Frozen - Nữ hoàng Băng Giá là bộ phim phiêu lưu kỳ thú được xây dựng dựa trên câu chuyện cổ tích lừng danh The Snow Queen vốn rất được yêu thích của nhà văn Hans Christian Andersen.
Bộ phim kể về hành trình của cô gái trẻ Anna gan dạ đi tìm kiếm chị gái của mình là Bà Chúa Tuyết Elsa – người trị vị vương quốc Arendelle – có quyền năng điều khiển gió và băng tuyết nhưng hiện đang mắc kẹt trong vương quốc mùa đông vĩnh cửu vì một lời nguyền vô tình.
Đồng hành với Anna trong hành trình khó khăn đó là anh chàng leo núi Krisoff, chú tuần lộc Sven trung thành vui nhộn và người tuyết đầy hài hước Olaf. Tại miền đất có khí hậu khắc nghiệt hệt như trên đỉnh Everest đó, họ đã gặp rất nhiều thử thách gian nan và đã phải chiến đấu rất kiên cường để có thể giải cứu vương quốc.
Một câu chuyện cổ tích đương đại
Với Frozen, các nhà làm phim đã giữ lại những giá trị tình cảm của câu chuyện cũ nhưng tái dựng lại nó với tinh thần hiện đại của Disney, như họ đã từng làm với The Little Mermaid – một câu chuyện khác của tác giả Andersen đã được chuyển thể lên màn ảnh rộng vào năm 1989.
“Chúng tôi muốn phim của mình phù hợp với cả thời điểm hiện tại lẫn nhiều năm tiếp theo sau này, để tất cả mọi người xem phim đều sẽ thấu hiểu. Chúng tôi nhận ra rằng mọi nỗi sợ hãi trên đời đều xuất phát từ những điều khiến ta cảm thấy bi quan, tiêu cực và đe dọa tới các mối quan hệ của chúng ta. Tất cả các phân cảnh trong bộ phim này, theo một cách nào đó, đều nhằm truyền tải ý nghĩa chủ đạo của bộ phim: tình cảm gia đình và tình yêu thương sẽ chiến thắng mọi sự sợ hãi”, Jenifer Lee – người lúc đầu tham gia dự án với cương vị tác giả kịch bản, sau đó đã đảm nhận vị trí đồng đạo diễn đã cho biết.
Trong phim, nhân vật Elsa đã hoàn toàn mất khả năng kiểm soát quyền năng tạo ra bão tuyết của mình và cô đã vô tình gây ra một thảm kịch nghiêm trọng trong lúc cùng vui chơi với Anna khi còn nhỏ. Pháp thuật của Elsa đã khiến cho Anna bé nhỏ vô cùng thích thú – cô bé đã tạo nên cậu người tuyết xinh xắn để 2 chị em cùng vui chơi trên con dốc phủ đầy tuyết bên nhà. Nhưng mọi thứ đã vượt khỏi tầm kiểm soát của Elsa và Anna đã bị thương. Elsa sống trong tâm trạng vô cùng sợ hãi rằng mình có thể làm tổn thương Anna thêm một lần nữa. Và từ đó, cô luôn tìm cách lánh mặt người mà mình yêu thương nhất. “Nhưng Anna thì không hề nhớ được những điều đã xảy ra và khi lớn lên, cô bé đã tìm mọi cách để tìm lại người chị gái của mình”, đạo diễn Buck chia sẻ.
Kristen Anderson-Lopez – đồng tác giả kịch bản nhớ lại: “Chúng tôi biết mình phải đi sâu vào việc khai thác nội tâm của Anna và tìm hiểu rõ hơn về tâm lý, cảm xúc của nhân vật này để biết được mảnh ghép còn khuyết trong thế giới của cô gái ấy. Khoảnh khắc hai chị em đứng ở hai bên của một cánh cửa đang chuẩn bị đóng sập chính là một trong những giây phút cảm động nhất trong bộ phim này”.
Câu chuyện của gia đình bị li tán giờ đã đến bước ngoặt quan trọng khi Anna gặp lại Elsa, quyết tâm giải cứu chị gái của mình khỏi sự dằn vặt ám ảnh và hé lộ cho khán giả về bí mật mà Elsa luôn muốn chôn dấu. Trong cuộc hành trình đó, Anna đã nhận được sự hỗ trợ của Kristoff – chàng thanh niên miền núi luôn có ý nghĩ thà rằng mình không tham gia chuyến đi này còn hơn. Kristoff cùng với Anna đã phải đương đầu với khí hậu khắc nghiệt và lũ chó sói hung dữ.
Và cũng trong hành trình đó, một người tuyết vừa lạ vừa quen đột nhiên xuất hiện, gây ngạc nhiên cho cả Kristoff, Anna lẫn khán giả xem phim. Đạo diễn Lee chia sẻ: “Sau khi Elsa rời bỏ Arendelle, cô bắt đầu thử nghiệm những phép thuật mà cô đã cố che dấu trong suốt một thời gian dài. Người tuyết mà cô tạo ra dựa trên chính những kỷ niệm về quãng thời gian hạnh phúc mà cô và Anna đã có lúc còn nhỏ. Olaf là hiện thân của sự ngây thơ và niềm vui của thời thơ ấu. Cậu ta hài hước và đáng yêu vô cùng, như một đứa trẻ tinh nghịch, không hề bị ảnh hưởng bởi thế giới bên ngoài. Nhân vật này không hề phải chiến đấu vượt qua nỗi sợ hãi nào hết, vì cậu ấy chính là tình yêu”.
