Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phúc thẩm VN Pharma: Đại diện Bộ Y tế nhiều lần ấp úng khi chủ tọa hỏi

Sáng 24/10, trả lời các vấn đề pháp lý liên quan đến giấy phép, quá trình nhập khẩu thuốc của VN Pharma, ông Đỗ Trung Hưng, đại diện Bộ Y tế nhiều lần ấp úng vì không nắm đủ hồ sơ.

Vì sao tiền của VN Pharma đi vòng ra nước ngoài rồi về lại Việt Nam? HĐXX yêu cầu làm rõ vì sao dòng tiền của VN Pharma di chuyển vòng vèo ra nước ngoài trước khi quay lại Việt Nam.

Sáng nay, TAND Cấp cao tại TP.HCM tiếp tục đưa vụ án Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức và buôn lậu xảy ra tại Công ty Cổ phần VN Pharma ra xét xử. Chủ tọa phiên tòa cho biết sẽ thẩm vấn đại diện Bộ Ngoại giao, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) và Bộ Công Thương để làm rõ nhiều vấn đề. 

Theo ghi nhận của Zing.vn, ông Đỗ Trung Hưng, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế đã phải trả lời khá nhiều câu hỏi của HĐXX liên quan đến thủ tục cấp phép hoạt động của Bộ Y tế cho Helix Canada. 

Đại diện cơ quan công tố nói HĐXX đã triệu tập nhiều người có liên quan, đặc biệt là Hội đồng thẩm định hồ sơ nhưng nhiều người vắng mặt, một số người có mặt thì không nắm rõ vụ việc. Việc những người vắng mặt là không nghiêm túc, đề nghị HĐXX có biện pháp nhắc nhở.

Theo VKS, vẫn còn rất nhiều câu hỏi dành cho Bộ Y tế, Cục quản lý Dược chưa được giải đáp.

Trong phiên xử chiều 13/10 xảy ra diễn biến bất ngờ khi TAND Cấp cao TP.HCM quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn với Nguyễn Minh Hùng, nguyên Tổng giám đốc VN Pharma và Võ Mạnh Cường, người môi giới cho lô thuốc H-Capita.

Phúc thẩm vụ án VN Pharma: Bị cáo choáng, luật sư 'sốc'

Quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn, bắt tạm giam Nguyễn Minh Hùng và Võ Mạnh Cường trước khi phiên toà diễn ra khiến cả bị cáo lẫn luật sư bất ngờ.

Bắt nguyên Tổng giám đốc VN Pharma tại tòa: Quá bất ngờ

Trao đổi với Zing.vn, luật sư Nguyễn Đình Hưng bào chữa cho Nguyễn Minh Hùng cho biết việc bắt tạm giam bị cáo này ngay phiên toà là hành động bất ngờ.

  • Đường vào lao lý của lãnh đạo VN Pharma

  • Phần xét hỏi bị cáo Nguyễn Minh Hùng và đồng phạm ngày 23/10

  • Bị cáo Hùng và Cường bị còng tay, áp giải đến tòa

    Xử vụ VN Pharma: Hai bị cáo bị bắt tạm giam cười tươi ở tòa Trước khi bước vào phiên phúc thẩm ngày 24/10, bị cáo Nguyễn Minh Hùng cho biết sức khỏe mình đã tạm ổn. Bị cáo Võ Mạnh Cường cũng vui vẻ, trao đổi với luật sư bào chữa cho mình.

    7h50 sáng nay, bị cáo Nguyễn Minh Hùng và Võ Mạnh Cường được dẫn giải đến toà. Đêm qua là đêm đầu tiên Hùng và Cường ở trại tạm giam sau lệnh bắt đầy bất ngờ. Bị cáo Võ Mạnh Cường giữ thái độ vui vẻ khi được dẫn vào, cố gắng bắt tay luật sư Khưu Thanh Tâm. Còn bị cáo Nguyễn Minh Hùng trông tiều tụy hơn ngày hôm qua. Người thân của Nguyễn Minh Hùng và luật sư cũng có mặt từ sớm. 

