"Nếu khó khăn, xin mời vào, quý khách sẽ được miễn phí", đó là nội dung trên tấm bảng dán trước quán bún riêu cua của chị Trần Thị Quỳnh Mai (37 tuổi) trên đường Nguyễn Văn Tạo (huyện Nhà Bè, TP.HCM).
Quán mở cách đây 5 tháng, đúng thời điểm dịch bệnh bùng phát và kinh doanh gặp nhiều khó khăn song chị vẫn duy trì hoạt động này suốt thời gian từ đó tới nay.
Buổi chiều đầu tuần, khi phóng viên tìm đến gặp, chị Mai đang một mình tất bật bán hàng vì hôm nay cô em gái có việc bận. Chị tỏ ra bất ngờ vì không biết câu chuyện của mình đang được mọi người chia sẻ.
"Khi mới mở quán này, thấy những hoàn cảnh khó khăn như các cụ bán vé số hay anh chị nhặt ve chai, người bán hàng rong rất cực khổ, nên tôi muốn tặng họ một bữa ăn ngon. Thực ra cái mình cho không nhiều, chỉ là bát bún riêu nhưng cũng đủ cho họ niềm vui nhỏ, như vậy là hạnh phúc rồi. Tôi không có suy nghĩ muốn mọi người biết tới hay ca tụng gì cả", chị Mai tâm sự với Zing.
Quán bún riêu của chị Quỳnh Mai miễn phí cho người khó khăn. |
Khách trả tiền ăn bằng vé số
Chị Mai chia sẻ trước đây chị là quản lý cho bếp ăn công nghiệp, nhưng khi lập gia đình, chị về mở quán ăn để kinh doanh. Ngoài quán này, nhà chị còn hai quán bún riêu khác ở TP Thủ Đức do chồng và mẹ chồng bán.
Mở quán được một tuần, nhìn thấy những người khó khăn đi qua, chị Mai thấy thương và quyết định mời họ ăn miễn phí. Chồng và gia đình cũng rất ủng hộ hành động này của chị.
"Thực ra số người vào để ăn miễn phí cũng ít, chủ yếu tôi gặp thì chủ động mời. Họ vào nhưng hiếm ai chịu ăn không. Có người trả 10.000 đồng, có người tặng một vài tờ vé số thay tiền. Điều đó khiến tôi vừa xúc động và càng thương quý tấm lòng của họ hơn. Họ nghèo nhưng rất ngay thẳng và sòng phẳng", chị bộc bạch.
Có những người bán vé số, nhặt ve chai giờ trở thành khách quen của quán bún riêu, nhưng mỗi lần tới ăn họ đều trả một số tiền nhỏ. Chị Mai nói đó cũng như họ trả cho chị “vốn” và chị tặng họ công nấu nướng, đôi bên đều vui vẻ.
Chị Mai xúc động khi nhiều người nghèo tới đây nhưng họ nhất quyết trả một số tiền hay vài tờ vé số, hiếm ai chịu ăn không. |
Chủ quán bún riêu tâm sự khi chị mời người nghèo tới ăn miễn phí, nhiều khách hàng và cả người quen thắc mắc làm sao chị biết ai khó khăn thật, biết đâu người ta lợi dụng lòng tốt của mình, có tiền nhưng muốn ăn miễn phí.
"Chính bản thân tôi cũng không thể phân định giữa hàng trăm vị khách, ai cần giúp đỡ thật sự. Có trường hợp tôi biết họ không khó khăn đến vậy nhưng mình sẵn sàng mở lòng. Mình chỉ giúp theo cái tâm của mình vì nếu cứ đắn đo suy nghĩ, sợ họ lừa thì không thể hỗ trợ ai. Vả lại, chỉ một bữa ăn thôi cũng không đáng để tôi dò xét", chị Mai nói.
Chị hạnh phúc khi nhiều khách đến đây ăn, khen ngợi việc làm ý nghĩa và quay lại ủng hộ, có người thấy ngon và giới thiệu cả người quen.
Mong làm nhiều việc thiện
Buổi sáng, chị bán từ 5h30 tới 12h, sau khi nghỉ trưa, chị mở bán tiếp từ 17h cho tới khi hết hàng thì nghỉ, thường là khoảng 19h30.
Với mỗi vị khách mới lần đầu tới, chị Mai thường hỏi han xem họ thấy hương vị có ngon không hay cần nêm nếm thêm gì khác. Điều đó giúp chị cải thiện món ăn của mình, gần gũi hơn với các thực khách.
Chị Quỳnh Mai hỗ trợ nhóm từ thiện tập kết đồ quyên góp tại quán của mình. Ảnh: Ly Kiet. |
Sau thời điểm dịch bệnh khó khăn, hiện tại việc buôn bán của quán bún riêu đã ổn định hơn trước. Chị Mai vẫn cố gắng duy trì việc miễn phí cho người khó khăn.
Trước đây, mỗi dịp rằm hay mùng một âm lịch hàng tháng, chị Mai thường nấu cơm chay để phát từ thiện. Song ít tháng nay, chị có bầu và bị ốm nghén nên không đủ sức, đành tạm ngưng việc đó.
Bên cạnh tự làm từ thiện, chị cũng giúp đỡ những hội nhóm thiện nguyện trong khu vực.
Cách đây ít tháng, thấy một nhóm từ thiện mới thành lập cần tìm kho để gom đồ, chị Mai chủ động liên lạc. Hiện tại, quán của chị cũng là điểm tập kết đồ quyên góp cho nhóm.
"Mới đầu quán khó khăn nên mình ngỏ ý cho các bạn thuê mặt bằng với giá thấp. Nhưng nhóm cũng eo hẹp kinh phí nên xin khất tiền vài tháng. Dần dần, mình buôn bán ổn hơn nên quyết định cho các bạn để miễn phí, cũng không lấy tiền những tháng trước. Họ đều là người trẻ, nhiệt tình và có lòng tốt, mình không giúp được nhiều nên chỉ có thể hỗ trợ như vậy", chị Mai cho hay.