Đó là chia sẻ của nhà văn Nguyễn Ngọc Thạch khi bày tỏ quan điểm về trọng trách của phụ nữ trong cuộc sống hiện đại, đặc biệt là những ngày Tết.
Nguyễn Ngọc Thạch không còn là cái tên xa lạ với những người yêu sách, đặc biệt là độc giả trẻ, “tín đồ” của những thể loại tình cảm, yêu đương, day dứt trong tình yêu.
Là tác giả của hàng loạt tác phẩm nổi tiếng như Chênh vênh 25, Khóc giữa Sài Gòn hay Người cũ còn thương..., nhà văn sinh năm 1987 dường như chiếm trọn trái tim của những cô gái khi luôn có những đồng cảm sâu sắc.
Mới đây, Nguyễn Ngọc Thạch bày tỏ những quan điểm của mình về vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại, thông qua cuộc thi Tết với con gái, do Zing.vn tổ chức, cùng sự đồng hành của nhãn hàng Diana.
- Anh có thể chia sẻ vì sao trong các tác phẩm của mình thường dành nhiều sự quan tâm tới những bạn gái?
- Từ nhỏ, tôi lớn lên trong sự yêu thương của mẹ và bà, thường xuyên lắng nghe và chứng kiến những câu chuyện của họ. Tôi nhận thấy sao phụ nữ có nhiều nỗi niềm quá.
Không chỉ hy sinh nét đẹp của bản thân trong những ngày mang thai, sinh con và nuôi nấng, những người mẹ, người bà còn đánh đổi cả tuổi xuân mình học hỏi, tìm tòi mọi cách dạy dỗ, dành cho con những điều quý báu nhất.
Đến khi lớn hơn, va chạm và gặp nhiều người, tôi cảm nhận được những câu chuyện về phụ nữ trẻ, những bạn gái đang trưởng thành cũng đa màu sắc và mình bị cuốn hút bởi sự đa dạng đó. Cũng từ đó, hình ảnh phụ nữ Việt luôn ẩn hiện trong tâm trí, thôi thúc tôi viết nên những gì mình cảm thấu.
- Có lẽ những ai yêu mến và theo dõi trang cá nhân của Nguyễn Ngọc Thạch đều cảm nhận được rằng anh là người rất thẳng thắn trên mạng xã hội, thường có những quan điểm đi ngược đám đông. Vì sao anh quyết định chia sẻ những điều đó với cộng đồng mà không giữ cho riêng mình?
- Tôi nghĩ mục đích của mạng xã hội là để con người kết nối, quan tâm và chia sẻ suy nghĩ của bản thân. Đã là quan điểm cá nhân thì không cần thiết phải giống với đám đông và mình có quyền được nói lên những thứ mình suy nghĩ, dù cho có không được ủng hộ.
Với lại, không phải thứ gì tôi cũng chia sẻ trên mạng. Có những suy nghĩ tôi chỉ bày tỏ cùng bạn bè thân thiết, hoặc giữ cho riêng mình. Cá nhân tôi luôn cân nhắc việc bày tỏ các quan điểm trên mạng xã hội sao cho phù hợp.
- Việc thường xuyên chia sẻ quan điểm sống trên mạng có ảnh hưởng cuộc sống riêng của anh?
- Mỗi lúc rảnh rỗi, tôi thường có thói quen đọc bình luận dưới những chia sẻ của mình để xem phản ứng của cộng đồng thế nào. Cũng có một vài ý kiến trái chiều nhưng đa số đều có vẻ khá thích thú. Vậy nên, với tôi, tới thời điểm hiện tại, chưa có chuyện gì ảnh hưởng!
- Quay trở lại với chủ đề của chị em, những năm gần đây, khá nhiều ý kiến cho rằng “Tết là chuỗi ngày hành xác” đối với phụ nữ. Anh có suy nghĩ gì về vấn đề này?
