khả kháng khiến việc nghỉ học của học sinh kéo dài, Bộ GD&ĐT sẽ tính toán và điều chỉnh thời gian nhằm đảm bảo các nhà trường có đủ quỹ thời gian cần thiết để xây dựng kế hoạch dạy học và đảm bảo chương trình.
"Trường hợp tình hình dịch bệnh diễn biến kéo dài, thời điểm năm học mới theo truyền thống sẽ bắt đầu ngày 5/9. Như vậy, các trường có quỹ thời gian từ nay đến thời điểm đó để điều chỉnh năm học, cũng như thi THPT quốc gia", ông Nguyễn Xuân Thành nói.
PGS Nguyễn Xuân Thành đánh giá việc học online và trên truyền hình hiện nay cần được nhà trường duy trì.