Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Quan chức Đan Mạch tiết lộ bí quyết với Việt Nam

Đan Mạch là quốc gia đi đầu trong sản xuất hữu cơ - lĩnh vực mà EU cũng phải học hỏi nước này - với tiêu chí sản xuất nông nghiệp nhiều hơn nhưng sử dụng ít tài nguyên hơn.

san xuat thuc pham xanh anh 1

Tại Hội thảo “Kinh nghiệm và giải pháp của Đan Mạch trong sản xuất nông nghiệp và thực phẩm bền vững” tổ chức ngày 17/8 ở Hà Nội, ông Phùng Đức Tiến - Thứ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - nhận định Việt Nam tiếp tục là quốc gia đối tác quan trọng của chính phủ Đan Mạch trong hợp tác về lĩnh vực như tăng trưởng xanh, năng lượng, nước, sức khỏe, giáo dục, an toàn thực phẩm, văn hóa và thương mại.

“Các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp Việt Nam có thể học hỏi và áp dụng kinh nghiệm từ các đối tác Đan Mạch, trong bối cảnh ngành nông nghiệp Việt Nam nỗ lực phát triển theo chuỗi giá trị và sản xuất bền vững, hướng tới mục tiêu nền nông nghiệp thông minh và công nghệ cao”, ông Tiến nhấn mạnh.

Trong khi đó, bà Sanne Høj Andrén - Tham tán Nông nghiệp tại Đại sứ quán Đan Mạch - đánh giá chính phủ Việt Nam đã có kế hoạch hành động quốc gia về nông nghiệp bền vững, cho thấy rõ ý định và ưu tiên nền nông nghiệp và sản xuất lương thực bền vững hơn trong tương lai.

“Thông qua dự án Hợp tác chiến lược ngành (SSC), chính phủ Đan Mạch sẽ hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh và bền vững trong ngành nông nghiệp và thực phẩm, hợp tác chặt chẽ với cơ quan chức năng Việt Nam. Các hoạt động mới sẽ dựa trên thỏa thuận chung giữa hai chính phủ và các đối tác liên quan của dự án SSC”, bà Andrén chia sẻ với Zing.

Theo bà Andrén, cụm nông nghiệp và thực phẩm của Đan Mạch là một trong những khu vực xanh nhất trên toàn thế giới, do đó, phía Đan Mạch mong muốn được chia sẻ kinh nghiệm và kiến ​​thức trong quá trình chuyển đổi xanh với Việt Nam.

Sản xuất nhiều hơn với việc sử dụng tài nguyên ít hơn

Theo ông Troels Jakobsen - Tham tán Thương mại tại Đại sứ quán Đan Mạch, các công ty nông nghiệp, thực phẩm ở nước này không ngừng đầu tư vào các thiết bị và giải pháp sản xuất mới nhằm thúc đẩy sản lượng và nâng cao chất lượng sản phẩm, trong khi tiêu tốn ít nước và năng lượng hơn.

“Ngày nay, chúng tôi sản xuất lượng lương thực nhiều hơn gấp ba lần lượng mà dân số Đan Mạch có thể tiêu thụ, với lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính thấp nhất châu Âu”, ông Jakobsen cho biết.

san xuat thuc pham xanh anh 2

Quang cảnh hội thảo sáng 17/8. Ảnh: Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam.

Theo số liệu của Hội đồng Nông nghiệp và Thực phẩm Đan Mạch, vào năm 2020, nước này sản xuất ra 9,6 triệu tấn ngũ cốc, 5,7 triệu tấn sữa, 132.300 tấn thịt bò, gần 2 triệu tấn thịt lợn và 166.900 tấn thịt gia cầm. Tuy nhiên, họ chỉ có hơn 33.000 trang trại và khoảng 66.000 lao động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bên cạnh đó, ông Jeppe Søndergaard Pedersen - Cố vấn trưởng quốc tế, Hội đồng Nông nghiệp Thực phẩm Đan Mạch - cho hay nước này cũng rất quan tâm đến sản xuất hữu cơ, đồng thời có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

“Tổ chức của chúng tôi đã đưa ra khẩu hiệu: Sản xuất nhiều hơn với việc sử dụng tài nguyên ít hơn. Chúng tôi mong muốn sử dụng các nguồn lực của mình một cách hiệu quả nhất có thể”, ông nói.

“Đan Mạch cũng có sự kết nối với thị trường EU. Thậm chí là EU cũng tới Đan Mạch để học hỏi việc sản xuất hữu cơ”, ông nói thêm.

Ông Pedersen chia sẻ diện tích đất sản xuất hữu cơ ở Đan Mạch tăng rất nhanh, thị trường của những sản phẩm hữu cơ cũng tăng cao, khoảng 14-15% trong tổng lượng sản phẩm tiêu thụ ở Đan Mạch.

“Chúng tôi ở đây không chỉ để chia sẻ kiến thức của mình, mà còn mong muốn học hỏi kinh nghiệm của Việt Nam", ông nói thêm. "Chúng tôi đặt mục tiêu sản xuất nông nghiệp nhiều hơn, nhưng cũng đồng thời phải giảm phát thải”.

Khuyến khích phòng bệnh hơn trị bệnh

Cũng tại hội thảo, bà Sanne Høj Andrén đề cập tới Hợp tác chiến lược ngành (SSC) giữa Đan Mạch và Việt Nam.

“Việt Nam là một trong những nước đầu tiên tham gia vào khuôn khổ SSC của Đan Mạch. Đan Mạch đã triển khai SSC với 4 cơ quan và 4 lĩnh vực của Việt Nam, gồm y tế, giáo dục, an toàn thực phẩm và thống kê. Trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, Việt Nam và Đan Mạch tập trung vào chuỗi giá trị thịt lợn”, bà Andrén cho hay.