- Cá nhân tôi cho rằng việc gì cũng có hai mặt. Với những người không thích làm việc nhà, không thích sự bận rộn, dọn dẹp đón Tết, đó đúng là cực hình, hành xác. Nhưng ngược lại, nhiều người cảm thấy sự sum họp, quây quần, cùng nhau lo toan cho Tết là một niềm vui thì họ vẫn yêu thích thôi.
- Góc nhìn của anh về trọng trách, cũng như vai trò của các bạn gái trong các dịp lễ, Tết?
- Từ xưa đến nay, phụ nữ Việt Nam thường quan niệm phải đảm việc nhà. Không ít các bà mẹ có con gái đều luôn dạy con mình giỏi chăm con, kiếm tiền, giỏi mọi công việc tề gia, nội trợ, đồng thời cũng phải khéo léo giao tiếp, cư xử cũng như hàng nghìn việc không tên khác...
Tuy nhiên, theo tôi, phụ nữ chẳng việc gì phải tự gánh bất cứ thứ trọng trách gì cả. Nếu cảm thấy mệt, họ có thể nói đàn ông cùng phụ chuẩn bị. Và nếu không thích, họ cũng có thể đón một cái Tết đơn giản. Quan trọng nhất, mỗi phụ nữ phải hiểu rằng đó là lựa chọn của bản thân mình, hài lòng với những gì mình thực hiện và hãy chịu trách nhiệm với nó.
- Điều đó có đồng nghĩa việc cuộc sống ngày càng hiện đại hơn, nhiều quan niệm về phụ nữ cũng được cởi mở?
- Không hẳn vậy. Tôi cho rằng các quan điểm về bất cứ vấn đề gì qua từng thời kỳ sẽ thay đổi khác nhau. Với phụ nữ cũng thế. Sự tự do mang lại cho phụ nữ nhiều đặc quyền, nhiều sự ưu ái khiến họ sống thoải mái và hạnh phúc hơn xưa nhiều. Nhưng mặt trái của việc này là khiến không ít chị em nhầm lẫn giữa hai khái niệm “nữ quyền” và “không cần đàn ông”.
- Theo anh, những quan niệm như “con gái phải thế này, thế kia…” từ xưa đến nay là do xã hội buộc họ phải vậy hay nhiều chị em tự áp đặt điều ấy vào mình?
- Xã hội do nhiều con người tạo nên. Vì vậy, nói xã hội buộc ai đó phải thế này, thế kia là không chính xác, mà phải nói là từ con người tạo ra.
Xuất phát điểm của lối tư duy áp đặt con gái phải thế này thế kia là ảnh hưởng của Nho giáo phong kiến đến ngày nay, tạo thành nếp suy nghĩ ràng buộc phụ nữ trong những khuôn khổ nhất định. Có lẽ, nhiều chị em vốn dĩ đã quen với những điều ấy, cũng không dám đối mặt những chê bai nên dần hình thành thói quen cho bản thân như vậy.
- Theo anh, phụ nữ cần làm gì để cân bằng cuộc sống gia đình cũng như công việc cá nhân mỗi dịp Tết?
- Quan trọng nhất là chị em biết mình cần gì, muốn gì, mạnh dạn lên tiếng và thái độ. Nếu mệt mỏi, cứ nói với chồng hay anh giúp em đi, hôm nay mình đi ăn ngoài, Tết này đơn giản thôi. Nếu cảm thấy không thể chu toàn được cả hai, chị em mạnh dạn bỏ một thứ, tập trung làm một thứ, đừng tham lam. Các chị em đừng tự cho rằng “đó là trọng trách” để rồi chính mình là người mệt và không làm xong được việc gì.
- Vậy với sự đổi mới của cuộc sống hiện nay, theo anh, yếu tố gì quyết định một phụ nữ đẹp?
- Tiêu chuẩn của phụ nữ đẹp theo mình thì phải thông minh và sống tử tế. Nó thiên về phần phẩm chất nhiều hơn chỉ là dung mạo. Đó là cách mà phụ nữ quan tâm đến cuộc sống, tự làm chủ bản thân và giúp đỡ, yêu thương những người bên cạnh.
