Verywellhealth cho hay nghiên cứu được đăng tải trên Wiley Online Library năm 2011 đã phát hiện ra rằng có tới 40.000 phụ nữ tại Mỹ bị ảnh hưởng bởi tình trạng dị ứng với tinh dịch.
Một tỷ lệ rất hiếm đàn ông cũng có thể bị dị ứng với tinh dịch của chính mình. Tình trạng này còn được gọi là hội chứng bệnh lý hậu cực khoái.
Triệu chứng và nguyên nhân
Trên thực tế, các trường hợp phụ nữ bị dị ứng tinh dịch đôi khi chỉ xuất hiện các triệu chứng với một số đối tác cụ thể thay vì tất cả đàn ông.
Dị ứng tinh dịch có thể gây ra các phản ứng tại chỗ trong vài phút hoặc vài giờ sau khi tiếp xúc với tinh dịch. Hầu hết bệnh nhân sẽ có các triệu chứng của viêm da tiếp xúc như phát ban đỏ, ngứa do tiếp xúc trực tiếp với chất gây dị ứng. Vị trí xuất hiện triệu chứng thường là bên trong ống âm đạo, bên ngoài môi âm hộ hoặc xung quanh hậu môn.
Dị ứng tinh dịch có thể chỉ xuất hiện với một số đối tác thay vì tất cả. Ảnh minh họa: becca_tapert. |
Cụ thể, các triệu chứng của dị ứng tinh dịch bao gồm:
- Phát ban
- Ngứa
- Mề đay
- Phù mạch (sưng mặt, cánh tay hoặc chân)
- Mẩn đỏ
Dị ứng tinh dịch cũng có thể gây ra các phản ứng toàn thân, điển hình là sốc phản vệ. Các triệu chứng này có thể xuất hiện trong vòng vài phút sau khi tiếp xúc với tinh dịch, nhiều trường hợp đe dọa tính mạng.
Các biểu hiện của phản ứng toàn thân khi dị ứng tinh dịch cần chú ý là:
- Lưỡi hoặc cổ họng bị sưng
- Thở khò khè và khó thở
- Chóng mặt hoặc ngất xỉu
- Mạch nhanh, yếu
- Phát ban trên da
- Buồn nôn, nôn
Để lý giải cho tình trạng dị ứng tinh dịch, chúng ta cần lưu ý sự khác biệt giữa tinh dịch và tinh trùng.
Theo đó, tinh trùng là các tế bào sinh sản chứa thông tin di truyền được sử dụng để thụ tinh với trứng. Mặt khác, tinh dịch được tạo ra chủ yếu từ túi tinh và tuyến tiền liệt. Tinh dịch là hỗn hợp chất lỏng gồm rất nhiều chất dinh dưỡng giúp tinh trùng có thể sống được trong đó trước khi xuất tinh.
Từ đây, các nhà khoa học cho rằng tác nhân chính liên quan đến tình trạng dị ứng tinh dịch là các protein do tuyến tiền liệt tạo ra. Tuy nhiên, các protein khác cũng có thể có liên quan tới vấn đề này. Do đó, tinh trùng của đàn ông không phải là chất gây dị ứng.
Cách giải quyết
Đầu tiên, với các trường hợp có biểu hiện nghi ngờ, phương pháp đơn giản nhất để xác định tình trạng dị ứng tinh dịch ngay tại nhà là sử dụng bao cao su khi giao hợp và quan sát các triệu chứng có còn xuất hiện hay không.
Trên thực tế, việc chẩn đoán và phát hiện tình trạng dị ứng tinh dịch thường gặp khá nhiều khó khăn do bệnh lý này rất hiếm. Đa phần phụ nữ thường nhầm lẫn dị ứng tinh dịch với các bệnh lây truyền qua đường tình dục hoặc viêm nhiễm âm đạo do vi khuẩn hoặc nấm.
Do đó, nếu nghi ngờ mình bị dị ứng tinh dịch, mọi người nên chủ động tới gặp bác sĩ để thăm khám kịp thời. Thông thường, các bác sĩ sẽ kiểm tra thông qua việc để da của bệnh nhân tiếp xúc với chất gây dị ứng nghi ngờ (tinh dịch của đối tác) và quan sát kỹ các dấu hiệu của phản ứng dị ứng.
Sử dụng bao cao su là một trong những phương pháp điều trị tối ưu với các trường hợp dị ứng tinh dịch. Ảnh minh họa: charlesdeluvio. |
Trong trường hợp đã được chẩn đoán dị ứng với tinh dịch, bệnh nhân có thể sẽ được chỉ định áp dụng các phương pháp sau đây để duy trì đời sống tình dục an toàn:
Bao cao su
Đây thường là phương án tối ưu nhất và được gợi ý đầu tiên. Bao cao su có thể được sử dụng trong quá trình quan hệ tình dịch để ngăn tiếp xúc da với tinh dịch.
Phương pháp này dễ thực hiện và ít xâm lấn nhất. Tuy nhiên, trong các trường hợp đang mong muốn mang thai, các bác sĩ sẽ phải hướng tới những phương pháp khác.
Liệu pháp miễn dịch
Đây là phương pháp điều trị được sử dụng để hệ thống miễn dịch tiếp xúc với chất gây dị ứng, từ đó tạo ra khả năng chống lại chất gây dị ứng.
Nhược điểm của phương pháp này là trong hầu hết trường hợp, quá trình điều trị có thể mất từ 3 đến 5 năm. Tuy nhiên, hiệu quả của phương pháp này có thể kéo dài trong nhiều năm tiếp theo.
Thuốc chống dị ứng
Một phương pháp khác cũng được cân nhắc với các trường hợp dị ứng tinh dịch là sử dụng kem bôi kháng histamine. Phương pháp này thường được áp dụng nếu bệnh nhân chỉ bị dị ứng tại chỗ.
May mắn, theo nghiên cứu được công bố năm 2011, dị ứng tinh dịch được xác định là không ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sinh sản nếu tinh trùng của người đàn ông vẫn khỏe mạnh.
Tuy nhiên, khó khăn trong việc mang thai ở các trường hợp dị ứng tinh dịch là việc quan hệ tình dục tự nhiên làm sao để không xuất hiện các triệu chứng của bệnh.
Trong những trường hợp nhẹ, liệu pháp miễn dịch hoặc thuốc có thể giúp loại bỏ sự khó chịu của phản ứng dị ứng. Mặt khác, những người dị ứng nặng có thể sẽ phải xem xét thực hiện phương pháp bơm tinh trùng vào tử cung (IUI) hoặc thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).