Theo kết quả Tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc 2017-2020 được Bộ Y tế công bố hồi tháng 4 vừa qua, sau 10 năm, chiều cao của thanh niên Việt Nam đã có sự thay đổi đáng kể ở nhóm nam 18 tuổi.
Cụ thể, năm 2020, chiều cao trung bình của nhóm nam thanh niên đạt 168,1 cm, tăng 3,7 cm so với năm 2010. Trong khi đó, chiều cao của nhóm nữ thanh niên đạt 156,2 cm (năm 2010 là 154,8 cm).
Trao đổi với Zing, tiến sĩ, bác sĩ Lưu Thị Mỹ Thục, Trưởng khoa Dinh dưỡng Lâm sàng, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho rằng kết quả này có được là nhờ sự phát triển của xã hội. Ngoài ra, người dân cũng đã có ý thức và kiến thức tốt hơn trong việc ăn phối hợp các chất dinh dưỡng.
Người Việt có thể cao hơn trong tương lai
Giải thích về những con số trên, tiến sĩ Thục cho biết về mặt lý thuyết, sự phát triển của chiều cao mang khuynh hướng thế tục. Điều này nghĩa là khi xã hội và kinh tế phát triển, thế hệ sau sẽ cao hơn thế hệ trước, chưa cần xét đến những yếu tố khác.
“Tất nhiên, tình trạng này sẽ không kéo dài mãi. Ở một số quốc gia phát triển như Anh, Mỹ..., tốc độ tăng chiều cao trung bình đã giảm rất nhiều”, vị chuyên gia này nói thêm.
Chiều cao trung bình tại một số quốc gia phát triển không còn tăng nhanh trong những năm gần đây. Ảnh: TMS. |
Bên cạnh yếu tố xã hội, dinh dưỡng cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển chiều cao của con người. Một chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ đóng góp khoảng 30% vào chiều cao của mỗi người. Từ đây, việc bổ sung dinh dưỡng cho trẻ như thế nào cũng đặt ra nhiều câu hỏi cho các phụ huynh.
Tiến sĩ Thục chia sẻ: “Trên thực tế, người dân, cả ở nông thôn và thành thị, đã quan tâm nhiều hơn về vấn đề dinh dưỡng. Ngày nay, họ được cập nhật nhiều kiến thức mới, đời sống cũng phát triển hơn, điều kiện kinh tế được đảm bảo, từ đó bắt đầu có ý thức về việc ăn uống kết hợp các chất dinh dưỡng để tối ưu chiều cao”.
Cần đảm bảo dinh dưỡng trong mọi giai đoạn để tối ưu chiều cao
Theo tiến sĩ Lưu Thị Mỹ Thục, việc đảm bảo dinh dưỡng nhằm phát triển chiều cao là một quá trình dài kể từ thời điểm trẻ trong bụng mẹ đến độ tuổi trưởng thành.
Cụ thể, vị chuyên gia này khẳng định trong thời kỳ mang thai, dinh dưỡng của em bé phụ thuộc toàn bộ vào người mẹ. Lúc này, bà mẹ sẽ phải ăn cho cả phần của bé, đảm bảo bào thai được nuôi dưỡng tốt. Từ đó, sau khi chào đời, bé mới có thể đạt cân nặng cũng như chiều cao tiêu chuẩn.
Sau đó, tốc độ phát triển của trẻ trong 2 năm đầu đời cũng quyết định rất nhiều về chiều cao tương lai.
“Khi em bé kết thúc tuổi thứ 2, chiều cao của trẻ sẽ đạt 50% so với thời điểm trưởng thành. Tới khi hết năm 3 tuổi, tỷ lệ này đã đạt 65%. Điều này cho thấy tốc độ phát triển chiều cao của trẻ trong thời gian này là rất nhanh”, tiến sĩ Thục cho biết.
Việc đầu tư cho dinh dưỡng cần được kéo dài trong nhiều giai đoạn phát triển để tối ưu chiều cao. Ảnh: HIC. |
Do đó, Trưởng khoa Dinh dưỡng Lâm sàng, Bệnh viện Nhi Trung ương, khuyến cáo phụ huynh cần luôn đảm bảo dinh dưỡng tối ưu cho trẻ. Nếu bỏ lỡ giai đoạn này, việc bắt kịp tốc độ phát triển chiều cao của trẻ là rất khó.
Giai đoạn trẻ 3-5 tuổi là thời điểm chuẩn bị vào lớp một. Lúc này, nhiều bà mẹ cho bé tập trung vào việc học và ít chú ý tới vấn đề dinh dưỡng. Tình trạng này lại tiếp diễn khi trẻ vào tiểu học. Tuy nhiên, bà cho hay đây lại là giai đoạn dự trữ cho xương, giúp chiều cao phát triển nhảy vọt.
Tới thời điểm trẻ lên cấp 2, tiến sĩ Thục cho biết nhiều phụ huynh lại chú ý nhiều hơn tới chiều cao của con. Tuy nhiên, việc đẩy mạnh vấn đề dinh dưỡng cho con nhưng không đảm bảo tính hợp lý lúc này sẽ dễ dẫn đến tình trạng thừa cân, béo phì.
Vị chuyên gia nhấn mạnh: “Đây là một quá trình dài, cần cân đối các yếu tố và phải đảm bảo dinh dưỡng ở mọi giai đoạn. Chế độ ăn phải đa dạng các loại thực phẩm, ít nhất 4 nhóm dinh dưỡng chính. Ngoài ra, chúng ta cần đảm bảo ít nhất một bữa ăn cân đối nếu quá bận rộn”.
Ngoài yếu tố về gene không thể cải thiện, bà cũng bổ sung một vấn đề có thể tác động tới chiều cao của trẻ là hoạt động thể lực.
“Việc tăng cường hoạt động thể lực giúp máu lưu thông vào xương nhiều hơn, từ đó vận chuyển các chất dinh dưỡng tới bộ phận này. Thông qua hoạt động thể lực, cơ thể cũng chuyển hóa dinh dưỡng tốt hơn”, tiến sĩ Thục giải thích.
Ngoài ra, bà cho biết thêm các hoạt động thể lực ngoài trời cũng giúp trẻ hấp thu vitamin D tốt hơn con đường từ thực phẩm.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy còn nhiều vấn đề và khó khăn như trẻ em ở thành phố phải dành quá nhiều thời gian cho việc học trong trường, bố mẹ bận rộn và người con thường xuyên phải sử dụng đồ ăn nhanh để tiết kiệm thời gian. Ngược lại, trẻ ở nông thôn có nhiều thời gian hoạt động ngoài trời hơn, chế độ dinh dưỡng tự nhiên giúp các bé đảm bảo tỷ lệ canxi, vitamin D...
Vị chuyên gia kết luận: “Có thể thấy, để tối ưu sự phát triển chiều cao của trẻ sẽ đòi hỏi cha mẹ cần tổng hòa nhiều yếu tố khác nhau và đầu tư một cách đều đặn”.