Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phương pháp phục hồi thần kinh hậu Covid-19

Sau khi khỏi Covid-19, các biểu hiện của rối loạn thần kinh như đau đầu, khó ngủ,... gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống người bệnh.

Dịch Covid-19 tại Việt Nam đang có những tín hiệu lạc quan khi số ca mắc giảm rõ rệt cùng số ca diễn biến nặng, tử vong ở mức thấp. Dẫu vậy, những ảnh hưởng của SARS-CoV-2 tới người từng nhiễm virus này vẫn còn rất nặng nề, đặc biệt về mặt thần kinh.

Thói quen sinh hoạt bị ảnh hưởng

Theo bác sĩ Trần Văn Bắc, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, các triệu chứng hậu Covid-19 thường diễn ra khoảng 4 tuần hoặc nhiều hơn sau khi người bệnh âm tính. Các triệu chứng này diễn ra ở 5-80% người mắc Covid-19.

“Các biểu hiện của hậu Covid-19 rất đa dạng. Một số triệu chứng xuất hiện đồng thời và ở nhiều giai đoạn, thậm chí tái phát, gây khó khăn cho việc định nghĩa và chẩn đoán”, bác sĩ Bắc nhận định.

Về tình trạng rối loạn thần kinh hậu Covid-19, vị chuyên gia này cho biết một số biểu hiện tiêu biểu có thể kể đến là rối loạn trí nhớ, giảm sự tập trung, đau đầu thường xuyên, thay đổi cảm giác da, mệt mỏi kéo dài,...

roi loan than kinh hau covid-19 anh 1

Bác sĩ Trần Văn Bắc, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Thạch Thảo.

Phó trưởng khoa Cấp cứu thông tin: “Nhiều người xuất hiện các triệu chứng rối loạn thần kinh ở tuổi dưới 50. Nhóm này trước đó cũng hoàn toàn khỏe mạnh và hoạt bát. Các triệu chứng này đa phần chỉ biểu hiện nhẹ trong giai đoạn cấp tính và không phải nhập viện”.

Đến nay, sinh bệnh học dẫn đến các hiện tượng này vẫn chưa được ngành y tế hiểu rõ. Tuy nhiên, một số suy đoán được các chuyên gia đưa ra là do hoạt hóa miễn dịch kéo dài, hiện tượng rối loạn tự miễn dịch, hoạt hóa tế bào nội mô tiến triển gây ra rối loạn mạch máu.

Đáng chú ý, một số tổn thương về mặt thần kinh có thể làm tăng nguy cơ hoặc kích hoạt các tiến triển của bệnh Alzheimer hay Parkinson trong tương lai.

Đối với trẻ em, nhóm này còn đứng trước nguy cơ mắc hội chứng hiếm gặp là MIS-C, di chứng thần kinh do hoạt hóa nội mô hệ thống, thường liên quan đến cả tế bào não.

Theo bác sĩ Bắc, một số biểu hiện thần kinh hậu Covid-19 thường gặp nhất là đau đầu, rối loạn giấc ngủ, brain fog (sương mù não), mệt mỏi, mất hoặc bất thường về khứu giác, mất vị giác, chóng mặt, cảm giác kiến bò, tê bì, yếu cơ,...

Đáng nói hơn, theo một nghiên cứu năm 2021, tỷ lệ người có di chứng hậu Covid-19 rơi vào trạng thái “sương mù não” lên tới 81%, cao nhất trong số các triệu chứng của rối loạn thần kinh kể trên.

Cảnh giác “sương mù não”

Bác sĩ Bắc cho biết “sương mù não” là tình trạng đầu óc không thể ghi nhớ, phân tích nhạy bén hoặc thiếu tập trung của người từng mắc Covid-19. Tình trạng này là một nhóm triệu chứng gồm:

  • Giảm sự tập trung
  • Thay đổi cảm giác
  • Suy nghĩ chậm hơn bình thường
  • Suy luận mù mờ
  • Hay quên
  • Khả năng ngôn ngữ suy giảm
  • Mệt mỏi về tinh thần

“Sương mù não hầu như không được phát hiện tổn thương thông qua hình ảnh chụp CT hay MRI”, bác sĩ Bắc nói.

Vị chuyên gia lấy ví dụ về 2 ca hậu Covid-19 có thâm hụt nhận thức là nam, 45 tuổi và 43 tuổi. Cả 2 bệnh nhân này đều được chụp MRI nhưng không phát hiện tổn thương. Phim FDG PET thấy các vùng giảm chuyển hóa thuộc vùng đai của vỏ não.

roi loan than kinh hau covid-19 anh 2

Hình ảnh chụp PET của 2 bệnh nhân có bất thường vùng đai vỏ não. Ảnh: BSCC.

Từ đây, vị chuyên gia cũng gợi ý một số phương pháp điều trị khi gặp tình huống này là uống nhiều nước, điều chỉnh các rối loạn về giấc ngủ, hạn chế chất kích thích gồm rượu, bia, thuốc lá, caffeine, xây dựng chế độ ăn cân đối, luyện tập thể dục và điều chỉnh các rối loạn lo âu, stress,...

Bên cạnh “sương mù não”, một số bệnh nhân có tình trạng mệt mỏi kéo dài, đặc biệt là trường hợp từng phải điều trị hồi sức tích cực.

Với nhóm này, bác sĩ Bắc cho biết đa phần không cần can thiệp nội khoa, chủ yếu phục hồi chức năng, điều chỉnh chế độ sinh hoạt, ăn uống, tập luyện,...

Đáng chú ý, một số trường hợp mệt mỏi kéo dài còn kèm theo trầm cảm. Lúc này, các bác sĩ có thể phải kê thêm các loại thuốc chống trầm cảm liều thấp.

Trong khi đó, một số bệnh nhân mệt mỏi kéo dài kèm theo đau người có thể cũng được kê thêm các loại thuốc chống viêm hoặc giảm đau.

Một biểu hiện tiêu biểu khác của rối loạn thần kinh hậu Covid-19 là rối loạn vị giác, khứu giác. Phần lớn tình trạng này sẽ tự khỏi sau khoảng một tháng.

Tuy nhiên, một số bệnh nhân bị rối loạn khứu giác kéo dài có thể phải thực hành thêm một số bài tập khứu giác để cải thiện tình hình. Ngoài ra, một số cách điều trị cũng có thể áp dụng là dùng thuốc nhỏ mũi betamethasone kết hợp ambroxol, rinazine hay xử lý bằng fluticasone.

Điều nên tránh để cải thiện giấc ngủ hậu Covid-19

Ngủ không đủ, tỉnh giấc nhiều lần trong đêm, thiếu tập trung là những dấu hiệu của tình trạng rối loạn giấc ngủ mà nhiều người gặp phải sau khi khỏi Covid-19.

Quốc Toàn

Bạn có thể quan tâm