Những nhân vật sống động
Đảm nhận trọng trách “thổi hồn” cho các nhân vật của Frozen là một dàn diễn viên lồng tiếng tài ba. Một nhóm những họa sĩ và chuyên gia đồ họa ưu tú đã miệt mài nghiên cứu và sáng tạo để xây dựng nên những nhân vật sống động như thật, khiến người xem thực sự có thể cảm nhận được tâm hồn của chúng. Khán giả có thể thấy qua từng nhân vật trong phim.
Anna - không dịu dàng hay yểu điệu như các nữ nhân vật thường xuất hiện trong các câu chuyện cổ tích, Anna gan dạ và thường xuyên hành động trước khi kịp suy nghĩ. Nhưng đó là mẫu người chu đáo và lạc quan nhất mà chúng ta từng biết. Cô ấy khao khát có thể tìm lại người chị gái Elsa mà mình vô cùng yêu quý và gắn bó thân thiết suốt thời ấu thơ.
Elsa - thoạt nhìn bề ngoài có vẻ là một con người điềm đạm, quyền uy và kín đáo. Elsa vốn có pháp thuật tạo ra băng tuyết – đó vừa là một quyền năng tuyệt vời nhưng cũng lại vô cùng nguy hiểm. Nên trong thực tế, bấy lâu nay Elsa luôn sống trong nỗi sợ hãi và ân hận về lỗi lầm mình đã vô tình gây ra trong quá khứ.
Hay như Kristoff - là một nhân vật yêu tự do đích thực. Cậu sống trên vùng núi cao và mưu sinh bằng cách thu nhặt các tảng băng trên núi rồi xuống bán lại cho kinh đô Arendelle. Kristoff mạnh mẽ và luôn làm theo những gì trái tim mình mách bảo. Tưởng như cậu là một con người cô độc nhưng thực ra bên cậu lúc nào cũng có một người bạn vô cùng thân thiết – chú tuần lộc lôi thôi lếch thếch tên là Sven.
Với những công nghệ tiên tiến nhất, đội ngũ họa sĩ đã có thể tạo hình và khắc họa những chi tiết biểu cảm tinh tế trên gương mặt của từng nhân vật cũng như sự thay đổi dù là rất nhỏ, ví dụ như âm lượng của giọng nói hay những thay đổi trong suy nghĩ… được thể hiện qua ánh mắt của nhân vật, để tạo nên nét riêng thú vị.
Bối cảnh lung linh và âm nhạc "kinh điển"
Kinh đô Arendelle trong Frozen đã được nhóm xây dựng dựa trên những chi tiết thu thập được sau chuyến thực nghiệm tại Na-uy. Tòa lâu đài sẽ nằm bên một vịnh nước hẹp và được thiết kế theo phong cách kiến trúc Na-uy cổ điển. Những vách núi ngập trong tuyết trắng thực sự là một bối cảnh lý tưởng cho hành trình phiêu lưu của Anna và Kristoff.
Bằng các phương tiện như ô tô, tàu hỏa, thuyền…, họ đã tới thăm các pháo đài kiên cố, các tòa lâu đài cổ xưa, bảo tàng, thánh đường, vịnh nước hẹp và những dòng sông băng vô cùng ngoạn mục tại quốc gia này. Để có thể sáng tạo ra hình ảnh của cung điện Arendelle, nhóm làm phim đã tới thăm tòa lâu đài Akershus được xây dựng từ thời trung cổ ở Oslo và cung điện hoàng gia Stiftsgården tại thành phố Trondheim – một trong những công trình kiến trúc bằng gỗ lớn nhất tại vùng Scandinavi – với chi phí xây dựng lên tới 9 triệu bảng vào năm 1778.
Nhóm thiết kế cũng đã có một cuộc du ngoạn bằng thuyền tại Geirangerfjord và Sognefjord với độ dài 205 km. Đây là vịnh nước hẹp dài nhất tại Na-uy và xếp thứ 3 trên thế giới. Đây là những danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Na-uy và góp mặt trong danh sách di sản thế giới của UNESCO.
Nhóm làm phim đã tiến hành rất nhiều nghiên cứu và tham khảo ý kiến của các chuyên gia tư vấn để tạo ra một thế giới chân thật và giàu cảm xúc. Rất nhiều chi tiết trong phim – từ bông tuyết rơi xuống hay các bím tóc của Anna và Elsa…- đều được xử lý bằng những công nghệ tiên tiến nhất để mang lại kết quả tốt nhất cho việc xử lý hình ảnh.
Âm nhạc cũng là một yếu tố không thể không nhắc đến trong Frozen. Lần nay, các khán giả lại một lần nữa được "thẩm định" tài năng của nhà nhà soạn nhạc nổi tiếng Christophe Beck – người đã từng giành Oscar với bộ phim Paperman và Hangover - đã phụ trách khâu âm thanh cho Frozen.
Frozen đã khởi chiếu 13/12 và nhận được sự nhiệt tình của rất đông đảo khán giả.
Nhân dịp Frozen đang chiếu tại Việt Nam, hãng Disney và công ty Megastar gửi tặng độc giả các món quà ngộ nghĩnh từ bộ phim, bao gồm 3 khuôn làm đá hình bông tuyết và 3 chiếc khăn len có hình người tuyết Olaf. Để nhận quà, hãy chụp ảnh bạn bên poster phim Frozen và gửi hình ảnh cùng họ tên, số điện thoại, số CMND về địa chỉ news@zing.vn.