Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Quan lại, dân chúng ngày xưa được thưởng Tết như thế nào?

Dưới thời phong kiến, từ hoàng thân quốc thích, quan lại, người cao niên, con cháu hiếu thảo, thậm chí cả tội phạm, cũng được thưởng Tết theo những cách khác nhau.

Năm 1827, vua Minh Mạng có chỉ dụ hoàng tử và công tôn (con công tử), mỗi người được thưởng 20 lượng bạc. Quan lại chính nhất phẩm (thiếu sư, thiếu phó, thiếu bảo) thưởng 12 lượng, tòng nhất phẩm giữ các vụ cao cấp ở triều đình được thưởng 10 lượng.

Quan lại có phẩm hàm cao cấp khác như nhất phẩm được thưởng 8 lượng, nhị phẩm 6 lượng, tam phẩm 5 lượng, tứ phẩm 3 lượng, ngũ phẩm 2 lượng...

Thưởng Tết đa dạng

Theo các tư liệu của Quốc sử quán triều Nguyễn, việc thưởng Tết được tiến hành đa dạng. Các quan địa phương tới chầu ở kinh thành dịp Tết tùy theo phẩm hàm được cấp thưởng đúng theo quy định, thường là một lượng.

Quan hành tẩu phòng văn thư, quan lại cai quản nhỏ trong quân đội như chính đội trưởng, đội trưởng, suất đội trong Thị Nội, cai đội, suất đội các quân thưởng một lượng.

Các trạm quân dịch cũng được thưởng. Từ kinh sư trở vào Nam, tổng cộng 99 trạm thưởng tiền Tết, từ tháng giêng đến tháng 6, mỗi tháng, một trạm nhận 30 quan tiền, 20 phương gạo.

Thuong Tet ngay xua anh 1
Nghi lễ đón Tết trong cung Nguyễn. Ảnh: Tư liệu.

Các địa phương có con cháu hiếu thuận, chồng nghĩa, vợ tiết, quan quản lý ở địa phương đó xác thực rồi tấu lên bộ Lễ làm biểu dâng.

Châu bản Minh Mạng cho biết việc ban thưởng cho các bậc cao niên, con cháu hiếu thảo và những người làm việc siêng năng được tiến hành cẩn trọng. Năm 1831, các kỳ lão trên 100 tuổi được ban thưởng 3 lạng bạc, trên 90 tuổi 2 lạng bạc, trên 80 tuổi một lạng bạc.

Các châu phủ huyện xem xét những ai siêng năng, chăm chỉ việc nông vụ, lập tức ban thưởng để khích lệ phát triển nông nghiệp.

Từ năm Minh Mạng thứ 19 (1838), các quan bị giáng chức cũng được ban thưởng và dự yến cùng các quan khác.

Ngoài tiền thưởng, vua còn có lệ ban thưởng bằng yến tiệc vào đầu năm mới.  Hoàng thân, quốc thích, quan văn từ ngũ phẩm, quan võ từ tứ phẩm trở lên và các chức tước trong hoàng tộc phân chia ngồi theo thứ bậc ăn yến vào ngày mùng 1 tại điện Cần Chánh và nhà giải vũ hai bên điện. Quan văn lục phẩm, quan võ ngũ phẩm, quan địa phương các tỉnh tới kinh ăn yến vào mùng 2 tại viện Đãi Lậu.

Các quan tới dự yến đều được ban thưởng tiền vàng theo thứ bậc phẩm cấp. Quan lại chưa mãn tang không được dự yến nhưng vẫn được ban thưởng và quy yến ra tiền để cấp thêm.

Dưới thời Tự Đức, cứ mỗi dịp Tết đến, vua lại có cách thưởng riêng. Tự hào là ông vua giỏi thơ nhất triều Nguyễn, Tự Đức thậm chí còn có cách thưởng độc đáo là... ban thơ cho cận thần và dân chúng.

Năm 1848, ngồi giữa các quan, vua Tự Đức đem bài thơ do vua sáng tác tại điện rồi ra lệnh ban cho quan lại trong, ngoài triều.

Người nghèo khổ, tội phạm cũng được thưởng

Theo ân chiếu của vua Minh Mạng ban năm 1831, các tỉnh trấn có người nghèo khổ, túng quẫn, người cô quả, tàn tật... quan lại phụ trách lưu tâm cấp dưỡng theo thời.

Phạm nhân bị bắt phục dịch trong quân ngũ tại các thành trấn, nếu xét rõ quê ở Nghệ An, Hà Tĩnh đã quá 70 tuổi thì thả về quê, phạm nhân nếu đã mất vợ con cũng phóng thích cho về quê.

Thuong Tet ngay xua anh 2
Hoạt động đón Tết của vua triều Nguyễn. Ảnh: VOV.

Quan lại trong ngoài kinh từ năm 1830 trở về trước, mắc tội bị giáng chức hoặc cách chức cho lập danh sách dâng lên triều đình để xin khoan hồng.

Vua Tự Đức từng có quy định, cho quan viên nào đã vì tội công bị cách chức nhưng cho hưởng án treo, cho đổi làm giáng 4 cấp, tội tư thì cho đổi làm giáng 5 cấp.

Ngoài ra, vua cũng quy định gặp các tiết Vạn thọ (năm có lễ lớn), Tết Nguyên đán, phạm tội công hay tư, bị cách chức hay giáng chức nhưng chưa thi hành án đều được hưởng ân điển của vua ban.

Dịp Tết năm 1860, vua Tự Đức cũng chỉ dụ các quan viên văn võ trong ngoài kinh từ ngày 29/12/1860 trở về trước nếu ai mắc tội công bị cách chức nhưng chưa chưa thi hành án được giảm tội theo từng cấp bậc, các quan bị phạt giáng cấp được ân xá, quan mắc tội chịu phạt bổng lộc cũng được giảm.

Nội Các có trách nhiệm tiếp nhận dâng tấu và thi hành dụ phê của hoàng đế. Bộ Binh, Bộ Hình, Bộ Lễ phụ trách và làm sách tấu dâng chờ ân chuẩn.

Theo sách Lễ tết ăn chơi trong cung Nguyễn, hàng năm, triều Nguyễn mở đầu năm mới bằng lễ Ban sóc (ban lịch) vào ngày 1/12, tiếp theo là Lễ Phất thức (quét dọn, lau chùi).

Đến 30 Tết tiến hành Lễ dựng nêu. Tết Nguyên đán chính thức diễn ra vào ngày mùng 1 đầu năm.

Vì sao sông Hồng còn có tên Nhĩ Hà?

Sông Hồng gắn liền quá trình phát triển của người Việt. Đây là chiếc nôi của văn minh, văn hóa nước ta. Ngoài tên chính, sông Hồng còn có nhiều tên gọi khác nhau.

Nguyễn Thanh Điệp

Bạn có thể quan tâm