    Bên trong phòng xét xử, các bị cáo khác đã có mặt đầy đủ. Đây là ngày xét xử thứ 4 của phiên phúc thẩm vụ án VN Pharma. Trước đó, chiều 23/10, nguyên Tổng giám đốc VN Pharma Nguyễn Minh Hùng và đồng phạm Võ Mạnh Cường đã bị bắt tại toà. Thời hạn tạm giam của hai bị cáo là 90 ngày. Lệnh bắt được tống đạt trước khi phiên xét xử buổi chiều diễn ra, gây bất ngờ cho cả các bị cáo lẫn luật sư và người theo dõi. Luật sư Nguyễn Đình Hưng bào chữa cho Nguyễn Minh Hùng bình luận hành động này là rất bất ngờ.



  • Đại diện Bộ Ngoại giao chưa có mặt

    8h30, phiên toà vẫn chưa bắt đầu. Thư ký toà nhiều lần gọi đại diện Bộ Ngoại giao và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội nhưng đại diện của hai đơn vị này chưa có mặt. Trong khi đó, nhiều lãnh đạo của Cục quản lý Dược (Bộ Y tế), Ngân hàng Cổ phần Tiên Phong có mặt.

    Bị cáo Nguyễn Minh Hùng và Võ Mạnh Cường được dẫn vào phòng xét xử trong một thời gian ngắn. Luật sư Khưu Thanh Tâm và Nguyễn Đình Hưng cũng có trao đổi với thân chỉ trước phiên toà. Sau đó, Hùng và Cường được lực lượng hỗ trợ tư pháp dẫn ra ngoài.

    VN Pharma anh 3
    Luật sư trao đổi với bị cáo Hùng và Cường. Ảnh: Kỳ Hoa.
  • Thứ trưởng Bộ Y tế và Phó cục trưởng Cục quản lý Dược vắng mặt tại toà

    Tuy Bộ Y tế có cử một số cán bộ tham dự nhưng hai cá nhân có liên quan trực tiếp đến việc cấp phép cho VN Pharma nhập lô thuốc H-Capita là Nguyễn Tấn Đạt và Trương Quốc Cường lại vắng mặt.

    Ông Nguyễn Tất Đạt tại thời điểm duyệt hồ sơ cho thuốc H-Capita là Trưởng phòng Quản lý kinh doanh Dược, bây giờ đã là Phó cục trưởng Cục quản lý Dược. Còn ông Trương Quốc Cường thời điểm ký công văn cho phép VN Pharma nhập 200.000 hộp thuốc H-Capita là Cục trưởng Cục quản lý Dược, bây giờ đã lên chức Thứ trưởng Bộ Y tế.

    Chủ toạ đã mời ông Đỗ Trung Hưng, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế, lên hỏi nguyên nhân. Theo ông Hưng, ông Nguyễn Tấn Đạt đã có văn bản xin phép vắng mặt tại toà. Còn ông Trương Quốc Cường thì không rõ đã nhận được giấy mời của toà hay chưa.

    Ông Đỗ Trung Hưng cho biết Bộ Y tế đã có văn bản trả lời một số vấn đề liên quan đến vụ án này. Do đó, chủ toạ nói: “Khi HĐXX hỏi phần nào thì ông giới thiệu người phụ trách mảng đó lên trả lời câu hỏi. Văn bản của ông nêu ra chỉ là từ 1 phía. Còn nhiều vấn đề liên quan cần làm rõ vì liên quan đến quyết định kháng nghị”.

    VN Pharma anh 4
    Ông Đỗ Trung Hưng, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế. Ảnh: Tùng Tin.

     


  • VKS làm rõ con dấu Helix xuất hiện trong công ty VN Pharma

    VKS tiếp tục xét hỏi bị cáo Bùi Ngọc Duy.

    VKS cho rằng biên bản bàn giao có con dấu của Helix, nhưng bị cáo Duy chỉ ký biên bản bàn giao, nếu nói trong văn bản đó có con dấu nước ngoài thì bị cáo không biết. Duy tiếp tục nói không nhớ về tư cách của mình khi ký trong biên bản bàn giao. Theo Duy, con dấu có từ thời Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển Phan Xuân Thiện.

