Trước đó, bé sơ sinh (ngụ tại huyện Tân Lạc, tỉnh Thái Bình) được chẩn đoán dị tật bàn chân khoèo ở tuần thứ 32 thai kỳ. Sau khi sinh được 10 ngày, gia đình đưa bé từ Hòa Bình đến Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương điều trị.
Các bác sĩ khoa Chấn thương chỉnh hình tư vấn điều trị cho bé bằng cách bó bột theo phương pháp Ponseti. Các bước nắn và bó bột này được lặp lại mỗi tuần, kéo dài 6-7 tuần. Dần dần, bàn chân trẻ trở về trục sinh lý bình thường.
Bàn chân phải của trẻ bị khoèo bẩm sinh. Ảnh: BVCC. |
Sau khi tháo bột lần cuối, bệnh nhi được mang giày chỉnh hình. Dự kiến, nếu tuân thủ đúng theo phác đồ điều trị, bàn chân phải của bé sẽ trở về gần như bình thường.
Bàn chân khoèo bẩm sinh là dị tật xảy ra trong thời gian người mẹ mang thai. Nhiều nguyên nhân gây ra dị tật này như di truyền, khiếm khuyết mầm xương, tư thế nằm trong bụng mẹ làm ảnh hưởng đến sự phát triển của bào thai.
Nếu phát hiện sớm, bàn chân bị dị tật có khả năng phục hồi gần như lành. Phương pháp điều trị chủ yếu là chỉnh hình tật chân khoèo bẩm sinh bằng bó bột theo phương pháp Ponseti.
Hiện tại, bé được theo dõi sức khỏe tại khoa Chấn thương chỉnh hình. Sau khi xuất viện khoảng một tuần, bé sẽ đến bệnh viện để tiếp tục được thay bột, chỉnh hình, tìm lại bàn chân bình thường.