Quán quân MasterChef khuyên đàn ông Việt nấu ăn giúp vợ
“Tôi chỉ mong tất cả những người đàn ông Việt nếu có thể nấu nướng, dù là những món rất đơn giản để có thể chia sẻ với vợ con, với người thân”, Thanh Hòa chia sẻ.
- Cảm xúc của anh thế nào khi được xướng tên là MasterChef đầu tiên của Việt Nam?
- Đối với tôi, đây có thể được xem là niềm hạnh phúc trọn vẹn. Tôi đã chứng tỏ được rất nhiều thứ, rằng tôi có thể thành công bằng chính sức lực của mình, chứng tỏ niềm đam mê ẩm thực thực sự, cũng như khẳng định với mọi người rằng mình đã chọn đi trên con đường hoàn toàn đúng đắn.
Một điều nữa là giờ đây tôi cảm thấy rất thoải mái vì đã được chia sẻ niềm vui của mình chứ không phải giấu như bao lâu nay.
- Đấu với một người còn quá trẻ và non kinh nghiệm như Quốc Trí, anh dường như đã được mở đường sẵn đến ngôi vô địch?
- Trước khi bước vào vòng chung kết, thật sự tôi cũng có một chút tự tin vì có lợi thế về kinh nghiệm cũng như từng trải hơn Quốc Trí. Nhưng tôi cũng nhận thức rõ một điều là Quốc Trí dù còn trẻ nhưng sự hiểu biết về ẩm thực, kĩ năng trang trí cũng như khả năng làm món tráng miệng quá tuyệt vời nên tôi cũng tự dặn mình không thể có bất cứ lơ là nào. Nếu làm tốt mà không có sự tập trung thì cũng khó lòng vượt qua được Trí.
- Ai là nguồn động lực lớn nhất giúp anh có thêm tự tin và sức mạnh trong quãng thời gian tham gia MasterChef?
- Đó là gia đình và đặc biệt là mẹ của tôi. Bà cũng là người hướng dẫn cho tôi những bước đầu tiên trên con đường nấu nướng khi còn bé.
- Còn người ảnh hưởng đến phong cách nấu ăn của anh?
- Tôi không đặc biệt bị ảnh hưởng bởi một cá nhân nào, mà thích phong cách nấu fusion mang âm hưởng kết hợp giữa Âu và Á. Khi từng sống ở Sydney tôi đã tiếp cận được nền ẩm thực mang phong vị này. Ở Úc có một vài đầu bếp có phong cách nấu như thế này và có thể nói họ chính là nguồn cảm hứng cho tôi.
Thanh Hòa giành chiến thắng trước Quốc Trí để lên ngôi vô địch |
- Qua 20 vòng thi, món ăn nào khiến anh tự hào nhất?
- Đó là món tôm hùm đút lò và rau muống trong thử thách chiếc hộp bí mật của tập 9. Một bên là nguyên liệu rất cao quý, một bên lại là nguyên liệu rất quen thuộc, dân dã và dễ ăn với người Việt Nam. Làm sao để xử lý được hai thứ này lại với nhau cho thật hợp lý và hài hòa không phải là chuyện dễ dàng. Nhưng cuối cùng tôi đã giành được rất nhiều lời khen và chiến thắng trong vòng thi đó. Đến bây giờ nghĩ lại tôi vẫn không hiểu vì sao lúc đó mình lại làm được.
Còn món ăn của các thí sinh khác mà tôi ấn tượng nhất là món mắm bò hóc nấu atiso của Thái Hòa. Đây là một sự kết hợp sáng tạo tuyệt vời mà tôi nghĩ là mình không thể nghĩ đến được trong hoàn cảnh đó.
- Qua chương trình, anh hoc hỏi được gì ở các thí sinh còn lại?
- Mỗi người đều có một thế mạnh khác nhau như ở cô Thúy Hồng là những món ăn thuần Việt, anh Quang Huy về những món rất dân dã và mang hương vị miền Bắc, Thái Hòa ở sự sáng tạo, Quốc Trí ở khả năng trang trí và làm món tráng miệng… Tôi không đặt một người nào đó lên trên hết mà sẽ tìm hiểu những điểm mạnh của từng người để quan sát và học hỏi.
