Cô Trương Phương Hạnh. Ảnh: VietNamNet. |
Lãnh đạo Phòng GD&ĐT quận 1 xác nhận vụ việc chưa được xử lý xong và sẽ tiếp tục đình chỉ công tác đối với cô giáo Trương Phương Hạnh để xác minh, làm rõ đơn phản ánh, nhằm ổn định tình hình phụ huynh, học sinh.
Về phía cô Trương Phương Hạnh cho biết đang bị tạm đình chỉ, chờ quyết định tiếp theo.
Cô Trương Phương Hạnh là giáo viên chủ nhiệm lớp 4/3, khối trưởng khối 4, trường Tiểu học Chương Dương, bị hơn 20 phụ huynh lớp 4/3 đứng chung đơn phản ánh lên hiệu trưởng xin đổi chủ nhiệm. Lý do là cô đề nghị phụ huynh ủng hộ mua laptop, nhưng khi có ý kiến không đồng ý thì không soạn đề cương ôn tập cho học sinh.
Sự việc diễn ra cách đây một tháng. Trong buổi họp phụ huynh đầu năm của lớp 4/3 (diễn ra ngày 14/9), cô Hạnh đề nghị phụ huynh hỗ trợ 1 laptop trị giá 4-5 triệu đồng, máy in tài liệu và hỗ trợ cô bảo mẫu của lớp 300.000 đồng/tháng. Lúc đó, phụ huynh có ý kiến rằng máy in đã được trang bị từ lớp 3, cô giáo nên liên hệ giáo viên chủ nhiệm cũ để xin lại cho lớp.
Phụ huynh tính toán rằng với chiếc laptop giá 5-6 triệu đồng, mỗi người sẽ phải đóng góp từ 200.000-300.000 đồng. Tuy nhiên, vì còn góp vào việc khác, phụ huynh phải đóng 500.000 đồng/người.
Có 29 phụ huynh đã đóng tiền, tổng cộng 14,5 triệu đồng. Cô Hạnh đưa cô bảo mẫu 300.000 đồng, đóng quỹ khuyến học 500.000 đồng, giữ 13,7 triệu đồng. Nữ giáo viên này nói xin 6 triệu đồng từ số tiền này để mua laptop trị giá 11 triệu đồng (5 triệu đồng còn lại cô tự bỏ ra) và muốn chiếc laptop này là của riêng cô.
Có 26 phụ huynh đồng ý, 3 người không đồng ý, còn 9 phụ huynh không nêu ý kiến. Vì vậy, nữ giáo viên đã “dỗi” và nói sẽ không soạn đề cương ôn tập cho học sinh. Đơn tố của phụ huynh cũng nêu cô Hạnh còn bán đồ ăn trong lớp cho học sinh như mì tôm, xúc xích…
Nữ giáo viên này chia sẻ với VietNamNet rằng xin tiền phụ huynh mua laptop vì nghĩ "đấy là xã hội hoá giáo dục". Theo cô, việc bị phụ huynh phản ánh lên hiệu trưởng do không nhận tiền mua laptop, nếu nhận của phụ huynh thì mọi chuyện đã không xảy ra.
Đối với việc bán xúc xích, mì gói cho học sinh, theo lý giải của cô Hạnh, nhà cô ở xa nên có những lúc đến trường chưa ăn sáng. Vì vậy, cô luôn “thủ” sẵn mấy gói mì để hôm nào không kịp ăn sáng thì vào trường nấu ăn. Học sinh thấy vậy cũng lên nói "cô ơi con đói quá, cô nấu cho con gói mì” nên cô đã nấu mì cho học sinh ăn. Một hộp mì và một cây xúc xích là 20.000 đồng. Học sinh có tiền thì trả còn không có thì thôi.
Sau khi sự việc vỡ lở, trường Tiểu học Chương Dương có quyết định tạm đình chỉ công tác đối với viên chức. Theo đó, cô Trương Phương Hạnh bị tạm đình chỉ 15 ngày. Thời gian đình chỉ từ ngày 1-15/9.
Phòng GD&ĐT quận 1 cũng tổ chức thông tin cho báo chí và cho biết UBND quận 1 đã thống nhất chỉ đạo đối với trường hợp xảy ra ở trường Tiểu học Chương Dương là kiên quyết xử lý, trường hợp vi phạm pháp luật (nếu có), không bao che các hành vi vi phạm, công khai, minh bạch, làm rõ thông tin dư luận.
Sách về nghề giáo
Nếu độc giả có hứng thú với nghề giáo - một nghề nghiệp đặc biệt và đang trải qua những biến động lớn, mục Giáo dục giới thiệu một số lựa chọn:
Xin được nói thẳng (GS Hoàng Tụy) và Ước vọng cho học đường (GS Huỳnh Như Phương): Cuốn sách của hai nhà giáo tiên phong tại Việt Nam với nhiều suy nghĩ và những trăn trở của hai ông về tương lai nền giáo dục nước nhà.
Nghề giáo qua các tác phẩm thiếu nhi nổi tiếng: Tình thầy trò trong các tác phẩm văn chương nổi tiếng khiến độc giả cảm động bởi các nhân vật đã làm được những việc lớn lao, vượt xa chức trách của một giáo viên.