    Được gọi lên đối chất, Nguyễn Minh Hùng nói sức khoẻ ổn định có thể trả lời câu hỏi. Hùng khai không biết công ty có 12 con dấu, trong đó có con dấu của Helix.

    VKS đề nghị đối chất với bà Hoàng Trúc Vy tuy nhiên bà Vy không có mặt. Đây là lần thứ 2 bà Vy vắng mặng nên chủ toạ cho rằng nhân chứng này không nghiêm túc tôn trọng hoạt động xét xử của toà.

    VKS tiếp tục công bố bút lục lời khai của Hưởng Thị Huyền Trang, nhân viên phòng Nghiên cứu phát triển. Trong đó, Trang khai đóng con dấu Helix do sự chỉ đạo của bị cáo Duy. Tuy nhiên, Bùi Ngọc Duy phủ nhận việc này.

    Bị cáo không chỉ đạo, con dấu họ bàn giao xong thì tiếp tục làm việc. Do thời điểm đó không có trưởng phòng, bị cáo được đưa lên làm tạm thời, chứ hoạt động vẫn theo trưởng phòng Phan Xuân Thiện”, Duy nói. 

    VN Pharma anh 5
    Bùi Ngọc Duy liên tục bị chủ toạ nhắc nhở về việc khai báo thiếu thành thật. Ảnh: Tùng Tin.

     


  • Bùi Ngọc Duy chỉ đạo xoá hết file liên quan đến H-Capita, vứt con dấu Helix?

    VKS công bố bút lục lời khai của nhân viên phòng Nghiên cứu phát triển cho rằng Bùi Ngọc Duy là người chỉ đạo xoá các file tư liệu liên quan đến thuốc H-Capita. Tuy nhiên, bị cáo Duy cho rằng chỉ là chỉ đạo nhân viên dọn dẹp lại cho gọn khi dọn về văn phòng mới.

    VKS cho rằng nếu chỉ dọn văn phòng thì không cần phải xoá hết tư liệu liên quan đến thuốc H-Capita. Duy khai giấy tờ không dùng đến thì cần dọn dẹp, tài liệu không còn tham khảo được thì xoá thôi.

    Không đồng tình với câu trả lời của Duy, VKS cho rằng Duy không phải là nhân viên kỹ thuật của VN Pharma, bị cáo thực thi công việc không thuốc thẩm quyền của mình. Tuy nhiên, Duy nói trong văn phòng khi sử dụng file lỗi thì có thể tự xoá chứ không phải xin phép.

    Ngoài ra, VKS cũng xét hỏi liên quan đến việc vứt con dấu Helix khỏi VN Pharma. VKS công bố lời khai cho rằng chính Phan Cẩm Loan đã đưa con dấu cho Duy. Tuy nhiên, tại toà, bị cáo Loan nhất mực phủ nhận, nói không biết về con dấu Helix.

    Bùi Ngọc Duy nói trong quá trình dọn dẹp, bị cáo vứt những thứ không dùng nữa. Duy khai không biết trong đó có bịch đựng con dấu. VKS nói: “Bị cáo có biết việc làm của bị cáo đã gây khó khăn cho quá trình điều tra không?”. Duy nói đến thời điểm này mới biết đó là những thứ liên quan đến vụ án.

    Sau phần xét hỏi Bùi Ngọc Duy, toà nghỉ giải lao 10 phút. Sau đó, HĐXX sẽ hỏi các cán bộ, nhân viên có liên quan đến Cục quản lý Dược.

    VN Pharma anh 6
    HĐXX xét hỏi Phan Cẩm Loan. Ảnh: Tùng Tin.

     

     

     



  • Bộ Y tế có đủ căn cứ để cấp phép cho Helix Canada hoạt động tại Việt Nam

    9h50, HĐXX tiếp tục phần hỏi các cá nhân liên quan trong Cục quản lý Dược, Bộ Y tế.

