Phương pháp hạn chế sự xâm lấn có nguyên lý thực hiện khá giống với các ca phẫu thuật nội soi thông thường, từng được áp dụng rất thành công ở Mỹ và cứu sống được hàng nghìn bệnh nhân. Bệnh viện King's College (London) sẽ là nơi đầu tiên ở châu Âu tiến hành áp dụng kỹ thuật mới này vào tháng 5.
BrainPath bao gồm một đầu dò kim loại bên trong vỏ bọc bằng nhựa dạng ống, được dẫn vào trong não thông qua một lỗ có đường kính 19 mm trên hộp sọ.
Thông qua công nghệ MRI 3D thời gian thực, bác sĩ phẫu thuật có thể xác định một cách chính xác vị trí của khối u và đặt thiết bị vào trong tổ chức não mà không cần cắt và đụng chạm tới bất kỳ mạch máu hay dây thần kinh nào.
Khi đã xác định chính xác vị trí khối u, đầu dò sẽ được rút ra và bác sĩ phẫu thuật có thể tiếp cận khối u qua ống một cách an toàn.
Sử dụng BrainPath, các bác sĩ phẫu thuật có thể loại bỏ khối u não mà không cần mở hộp sọ. Ảnh: Daily Mail. |
Ranjeev Bhangoo, Trưởng khoa phẫu thuật thần kinh, Bệnh viện King's College nói: “Hiện nay, phẫu thuật vẫn được coi là biện pháp tối ưu nhất trong việc điều trị u não. Do đó, công nghệ này sẽ mang đến một cuộc cách mạng trong phẫu thuật thần kinh và cho phép chúng tôi cứu sống được nhiều bệnh nhân hơn trong tương lai”.
Ông Bhangoo chia sẻ các ca phẫu thuật não trước đây đòi hỏi phải mở hộp sọ, cho dù bác sĩ có cẩn thận đến đâu thì cũng khó có thể dám chắc rằng ca phẫu thuật sẽ không làm tổn hại đến mô não, các dây thần kinh và mạch máu. Công nghệ này cũng có thể được sử dụng để loại bỏ máu tụ nằm sâu trong não, thường không thể thực hiện phẫu thuật thông thường.
Thêm nữa, công nghệ mới này có thể làm giảm một nửa thời gian hồi phục đối với bệnh nhân bị u não và chảy máu não.
Tại Mỹ, với việc áp dụng BrainPath, thời gian nằm viện của bệnh nhân giảm từ năm ngày xuống còn ba ngày so với phẫu thuật não truyền thống và thời gian chăm sóc đặc biệt giảm từ hai ngày xuống còn một ngày.
U não có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến nhất ở hai nhóm tuổi: trẻ em dưới 8 tuổi và người lớn từ 40-70 tuổi. U não thường gặp nhất ở trẻ em, chỉ sau ung thư bạch cầu (hay còn gọi là ung thư máu-Leukemia). Theo thống kê, chỉ có khoảng 20% người trưởng thành có thể sống sót sau 5 năm kể từ khi được chẩn đoán mắc u não ác tính.
Hiện chưa rõ nguyên nhân chính xác gây ra u não, nhưng theo nhiều nghiên cứu có thể chỉ ra một số yếu tố nguy cơ nhất định có thể làm tăng nguy cơ phát triển u não như: tiếp xúc với môi trường phóng xạ, hóa chất độc hại (Formaldehyde, Acrylonitrile, Vinyl chloride,..)…
Các triệu chứng do u não gây ra còn tuỳ thuộc vào kích thước, vị trí và loại khối u. Các triệu chứng xuất hiện khi khối u phát triển và chèn ép lên các dây thần kinh hoặc một số vùng riêng biệt của não bộ. Những triệu chứng thường gặp nhất của u não là nhức đầu, buồn nôn, suy giảm thị giác và thính giác, mất thăng bằng, khó khăn khi đi lại, rối loạn trí nhớ, rối loạn giấc ngủ, giảm khả năng tập trung, co giật, tê bại tay chân,…
Các triệu chứng này không chỉ riêng đối với u não mà cũng có thể do một số bệnh khác gây ra. Do đó, khi có các dấu hiệu trên, chúng ta cần gặp bác sĩ để có được chẩn đoán chính xác và phương pháp điều trị thích hợp.