Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phụ huynh từ chối cho con học trực tiếp nếu trường không có bán trú

Trước thông tin các trường ở Hà Nội không tổ chức bán trú, nhiều phụ huynh chia sẻ gặp khó khăn khi đưa, đón trẻ đi học, thậm chí mong muốn con tiếp tục học online.

Chị Lê Hương Giang (Gia Lâm, Hà Nội) kể con chị học lớp 2 tại một trường tư thục. Nhà trường có kế hoạch chuẩn bị cho trẻ đến trường ngày 21/2.

Ngày 10/2, chị Giang làm 10 khảo sát của nhà trường về việc cho trẻ đi học trở lại bao gồm các câu hỏi: Phụ huynh có đồng ý cho con đi học lại một buổi/ngày không? Cách xử lý khi trong lớp có F0, F1? Có test nhanh cho trẻ vào mỗi đầu tuần đi học?...

Kết quả khảo sát cho thấy nếu không tổ chức bán trú, 18/28 phụ huynh từ chối cho con đến trường học trực tiếp, tiếp tục lựa chọn phương án học online.

Chị Giang lý giải phụ huynh từ chối cho con học trực tiếp tại trường nếu không bán trú là điều dễ hiểu. Lịch học buổi sáng dự kiến từ 8h đến 11h. Phụ huynh phải đưa, đón con trước và sau 30 phút. Như vậy, nếu di chuyển nhanh, 12h trưa, con sẽ về tới nhà.

Trẻ có 1,5 giờ ăn uống, nghỉ ngơi để bước vào giờ học online buổi chiều lúc 13h30. "Không có giúp việc, ông bà hỗ trợ, tôi khó xoay nổi giữa công việc cơ quan và đưa đón, chăm sóc con", chị Giang nêu quan điểm.

Truong o Ha Noi khong mo lop ban tru,  phu huynh lo lang anh 1

Phụ huynh lo lắng việc đưa đón con đi học nếu trường không tổ chức bán trú. Ảnh: Thạch Thảo.

"Đi học nên có bán trú"

Đọc thông tin về việc các trường ở Hà Nội không tổ chức bán trú khi trẻ đi học trở lại, chị Nguyễn Minh chia sẻ điều này gây bất cập, bởi phụ huynh rất vất vả khi đưa đón, chăm sóc.

Mỗi buổi sáng, sau khi đưa con đến trường, chị Minh vội vã đi làm. Ở cơ quan, người mẹ thấp thỏm lo đến giờ về đón con. 11h, học sinh tan trường trong khi gần 12h phụ huynh mới được nghỉ trưa.

"Chúng tôi làm sao có thể ngày nào cũng bỏ việc về sớm đón con. Chưa kể, sau khi con về nhà, bố mẹ phải lo cơm nước, nghỉ ngơi để các bé vào học ca chiều online. Xong xuôi, phụ huynh tất bật đi làm", chị Minh than phiền.

Từ quan điểm trên, chị Nguyễn Minh nêu ý kiến trẻ nên được đi học cả ngày và ở bán trú. Còn không, các trường nên tiếp tục triển khai học online thêm.

"Việc nhà trường cho trẻ đi học nửa buổi chỉ phù hợp với gia đình có bố, mẹ làm việc tự do, thoải mái thời gian đưa đón con hoặc nhà gần trường, có ông, bà hỗ trợ", chị Minh nói.

Ủng hộ việc ở bán trú, chị Trần Cẩm Hòa (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), cho rằng trẻ đi học một buổi là cách làm "dở dở ương ương", làm tăng thêm chi phí cho xã hội.

Có con đang học lớp 1 ở trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội), chị Nhã Trâm nhận định nếu phụ huynh lo đưa đón con đi học sẽ không có tâm trạng làm việc, chỉ "nhấp nhổm" đưa, đón con. Khi đó, cuộc sống chưa thể trở về trạng thái bình thường.

Việc di chuyển trên đường với xe máy hay xe buýt đều vất vả, thời gian đó nếu ở nhà trẻ sẽ có thêm giấc ngủ trưa.

Truong o Ha Noi khong mo lop ban tru,  phu huynh lo lang anh 2

Học sinh tiểu học ở huyện Gia Lâm, Hà Nội đi học trở lại. Ảnh: Thạch Thảo.

Trường đủ điều kiện an toàn nên mở bán trú

Ngày 14/2, sau hơn 5 tháng kể từ ngày khai giảng năm học mới, học sinh tiểu học, trẻ mầm non của TP.HCM được đến trường học trực tiếp. Ngay khi học sinh trở lại, các trường mầm non, tiểu học đều tổ chức bán trú với điều kiện đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch.

Chia sẻ với Zing, bà Hứa Thị Diễm Trâm, Hiệu trưởng THCS Hà Huy Tập (quận Bình Thạnh, TP.HCM), cho rằng hiện tại, phụ huynh và học sinh hiểu và biết cách giữ gìn, bảo vệ bản thân trước tình hình dịch bệnh. Các trường tổ chức bán trú chỉ cần nhắc nhở thêm để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.

Hiệu trưởng trường THCS Hà Huy Tập nhấn mạnh vai trò của bảo mẫu khi tổ chức bán trú. Theo bà Trâm, các bảo mẫu cần tập trung quan sát trẻ. Nếu phát hiện trường hợp mắt của học sinh đỏ, lờ đờ, bảo mẫu phải khoanh vùng và tế nhị để trẻ ngồi riêng một bàn, báo bộ phận y tế kiểm tra sức khỏe.

"Nhà trường phát cho mỗi bảo mẫu một máy đo thân nhiệt, đo vào buổi trưa khi các em ngủ, kịp thời phát hiện khi học sinh nóng, sốt", bà Trâm nói.

Hiện tại, trường THCS Hà Huy Tập ghi nhận 65% học sinh lớp 6 và 100% học sinh ở các khối lớp 7, 8, 9 đăng ký ở bán trú. Tỷ lệ phụ huynh đồng thuận rất cao.

Nhà trường cũng quy định học sinh đăng ký ở bán trú phải mang theo ít nhất 3 khẩu trang để thay sau khi ăn trưa và ngủ dậy.

Bà Anh Thư, Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Tuệ Đức (TP.HCM), nhận định các trường đảm bảo an toàn phòng, chống dịch thì nên mở bán trú để phụ huynh yên tâm đi làm.

Qua khảo sát lấy ý kiến, trường Tiểu học Tuệ Đức thu được kết quả 95% phụ huynh đồng ý cho học sinh ở bán trú. Để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, nhà trường phân công nhân lực và tiến hành giãn cách theo quy định ở khu vực ăn uống, ngủ, vui chơi, sinh hoạt.

Trước đây, trường quy định 4 học sinh/bàn ăn, hiện giảm còn 2 học sinh/bàn ăn. Ngoài giáo viên giảng dạy văn hóa, thầy cô dạy kỹ năng của trường Tiểu học Tuệ Đức cũng tham gia hỗ trợ công tác chăm sóc và đảm bảo an toàn phòng, chống dịch khi trẻ ở bán trú.

Trường học xử lý như thế nào khi có ca nghi mắc Covid-19?

Thay vì tạm thời phong tỏa trường học, cho cả lớp nghỉ khi có trường hợp dương tính SARS-CoV-2, các trường ở Hà Nội khoanh vùng, chuyển học sinh diện F0, F1 sang học trực tuyến.

Nguyễn Hằng

Bạn có thể quan tâm