Khi Rayberg tỉnh lại, cô nhận ra mình đang ở trong một cái lán cạnh con sông gần thị trấn nơi cô sống, xung quanh sực mùi nước tiểu, bên cạnh là một người đàn ông còn cô thì hoàn toàn trần truồng và thân thể đầy những viết bầm tím.
Đó là tất cả những gì Julia Rayberg, 25 tuổi, người sáng lập và là CEO của tổ chức phi lợi nhuận Worthy Village ở Guatemala (Mexico) nhớ được sau khi bị hãm hiếp tập thể bởi một nhóm bác sĩ và huấn luyện viên thể hình của mình ở thành phố Sololá vào tháng 9/2018. Những người đàn ông này đã đánh thuốc mê để thực hiện hành vi đồi bại với cô.
Julia Rayberg là một nhà hoạt động nhân đạo với các dự án thiện nguyện của mình trên nhiều quốc gia. Ảnh: FBNV |
10 tiếng hôn mê và cuộc đấu tranh đầy nước mắt
Mười ngày sau, Rayberg đã viết về vụ hiếp dâm và đăng tải trên blog của mình với tiêu đề “How do you put rape into words” (tạm dịch Nói thế nào về chuyện bị cưỡng bức?). Bài viết đã có hơn 100.000 lượt xem và được truyền tải trên Internet.
Trên blog của mình, cô kể ra những điều tồi tệ nhất mà mình phải trải qua: Chuyển nhà đến một nơi cách xa hàng ngàn cây số vì cảm thấy bất an, sợ rằng mình sẽ có thai và lây bệnh truyền nhiễm từ những kẻ hiếp dâm, phải sống trong lo lắng và những chấn thương sau cuộc hãm hiếp.
Ngoài ra, cô còn có 6 tiếng đồng hồ bị thẩm vấn bởi các luật sư bào chữa, bị khám nghiệm pháp y bởi một bác sĩ nam, trải qua những thủ tục pháp lý rắc rối để đòi lại công lý. Thậm chí, cô phải chi trả cho các hóa đơn đắt tiền của các dịch vụ đi kèm dù là người bị hại.
“Tâm trí của tôi không còn minh mẫn nữa. Tôi có những ngày tốt đẹp và cả những ngày tồi tệ. Tôi đã chiến đấu một cách công khai ở Guatemala với sự ủng hộ từ hàng ngàn người, họ gửi tin nhắn khích lệ và cùng tôi đấu tranh, họ đã có mặt ở tất cả những phiên tòa của tôi”.
Thế nhưng, sau tất cả những nỗ lực ấy, kẻ hiếp dâm vẫn được tại ngoại.
“Sau khi chiến đấu hết mình cho lệnh bắt giữ đối với kẻ hiếp dâm, bằng cách nào đó, anh ta đã được tại ngoại và bây giờ anh ta cũng bước đi trên phố, giống như tôi, hoàn toàn tự do”.
Rayberg thất vọng và nói rằng mọi người thường không nhận ra những ảnh hưởng nghiêm trọng của hiếp dâm đối với con người.
Cô khẳng định: “Sự im lặng của nạn nhân sẽ tiếp thêm sức mạnh cho những kẻ hiếp dâm. Hãy để câu chuyện của bạn được lắng nghe vì nó có thể sẽ cứu người khác khỏi nỗi kinh hoàng mà bạn phải trải qua. Nạn nhân không thể ngăn chặn việc bị tấn công hay quấy rối tình dục, nó không bao giờ là lỗi của họ. Những người phụ nữ có quyền đi lại tự do, mặc những trang phục khiêu gợi, và dù vậy đi chăng nữa thì không ai có quyền chạm vào họ mà không có sự cho phép”.
“Nó đã phá hủy toàn bộ niềm tin của tôi về con người”
Đó là lời kể của Amal (tên nạn nhân đã được thay đổi) ở Dubai, cô bị quấy rối tình dục năm 24 tuổi khi còn là sinh viên bởi những người đàn ông trong trường học, trung tâm thương mại, các nhà hàng và ở những nơi công cộng khác khi cô đi cùng những người bạn gái của mình.
