Phương pháp chụp não mới được phát triển bởi một nhóm các nhà khoa học thuộc Đại học North Carolina (Mỹ), đưa ra kết quả có độ chính xác lên tới 96% ở trẻ 6 tháng tuổi, chính xác hơn nhiều so với các phương pháp khác.
Với những thông tin này, các chuyên gia có thể đánh giá được những bất thường nhất định trong não của đứa trẻ, từ đó có thể dự đoán nguy cơ mắc chứng tự kỷ trước khi bé hai tuổi.
Phương pháp chụp não mới đưa ra kết quả bệnh tự kỷ chính xác lên tới 96% ở trẻ 6 tháng tuổi. Ảnh: Stephen Matthews/Daily Mail. |
Theo một nghiên cứu trước đây của Đại học North Carolina, được công bố trên tạp chí Nature số tháng 2, các nhà khoa học đã dự đoán khả năng mắc chứng tự kỷ ở trẻ nhỏ bằng cách sử dụng máy chụp MRI. Tuy nhiên, phương pháp này không đạt được như kỳ vọng của các nhà khoa học vì nó không dự đoán được với những đứa trẻ dưới một tuổi.
Cụ thể, trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học đặt những đứa trẻ đang ngủ trong một máy chụp MRI khoảng 15 phút để xem hoạt động của hệ thần kinh trên 230 vùng não khác nhau.
Họ sẽ tiến hành phân tích những vùng não khác nhau được đồng bộ với nhau như thế nào. Sự đồng bộ này phản ánh khả năng điều phối của các vùng não. Đây là điều quan trọng đối với nhận thức, ghi nhớ, hành vi và có thể được quan sát trong quá trình trẻ ngủ.
Sau đó, các nhà nghiên cứu tập trung vào các vùng não liên quan đến đặc điểm của chứng tự kỷ như khả năng ngôn ngữ, hành vi lặp đi lặp lại và hành vi xã hội. Các thông tin này sẽ được phân tích dựa trên một cơ sở dữ liệu do các nhà nghiên cứu thu thập, để phân loại sự khác biệt khả năng đồng bộ giữa những vùng não quan trọng này.
Những nhà khoa học này đang lập kế hoạch mở rộng cơ sở dữ liệu để nâng cao độ chính xác về khả năng dự đoán trong thời gian tới.
Chứng tự kỷ (Autism Spectrum Disorder-ASD) hay còn gọi là rối loạn phổ tự kỷ, là một thuật ngữ dùng để mô tả các khiếm khuyết của não bộ, bao gồm rất nhiều dạng thiếu năng lực hành vi và năng lực xã hội. Những người mắc ASD thường gặp vấn đề trong việc tương tác và khả năng giao tiếp với xã hội, thường đi kèm với việc lặp đi lặp lại một số hành vi.
Ước tính tỷ lệ mắc chứng tự kỷ là 1/68 trẻ trong độ tuổi dưới 8. Nguyên nhân gây ra chứng tự kỷ chưa được xác định rõ ràng. Đến nay việc chẩn đoán chính xác tự kỷ chỉ khi đứa trẻ bắt đầu phát triển những hành vi xã hội phức tạp hơn, thường là 2 tuổi.
Chưa có phương pháp chữa trị tự kỷ, nhưng các chuyên gia cho biết việc can thiệp sớm cùng với các liệu pháp chuyên biệt sẽ giúp phát triển các kỹ năng giao tiếp và xã hội quan trọng. Đây là cơ sở để các bậc phụ huynh chuẩn bị cho con mình những kỹ năng cần thiết nhằm cải thiện khả năng hành vi giao tiếp và xã hội của trẻ.