    Chủ toạ mời ông Đỗ Trung Hưng, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế trả lời câu hỏi liên quan đến thủ tục cấp phép hoạt động của Bộ Y tế cho Helix Canada. Theo ông Hưng, giấy phép của Bộ Y tế căn cứ trên nhiều thông tư, nghị định được quy định bởi Thủ tướng. Việc cấp phép cho Helix Canada dựa trên đề xuất của Cục quản lý Dược. Ông Đỗ Trung Hưng cũng khẳng định việc cấp phép cho Helix thông qua quá trình xét dựa vào quy trình chuẩn cấp giấy phép cho doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.

    Chủ toạ hỏi: Ông có suy nghị gì khi Bộ Ngoại giao xác minh công ty Helix Canada không có số ngày tháng đăng ký ghi trong giấy tờ nộp cho Cục quản lý Dược. Ông Hưng cho biết bộ có văn bản công bố con dấu công ty Helix, thành phần hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đã được hợp pháp hoá lãnh sự.

    Ông Đỗ Trung Hưng cũng xác nhận việc xác minh pháp nhân đối với công ty nước ngoài hoạt động tại VIệt Nam là bắt buộc. Khi nộp hồ sơ, công ty phải nộp giấy phép hoạt động.

    Với câu hỏi về việc có cần phải xác minh thông tin thực tế có đúng với hồ sơ nộp hay không, ông Hưng xin mời bà Phạm Thị Vân Hạnh, Phó trưởng phòng Quản lý kinh doanh của Cục quản lý Dược lên trả lời trực tiếp. 

     

  • Quy trình cấp phép cho Helix: Người ta nộp gì mình biết đó.

    Chủ toạ hỏi bà Phạm Thị Vân Hạnh (Phó trưởng phòng Quản lý kinh doanh thuộc Cục quản lý Dược).

    Chủ toạ: Hồ sơ xin cấp phép công ty nước ngoài tại Việt Nam như thế nào?

    Bà Hạnh: Điều kiện hồ sơ thủ tục thep Thông tư 17 năm 2001 có quy định cụ thể từng loại hồ sơ.

    Chủ tọa: Trong quá trình cấp phép, việc xác minh truy xuất nguồn gốc của công ty đăng ký như thế nào?

    Bà Hạnh: Căn cứ vào giấy tờ bên công ty nộp.

    Chủ toạ: Tóm lại người ta nộp gì mình biết đó?

    Bà Hạnh: Vâng.

    Chủ toạ: Vậy là không cần biết công ty đó có thật hay không, giấy tờ có hợp lệ hay không? Phải xem xét trách nhiệm của Cục quản lý Dược về việc này.  

    Bà Hạnh: Chúng tôi làm theo quy trình, để đơn giản hóa thủ tục hành chính

    Chủ tọa: Bà cho rằng Cục làm theo quy trình nhưng việc xác minh là không bắt buộc. Trong việc này Cục không làm thì có đúng quy định không?

    Bà Hạnh: Tôi không khẳng định được, tôi phải xem xét báo cáo mới trả lời được.

    VN Pharma anh 8
    Bà Phạm Thị Vân Hạnh, Phó tưởng phòng Quản lý kinh doanh, Cục quản lý Dược, Bộ Y tế. Ảnh: Tùng Tin.

     


  • Cục quản lý Dược: Việc nhập khẩu thuốc đúng quy trình

    Chủ toạ tiếp tục hỏi ông Đỗ Trung Hưng: Trước khi vụ án này xuất hiện, qua điều tra trước đó công ty VN Pharma được cấp phép 7 loại thuốc khác. Lý do tại sao sau khi khởi tố vụ án này thì mới rút 7 loại thuốc đó?

    Ông Hưng: Ngày 30/12/2013, cục có công văn cho phép VN Pharma nhập khẩu lô thuốc H-Capita. Qua xem xét cục thấy giá thuốc H-Capita kê khai và trúng thầu có sự chênh lệch. Gía thấp hơn thuốc cùng loại được sản xuất. Do vậy, cục đã nghi ngờ và mời đại diễn công ty làm việc.