Những người đàn ông này thường cố tình nắm tay hoặc động chạm vào cơ thể cô cũng như có các cử chỉ gợi dục.
Có lần khi đang thanh toán ở quán cà phê, một người đàn ông đã choàng tay lên cổ cô và có những hành vi động chạm ngay trước mặt mọi người. Sự việc đó đã khiến cô bị sốc, run rẩy và không thể nghĩ được gì trong nhiều ngày sau đó.
“Nhiều người giả vờ động vào người tôi một cách vô tình, nhưng chúng tôi đều biết đó là những hành động có chủ ý", Amal kể lại.
Những sự cố như vậy xuất hiện ngay trong trường đại học. Cô nói vì những kẻ quấy rối đó mà cô không bao giờ dám ra ngoài một mình. “Tôi đã nghĩ đó là chuyện bình thường, những chuyện tương tự cũng xảy ra với bạn bè của tôi, và tôi thì không phải là trường hợp ngoại lệ”. Cô từng coi việc quấy rối tình dục là điều hiển nhiên trong những xã hội bảo thủ như UAE.
“Có lẽ việc phụ nữ bị phân biệt đối xử so với nam giới là nguyên nhân của thực trạng này. Tôi trở nên yếu đuối sau những việc đã xảy ra. Có những lúc, tôi nghĩ rằng tất cả mọi người chỉ muốn làm tổn thương tôi. Khi tôi kể với những người anh em trai của mình rằng tôi bị đàn ông nhìn chằm chằm, họ đã cười và nói rằng đó là chỉ là điều bình thường. Nhưng có thật là bình thường không?”.
Phụ nữ Ả Rập tin rằng một trong những lý do khiến họ bị tấn công tình dục là bởi sự phân biệt đối xử giữa nam giới và nữ giới. Ảnh: Getty |
“Tôi đã mất niềm tin vào tất cả những người xung quanh, đặc biệt là khi gia đình tôi phản ứng như vậy. Phải mất một thời gian dài họ mới nhận ra là tôi thật sự không ổn".
Đến nay, Amal vẫn bị ám ảnh bởi những tổn thương và cảm thấy hối hận vì không tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chuyên gia hay những tổ chức có uy tín.
“Tôi quở trách bản thân mình, tôi đổ lỗi cho vẻ ngoài của mình, đổ lỗi cho những lời tôi đã nói, tôi căm ghét bản thân mình và đau khổ trong im lặng".
Với trường hợp của Amal, TS tâm lý Deema Sihweil cho biết: “Những nạn nhân bị lạm dụng hay quấy rối thường tin rằng họ sẽ không bị làm hại nếu bản thân trông kém hấp dẫn".
Bà Sihweil cũng cho rằng việc tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người xung quanh là việc rất quan trọng đối với các nạn nhân. Phụ nữ cần được giáo dục về vấn đề ngăn chặn quấy rối tình dục và cách tố cáo trong các trường hợp bị quấy rối.
"Ngay sau khi bị tấn công tình dục, tôi bắt đầu có ý nghĩ tự tử"
Luật sư Joseph G. Klest ở Chicago (Mỹ) là người nổi tiếng trong việc bào chữa cho những nạn nhân của các vụ tai nạn, chấn thương và đặc biệt là nạn nhân của những cuộc lạm dụng tình dục. Một người đàn ông đã gửi cho ông một bức thư và kể về những cảm xúc anh đã phải trải qua do bị tấn công tình dục từ khi còn nhỏ bởi người linh mục ở địa phương.
Bức thư này đã được luật sư Joseph Klest đăng tải trên trang web của mình và ẩn danh, nhưng nội dung của nó khiến người đọc cảm thấy đau lòng trước những điều các nạn nhân của lạm dụng và tấn công tình dục phải chịu đựng dù là hàng chục năm sau. Có những người đã mạnh mẽ vượt qua, nhưng cũng có những người đã không thể đối mặt mà tự hủy hoại bản thân mình.