Mục tiêu tổng quát của chương trình là góp phần nâng cao chất lượng thức ăn chăn nuôi và an toàn thực phẩm trong chuỗi giá trị thịt lợn ở Việt Nam. Trong khi đó, mục tiêu cụ thể là cải thiện an toàn thực phẩm ở Việt Nam, tập trung thúc đẩy phát triển bền vững (SDGs), góp phần phát triển mối quan hệ song phương giữa hai nước, tạo cơ hội đầu tư và hợp tác cho các doanh nghiệp.

Theo bà Andrén, thông qua dự án hợp tác SSC, Đan Mạch mong muốn hỗ trợ cơ quan chức năng Việt Nam trong cải thiện truy xuất nguồn gốc trong chuỗi giá trị thịt lợn, quản lý và sử dụng thuốc thú y (phòng ngừa kháng kháng sinh AMR), an toàn thực phẩm trong quy trình xử lý thịt và quản lý an toàn thức ăn chăn nuôi, đồng thời nâng cao năng lực quản lý an toàn thực phẩm dựa trên rủi ro.

Đề cập tới những cơ hội khi tham gia SSC, bà Andrén cho hay Đan Mạch nhận thấy ngành chăn nuôi lợn ở Việt Nam đang dần được nâng cấp và cải thiện, gia tăng hiệu quả.

Ngoài ra, thông qua dự án, ngành thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam sẽ có cách tiếp cận dựa trên rủi ro nhiều hơn nhằm loại bỏ dần thuốc kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi và tăng cường tập trung vào chất lượng thức ăn chăn nuôi.

“Điều này giúp cho thịt lợn Việt Nam có thể đáp ứng tiêu chuẩn của các thị trường nhập khẩu, ví dụ như EU”, tham tán Nông nghiệp cho hay.

san xuat thuc pham xanh anh 3

Ông Phùng Đức Tiến - Thứ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - trong hội thảo sáng 17/8. Ảnh: Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam.

“Chương trình cũng hỗ trợ nông dân làm quen với việc phòng bệnh hơn là sử dụng thuốc thú y trị bệnh cho lợn. Bên cạnh đó, chúng tôi khuyến khích chia sẻ các kiến thức, công nghệ và giải pháp, ví dụ như thông qua hội thảo về kết nối doanh thương giữa 2 phía”, bà nói thêm.

Chương trình SSC về an toàn thực phẩm tập trung vào chuỗi giá trị thịt lợn tại Việt Nam có 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn I từ năm 2017-2019, giai đoạn II từ tháng 4/2020-12/2023, còn giai đoạn III kéo dài từ năm 2024 đến 2026.

Hiện tại, dự án đang ở giữa giai đoạn II. Chia sẻ với Zing, bà Andrén cho biết các hoạt động có tác động lớn đến sức khỏe và phúc lợi động vật và an toàn thực phẩm/thức ăn chăn nuôi được coi là kết quả chính trong giai đoạn II.

“Dự án hỗ trợ các cơ quan chức năng Việt Nam xây dựng Thông tư về kê đơn thuốc thú y, và trọng tâm là thực hiện thông tư này. Thông tư sẽ đảm bảo việc sử dụng thuốc thú y thận trọng, có lợi cho cả động vật và con người”, bà chia sẻ.

Ngoài ra, bà cũng đề cập tới việc SSC giới thiệu cách tiếp cận dựa trên rủi ro trong sản xuất và kiểm soát thức ăn chăn nuôi khi xây dựng hướng dẫn thanh tra mới tại các nhà máy thức ăn chăn nuôi.

“Điều này nhằm tập trung loại bỏ dần kháng sinh trong thức ăn và hạn chế sử dụng chất hóa học không mong muốn”, tham tán nông nghiệp tại Đại sứ quán Đan Mạch cho hay.

Đánh giá về giai đoạn II của dự án SSC, bà Andrén nhận định khó có thể nêu bật một thành công, khi đã đạt được nhiều thành tựu kể từ khi dự án bắt đầu. Bên cạnh đó, bà tiết lộ trong những năm tới, phía Đan Mạch không chỉ tiếp tục những hoạt động hợp tác đã có, mà còn bổ sung thêm những dự án mới.

“Chúng tôi sẽ bổ sung thêm các hoạt động mới về chuyển đổi bền vững và chuyển đổi xanh trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm”, bà cho hay.

Đại sứ EU: Lụt lội đô thị chỉ là phần ngọn của vấn đề

Trao đổi với Zing, Đại sứ EU tại ASEAN Igor Driesmans cho hay câu chuyện lụt lội chỉ là phần ngọn của biến đổi khí hậu. EU đã đưa ra một số công cụ để cùng ASEAN giải quyết vấn đề.

Đại sứ Thụy Điển: Tham vọng là thế mạnh của Việt Nam

Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Ann Mawe nhận xét Việt Nam có nhiều thế mạnh trong phát triển xanh, bền vững, trong đó việc đặt ra mục tiêu "tham vọng" chính là ưu thế hàng đầu.

Tiem nang 25 ty USD cua thit nhan tao hinh anh

Tiềm năng 25 tỷ USD của thịt nhân tạo

0

Chính phủ Mỹ đã cấp những giấy phép đầu tiên cho 2 doanh nghiệp bán thịt gà được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm, trở thành quốc gia thứ 2 trên thế giới làm điều này.

Phương Linh - Vân Đinh

Bạn có thể quan tâm