    Chủ tọa: HĐXX đang hỏi 7 loại thuốc trước đó đã cấp cho công ty VN Pharma.

    Ông Hưng: Chúng tôi xin phép quý tòa cho mời ông Chu Đăng Chung

    Ông Chung: 7 sản phẩm được cấp vào năm 2014. Ngày 20/6/2016, căn cứ vào công văn của lãnh sự khẳng định thông tin FSC, ủy quyền không đúng nên cục ra quyết định rút hồ sơ của 7 loại thuốc đó.

    Chủ tọa: Khi biết hồ sơ là giả thì cục mới rút, nếu không có vụ án này thì 7 loại thuốc đó có rút không?

    Ông Chung: Căn cứ vào rất nhiều yếu tố để rút, trong quá trình lưu hành rồi mà phát hiện vi phạm thì cục sẽ rút lại thuốc đó.

    Chủ tọa: Quy trình xem xét hồ sơ để cho phép doanh nghiệp nhập khẩu thuốc vào Việt Nam như thế nào?

    Ông Chung: Quy trình xét đơn hàng nhập khẩu căn cứ vào văn bản pháp lý hiện hành.

    Chủ tọa: Trong quy trình xem xét thẩm định với doanh nghiệp nhập khẩu. Việc truy xuất nguồn gốc thuốc thì căn cứ vào đâu?

    Ông Chung: Căn cứ vào hồ sơ pháp lý: FSC, cơ quan quản lý phải thẩm định nội dung.

    Chủ tọa: Việc truy xuất nguồn gốc quan trọng không?

    Ông Chung: Nó nằm hết trên FSC, là tài liệu pháp lý chúng tôi được phép căn cứ. Ngoài ra, có cơ quan đại diện pháp lý ở nước ngoài có các giấy tờ chứng nhận.

    VN Pharma anh 9
    Ông Chu Đăng Chung. Ảnh: Tùng Tin.

     


  • Công bố tên của ba chuyên gia không ký vào biên bản thẩm định H-Capita

    Chủ tọa hỏi ông Đỗ Trung Hưng về 3 thành viên trong Hội đồng thẩm định thuốc H-Capita. “Việc này có công khai và đúng quy  trình không?”, chủ toạ hỏi.

    Theo ông Hưng, việc thông qua thẩm định không yêu cầu tất cả các thành viên tham gia quyết định. “Chỉ cần có 2 trên các thành viên tham gia thẩm định là được”.

    Chủ tọa: Vậy theo quan điểm của Bộ là quá bán là được. Ví dụ trong tổ có 10 người mà 3 người không đồng ý, không ký thì sẽ thế nào? Quá bán không?

    Ông Hưng: Trong quy chế khi tham gia thẩm định phải thể hiện ý kiến. Khi phát hiện ra hồ sơ có giả mạo thì phải thể hiện trong văn bản thẩm định và phải ký xác nhận. không đồng ý cũng phải thể hiện.

    Ông Hưng công bố ba chuyên gia không ký vào biên bản thẩm định:

    1.Nguyễn Diệu Hà (Nhóm thẩm định pháp chế, nhân viên Cục quản lý Dược)

    2.Nguyễn Thị Xuân Hoà (Thẩm định tiêu chuẩn chất lượng)

    3.Hoàng Thanh Mai (Chuyên gia thẩm định dược lý lâm sàng)

    Hội đồng có 10 chuyên gia giám định nhưng trong biên bản chỉ có 7 chuyên gia ký tên, 3 chuyên gia còn lại không ký cũng không có đánh giá đạt hay không đạt. Hồ sơ đăng ký lô thuốc giả nhưng Cục quản lý Dược không phát hiện ra, cục trưởng vẫn ký cho nhập khẩu lô thuốc là có dấu hiệu vi phạm nhiêm trọng.

    “Việc làm tắc trách của Cục Quản lý Dược đã tạo điều kiện cho công ty này thực hiện khống 7 hồ sơ thuốc khác”, đại diện VKS nhận định trong bản kháng nghị vụ án.

