Sau 3 tháng phát động (tháng 1 - tháng 3 đầu năm nay), cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp lần thứ 3 với chủ đề "Khởi nghiệp sáng tạo - Kết nối thành công" đã nhận được 922 đề xuất dự án (tăng 181 đề xuất so với năm 2019). Từ khi được tổ chức lần đầu vào năm 2017, cuộc thi đã góp phần thay đổi cuộc sống của nhiều người trên khắp Việt Nam, cũng như truyền cảm hứng cho phụ nữ khởi nghiệp, hướng đến cuộc sống tốt đẹp hơn. |
Vừa qua, lễ trao giải cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp năm 2020" vinh danh 68 dự án khởi nghiệp xuất sắc, trong đó có 2 dự án được nhãn hàng Sunlight (Unilever Việt Nam) đồng hành và tài trợ, đã được tổ chức tại Hà Nội. |
Bà Hà Thị Nga - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam - cho biết năm nay có nhiều khó khăn, nhưng cuộc thi vẫn nhận được sự hưởng ứng của đông đảo phụ nữ trên toàn quốc, cũng như sự hỗ trợ của các ban ngành, đoàn thể và nhiều nhà tài trợ. Kết quả, các dự án khởi nghiệp của cuộc thi năm 2020 đã nhận được tổng giải thưởng trị giá hơn 8 tỷ đồng. Những phần thưởng này nhằm khuyến khích tinh thần khởi nghiệp của phụ nữ Việt Nam trong giai đoạn công nghệ phát triển, mang đến nguồn thu nhập ổn định, tự chủ hơn về tài chính, cải thiện cuộc sống bản thân và gia đình. |
Ngoài sự hưởng ứng tích cực từ phụ nữ toàn quốc, ban tổ chức đánh giá cao sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, trong đó có nhãn hàng Sunlight đến từ Unilever Việt Nam. Theo đó, Sunlight là nhà đồng tài trợ cho chương trình khởi nghiệp cấp trung ương, với 2 dự án khởi nghiệp xuất sắc đoạt giải Ứng dụng công nghệ nhằm thích ứng, bảo vệ môi trường là "Xưởng may cho người khuyết tật" của chị Trần Thị Như Hoa (Nghệ An) và "Hợp tác xã rau quả" của chị Đỗ Thị Kinh Dung (Lào Cai). |
Dự án Xưởng may cho người khuyết tật của chị Trần Thị Như Hoa (đến từ Nghệ An) là một dự án mang nhiều ý nghĩa đến cộng đồng. Chị Hoa là một phụ nữ khuyết tật đơn thân từng không có nghề nghiệp ổn định, sau đó chị bén duyên với nghề may, trong 6 năm vừa làm việc, vừa tích lũy kinh nghiệm, hiện chị có một xưởng thủ công nhỏ (quy mô dưới 10 người), sản xuất các mặt hàng may sẵn và phát triển thêm các sản phẩm bằng vải vụn với lực lượng lao động là chị em khuyết tật. |
Với sự hỗ trợ từ Sunlight, chị có thể mở rộng quy mô và nâng cấp xưởng may, giúp chị em phụ nữ khuyết tật có cơ hội làm việc, tạo ra những sản phẩm của riêng họ và cải thiện đời sống. Chị kỳ vọng từ đó, mọi người sẽ có cái nhìn công bằng hơn về người khuyết tật. |
Dự án của chị Đỗ Thị Kim Dung kết hợp giữa nông nghiệp và du lịch trải nghiệm vừa sáng tạo, vừa đem lại cho đồng bào vùng cao cơ hội tăng thu nhập. Đây là dự án phát triển dựa trên mô hình đã đi vào hoạt động và mang đến hiệu quả kinh tế nhất định. Tuy nhiên, khi khởi nghiệp, phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ khuyết tật, phụ nữ ở vùng sâu vùng xa gặp nhiều khó khăn, từ việc thiếu kỹ năng, kiến thức, cơ sở kỹ thuật, đến thiếu vốn… |
Song, bằng nỗ lực, khát khao vươn lên và khả năng của riêng mình, các chị đã vượt lên giới hạn, theo đuổi ước mơ và đạt được thành công, mang lại những hiệu quả kinh tế nhất định. Với sự hỗ trợ từ Sunlight, mô hình có thể phát triển, mở rộng quy mô và tăng cường ứng dụng công nghệ, tạo công ăn việc làm, nguồn thu nhập ổn định cho chị em phụ nữ dân tộc và quảng bá hình ảnh cho Sa Pa. |
Bà Lê Thị Hồng Nhi - Quản lý cấp cao Phát triển bền vững, truyền thông và đối ngoại Unilever Việt Nam - chia sẻ: "Nhãn hàng Sunlight nói riêng và Unilever Việt Nam nói chung rất hân hạnh khi được đồng hành cùng hai dự án ý nghĩa này. Cả hai đều chứng tỏ sức mạnh của người phụ nữ, cũng như truyền cảm hứng cho phụ nữ khắp Việt Nam khởi nghiệp". |
Bình luận