- Mùa Tết năm nay, Zing.vn tổ chức cuộc thi "Tết với con gái", nhằm chia sẻ kỷ niệm đẹp cũng như niềm vui, nỗi buồn trong ngày Tết của các chị em. Anh đánh giá thế nào về mục đích và các tiêu chí của cuộc thi Tết với con gái?
- Tôi luôn thích và khuyến khích các cuộc thi viết, đặc biệt là những cuộc thi viết cho người ta sự thoải mái để được kể câu chuyện của cá nhân, được bày tỏ cảm xúc của mình.
Thực tế hiện nay, nhiều bạn trẻ còn thiếu kỹ năng trình bày cảm xúc bằng con chữ, những cuộc thi như vậy là dịp để cổ vũ cho việc viết lách của các bạn. Bên cạnh đó, phần thi hình ảnh cũng cho thấy các góc nhìn đa dạng của phái nữ về ngày Tết quanh mình.
- Đến nay, BTC nhận được gần 600 tác phẩm đến từ độc giả cả nước. Là một trong 3 thành viên của ban giám khảo, anh đánh giá thế nào về chất lượng chung các bài dự thi?
- Đa số các bài thi đều thể hiện đúng tiêu chí đưa ra. Bên cạnh đó, nhiều bài dự thi cho thấy có sự đầu tư rất tốt và thể hiện rõ tâm tư của người dự thi. Chính tôi cũng bất ngờ về sự đa dạng trong đề tài, cách kể chuyện của các bạn và thỉnh thoảng cũng thấy hình ảnh của chính gia đình mình trong đó.
- Theo anh, các bài dự thi có thể hiện đúng tiêu chí của cuộc thi không?
- Đa số đều thể hiện đúng với tiêu chí của cuộc thi và bám rất sát yêu cầu được đặt ra. Tuy nhiên, cũng có một số bài thể hiện còn sơ sài, dĩ nhiên những bài này đã được loại ra, không vào vòng trong.
- Qua các bài dự thi, anh có nhận định gì về ngày Tết của các bạn gái Việt?
- Có hai từ chính xác nhất là “Trẻ” và “Năng động”. Bên cạnh đó, nhiều bài viết cũng đem lại cho tôi rất nhiều cảm xúc.
- Với tư cách là ban giám khảo cuộc thi “Tết với con gái”, anh có thể bật mí tiêu chí chấm giải các bài dự thi dạng viết tới các thí sinh tham dự?
- Đúng chủ đề là tiêu chí quan trọng nhất, sau đó là các yếu tố liên quan sự sáng tạo, cách thể hiện, cảm xúc trong bài viết, và một yếu tố khác rất quan trọng, đó là đúng chuẩn chính tả tiếng Việt.
Phần bài viết thì có thêm việc chấm chính tả, còn hình ảnh sẽ có thêm tiêu chí đằng sau bức ảnh đó có câu chuyện hay không. Tôi hy vọng ban giám khảo sẽ chọn ra được người chiến thắng xứng đáng nhất.
Cuộc thi Tết với con gái diễn ra từ 25/1 đến hết 8/3 do Zing.vn tổ chức, cùng sự đồng hành của nhãn hàng Diana. Thời gian nhận bài dự thi từ 0h ngày 29/1 đến hết 23h59 ngày 1/3.
Cơ cấu giải thưởng cho cả hai định dạng bài thi như sau:
- Giải thưởng do ban giám khảo chấm: Hai giải nhất, mỗi giải 30 triệu đồng (tiền mặt); hai giải nhì 10 triệu đồng (tiền mặt), ứng với các thể loại bài ảnh và bài viết.
- Giải độc giả bình chọn: Dành cho bài dự thi được bình chọn nhiều nhất trên website chính thức của cuộc thi là 20 triệu đồng (tiền mặt).