  • Phó phòng Pháp chế Bộ Y tế: Hồ sơ H-Capita thực hiện đúng quy trình

    Chủ toạ hỏi ông Đỗ Trung Hưng về quy trình cấp phép cho lô thuốc H-Capita.

    Ông Hưng cho biết: Khi tiếp nhận hồ sơ sẽ chuyển cho phòng kinh doanh Cục quản lý Dược. Phòng thực hiện giao hồ sơ cho tổ thẩm định (thư ký và tổ chuyên môn).

    Sau đó, tổ chuyên môn chung thực hiện theo các quy định để thẩm định tính pháp lý của hồ sơ. Tiếp đó, công văn gửi lên bộ hoàn thiện hồ sơ. Cuối cùng là chuyển lên xin ý kiến chuyên gia. Từ đó Cục quản lý Dược có báo cáo”.

    Chủ tọa nói: “HĐXX triệu tập ông Đạt nhưng không có mặt. Rất tiếc vì trong vụ án VN Pharma, ông Đạt là tổ trưởng tổ này. Là người phụ trách mảng pháp chế theo dõi tính pháp lý của Bộ Y tế, Với thuốc H-Capita thì có được cấp phép nhập khẩu không? Ông Đỗ Trung Hưng khẳng định: “Theo hồ sơ thì H-Capita đã thực hiện đúng quy trình”.

     

  • Chủ toạ mời ông Phan Công Chiến, Trưởng phòng Quản lý dinh doanh Cục quản lý Dược. Ông Chiến trước đây là tổ trưởng tổ quản lý hồ sơ.

    Ông Chiến là người tổng hợp các ý kiến được đưa trong hồ sơ để đưa ra kết luận. Chủ toạ hỏi: Trường hợp cụ thể, xét hồ sơ H-Capita thì ý kiến ông thế nào khi có sự mâu thuẫn về hạn sử dụng?

    Ông Chiến nói nội dung về hạn sử dụng và tiêu chuẩn chất lượng thuộc thẩm quyền Phòng pháp chế.

    Chủ tọa: Về thành phần tá dược, quy cách đóng gói thì căn cứ vào đâu?

    Ông Chiến: Thuộc tiêu chuẩn chất lượng, có phần mô tả.

    Chủ tọa: Ông phụ trách kiểm tra tính pháp lý hồ sơ, cụ thể là VN Pharma nhập H-Capita từ công ty Helix. Việc truy xuất nguồn gốc thuốc thì cục có biết không?

    Ông Chiến: Có làm. Căn cứ và thông tư 07 và quy trình 01 Cục quản lý Dược ban hành và quy chế 88.

    Chủ tọa: Trong hồ sơ VN Pharma nộp, nhập khẩu H-Capita từ công ty hết hạn ở Việt Nam thì sao?

    Ông Chiến: Tôi xem xét theo các quy định thì giấy phép hoạt động này còn hiệu lực. Giấy phép hoạt động hết hiệu lực thì phụ thuộc vào thông quan.

     

  • Chủ toạ yêu cầu Cục quản lý Dược chuẩn bị kỹ hồ sơ để trả lời HĐXX

    Trả lời các vấn đề pháp lý liên quan đến giấy phép, quá trình nhập khẩu thuốc của VN Pharma, đại diện Bộ Y tế Đỗ Trung Hưng nhiều lần ấp úng vì không nắm đủ hồ sơ. Ông Hưng cũng phải liên tục xin chủ toạ xuống hàng ghế dưới tìm kiếm các tài liệu. Vì việc này, chủ toạ nhắc nhở Cục quản lý Dược phải chuẩn bị đầy đủ hồ sơ để trả lời HĐXX. 

    Trong phần xét hỏi, VKS cũng cho biết HĐXX đã triệu tập rất nhiều cá nhân liên quan đến việc thẩm định thuốc H-Capita. Tuy nhiên, những người này không có mặt. VKS đánh giá đây là hành động thiếu nghiêm túc. 

    VN Pharma anh 10
    VKS hỏi nhiều đại diện của Bộ Y tế. Ảnh: Tùng Tin.