Trong bức thư, nạn nhân viết: “Ngay sau khi bị tấn công tình dục lẫn thể xác, tôi bắt đầu có ý nghĩ tự tử. Đó là suy nghĩ rất phổ biến của các nạn nhân bị lạm dụng tình dục. Tôi từng nghĩ nó thật kỳ lạ vì tôi đã có mọi thứ tôi muốn, tôi được cha mẹ trao cho một tuổi thơ hạnh phúc, vậy mà vẫn muốn tự vẫn. Đó là điều phi lý mà tôi không tài nào hiểu nổi.
Nhiều nam giới cũng cho biết mình là nạn nhân của quấy rối và tấn công tình dục. Ảnh: Hunkmag |
Cũng trong khoảng thời gian đó, tôi bắt đầu lạm dụng rượu. Tôi là người nghiện rượu và sẽ luôn là như vậy. Việc lạm dụng rượu hoặc các chất kích thích là điều thường xảy ra với các nhạn nhân của lạm dụng trẻ em. Sử dụng đồ có cồn là điều dễ hiểu khi người ta lớn lên, nhưng tôi uống nhiều hơn bạn bè của mình, nhiều khi tôi không thể ngừng uống cho đến khi mình bất tỉnh. Tôi cũng đã tự uống thuốc để xua đi nỗi đau rằng tôi không bị lạm dụng. Tôi uống rượu và lái xe, đó là một hành động đầy nguy hiểm và rủi ro. Tôi luôn lái xe rất nhanh và sống trên bờ vực. Bạn bè của tôi nói rằng tôi đã thực sự muốn chết.
Tôi cũng trở nên rất nóng nảy với những người bước vào không gian riêng của mình. Đã có rất nhiều lần tôi động tay động chân và bạn bè dần rời xa tôi. Tôi đã mất nhiều mối quan hệ vì sự lạm dụng rượu bia và tính hung hăng của mình. Tôi nhận ra mình chỉ uống rượu một mình.
Đó chính là tôi, nhưng tôi không biết tại sao mình lại trở thành như vậy. Nhiều thập kỷ sau đó, vào một ngày anh trai hỏi tôi rằng “Em cứ giận dữ điều gì thế?” Tôi không có câu trả lời. Tôi thật sự không biết”.
Cơ quan Phụ nữ Liên Hợp Quốc (UN Women) ước tính rằng khoảng 35% phụ nữ trên toàn thế giới đã bị bạo lực cả về thể xác hoặc tình dục trong cuộc đời. Tuy nhiên, một số nghiên cứu của các quốc gia cho thấy con số này là 70%.
Các bằng chứng cũng chứng minh rằng những phụ nữ đã từng trải qua tấn công tình dục hoặc thể xác có tỷ lệ trầm cảm, phá thai, nhiễm HIV nhiều hơn so với người bình thường.
Theo số liệu được một số quốc gia ghi nhận, dưới 40% phụ nữ bị bạo hành tìm kiếm sự giúp đỡ dưới mọi hình thức. Đa số họ thường tìm đến gia đình và bạn bè, rất ít người tìm đến các tổ chức hay các cơ quan chức năng như cảnh sát hay cơ sở y tế. Chưa đến 10% trong số họ yêu cầu sự giúp đỡ bằng cách tố cáo với cảnh sát.
Cũng theo cơ quan này, ít nhất 154 quốc gia đã có luật về quấy rối tình dục, tuy nhiên, ngay cả khi luật pháp tồn tại, điều đó cũng không có nghĩa tất cả những điều luật này đều được chấp hành hoặc tuân thủ tiêu chuẩn và các khuyến nghị của quốc tế.
Một số phong trào nổi lên trên các phương tiện truyền thông xã hội như #Metoo đã khích lệ những nạn nhân của tấn công và quấy rối tình dục chia sẻ câu chuyện của mình, từ đó thay đổi nhận thức của cộng đồng về những vấn đề mà nạn nhân phải đối mặt.
Tuy nhiên, đó chỉ là phần nổi của tảng băng, một số câu chuyện được truyền thông chú ý, phần nhiều thì không. Dẫu vậy, khi sự chú ý trên truyền thông vơi đi, chỉ còn lại nạn nhân phải tự đối mặt và cố gắng vượt qua những nỗi ám ảnh tâm lý khôn nguôi.