     


  • H-Capita nhập khẩu đúng quy trình, sai sót trong quá trình

    VKS hỏi ông Đỗ Trung Hưng về các căn cứ pháp lý của hoạt động cấp phép, nhập khẩu thuốc. Ông Hưng thừa nhận H-Capita được nhập khẩu đúng quy trình nhưng có sai sót trong quá trình.

    VKS cũng chất vấn về trách nhiệm của người đứng đầu Cục quản lý Dược. Ông Hưng vẫn tiếp tục khẳng định việc thẩm định, cấp giấy phép đúng quy trình. VKS hỏi quy trình cấp phép đặc trị ung thư có cần điều tra kỹ hồ sơ, ông Hưng trả lời quy trình giống nhau để đảm bảo chất lượng thuốc khi lưu hành.

    Liên quan đến biên bản thẩm định thuốc H-Capita, VKS chất vấn: “Ông nhìn văn bản thẩm định có sự nghiêm túc và trách nhiệm cao không?”. Ông Hưng nói rằng có sai sót của bộ phận hành chính. Với những câu hỏi liên quan đến các chi tiết trong hồ sơ, ông Hưng nhiều lần ấp úng, phải tìm kiếm và lật giở hồ sơ mang theo.

     

  • Viện Kiểm sát: Thứ trưởng Bộ Y tế và Cục trưởng Cục quản lý Dược vắng mặt là thiếu nghiêm túc

    Ông Nguyễn Văn Tùng (Viện trưởng Viện Hình sự, Viện KSND cấp cao) kết thúc phần hỏi các đại diện của Bộ Y tế. Tuy nhiên, đại diện VKS tỏ ra không hài lòng với câu trả lời này. Theo VKS, vẫn còn rất nhiều câu hỏi dành cho Bộ Y tế, Cục quản lý Dược vẫn chưa được giải đáp.

    HĐXX đã triệu tập nhiều người có liên quan, đặc biệt là Hội đồng thẩm định hồ sơ mà nhiều người vắng mặt, một số người có mặt thì không nắm rõ vụ việc, thông tin, hồ sơ. Việc này không có mặt là không nghiêm túc, đặc biệt là ông Trương Quốc Cường, ông Nguyễn Tấn Đạt là không nghiêm túc, đề nghị HĐXX có biện pháp nhắc nhở.

    Cuối phiên xử, ông Đỗ Trung Hưng cho biết Thứ trưởng Trương Quốc Cường báo không nhận được giấy mời của HĐXX. Tuy nhiên, Chủ toạ phiên toà cho rằng giấy mời được gửi đến Bộ Y tế cùng lúc với ông Nguyễn Tấn Đạt và những người khác. “Do đó, không có lý gì mà ông Cường không nhận được”, chủ toạ nói. 

     


  • Viện Kiểm sát: Thuốc ảnh hưởng đến bệnh nhân mang án tử, sao các ông vẫn ký?

    VKS tiếp tục đặt câu hỏi với bộ phận pháp chế của Bộ Y tế về việc công ty Austin (Hong Kong) hết hạn tại Việt Nam nhưng vẫn hoạt động, ông Đỗ Trung Hưng ấp úng không trả lời. Trong phần trả lời của mình tại toà, ông Hưng nói đã làm tròn trách nhiệm của mình trong lĩnh vực phụ trách.

    VKS hỏi ông Phan Công Chiến về việc thiếu các chữ ký trong biên bản thẩm định thuốc H-Capita. “Bà Hà, chuyên gia thẩm định, không có ý kiến, không ký mà tại sao ông vẫn ký vào hồ sơ. Ông có đề nghị bà Hà giải trình vì sao không ký không?”. Ông Chiến nói không yêu cầu bà Hà giải trình, ông ký trên cơ sở hồ sơ sẵn có.

    VKS hỏi: Thuốc ảnh hưởng đến bệnh nhân mang án tử, có 1 chuyên gia không ký tên mà ông vẫn ký thì trách nhiệm như thế nào? Với câu hỏi này, ông Chiến ấp úng.

Nhóm Phóng viên

Bạn có thể quan tâm