- Trong quá trình thi, Nguyên Giáp được nhớ đến như một thí sinh rất xấu tính và bất hợp tác. Là người trong cuộc, anh có thể chia sẻ về những mâu thuẫn này?
- Trong bất cứ chương trình truyền hình thực tế nào cũng đều có sự mâu thuẫn vì aiđã bước vào cuộc thi ai cũng khát khao dành chiến thắng cũng như đạt được điều gì đó nhất định. Nhưng những điều đó chỉ xảy ra trong căn bếp lúc thi cử. Còn ngoài đời, Nguyên Giáp là một người em mà tôi có thể trao đổi nhiều, tất nhiên là không phải tất cả mọi thứ. Còn về tính cách thì Nguyên Giáp đúng là Nguyên Giáp. Nhưng một cuộc thi cần có những trường hợp như vậy để có nhiều màu sắc và hấp dẫn hơn.
- Anh đã có dự định sử dụng số tiền thưởng 500 triệu mà mình nhận được?
- Đây chính là khởi đầu, là cánh cửa đầu tiên để tôi có thể tạo dựng cho riêng mình một cái gì đó nho nhỏ. Nấu nướng trong tôi là niềm đam mê lớn, nên tôi rất muốn có riêng một nơi để mọi người có chung sở thích hay đơn giản là yêu thích MasterChef có thể gặp gỡ và cùng nhau thưởng thức cái đẹp của ẩm thực.
Mẹ là người đầu tiên đưa anh đến với đam mê ẩm thực. |
- Nếu mở nhà hàng, anh sẽ nhắm vào đối tượng nào là khách hàng chính của mình?
- Tôi rất bất ngờ khi qua MasterChef đã được nhiều bạn trẻ yêu thích và hâm mộ, nên đây sẽ là đối tượng chính mà tôi nhắm đến. Họ chính là người có thể tiếp cận và chấp nhận với những cái mới, và tôi chính là một ví dụ cho những cái mới từ nước ngoài trở về. Tôi tin rằng các bạn trẻ có thể chia sẻ và chấp nhận phong cách nấu ăn của tôi như một làm gió mới. Tất nhiên những thực khách lớn hơn vẫn có thể thích thú với quan điểm này.
Ví dụ như khi làm món gỏi xoài là một món ăn đường phố, nhưng gỏi xoài của tôi sẽ có sự kết hợp mới mẻ và tinh tế hơn khi kết hợp với cá chẳng hạn. Vẫn sẽ là món ăn Việt nhưng đẳng cấp hơn.
- Liệu họ có đủ điều kiện kinh tế để bước vào một nhà hàng nấu ăn theo phong cách fusion mà anh nhắm đến?
- Với điều kiện kinh tế như bây giờ, tôi nghĩ là mình nên bắt đầu một cái gì đó theo xu hướng ngon – bổ - rẻ. Nếu mở nhà hàng, tôi sẽ nhắm đến những món ăn phù hợp với túi tiền, nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng và có phong cách riêng. Như vậy thì các bạn trẻ hay những thực khách khó tính vẫn sẽ chấp nhận được.
- Khi còn ở Úc, anh có dự định thử sức với chương trình MasterChef tại đây không?
- Thật sự là tôi cũng có dự định tham gia, nhưng do thời gian và tính chất công việc không cho phép nên chưa có cơ hội. Mãi đến khi về Việt Nam trong năm ngoái và biết được MasterChef Vietnam đang tuyển thí sinh, tôi mới quyết định đăng ký. Tôi vốn không chuyên về ẩm thực Việt, nhưng với những kinh nghiệm, kiến thức và đam mê mà mình có, tôi muốn xem sức mình có thể làm được gì và đi đến đâu.
Thị trường ẩm thực Việt Nam đang rất được quan tâm, tôi ở Úc nhiều năm cũng biết người dân tại đây cực kỳ ấn tượng về các món ăn Việt về mức độ lành mạnh cho sức khỏe, ngon miệng… Hy vọng đây sẽ là cơ hội để có thể để phát triển.
- Điểm yếu của anh khi nấu những món ăn Việt Nam là gì?
- Đã từ lâu tôi không nấu các món ăn thuần Việt nên có hạn chế về vấn đề nêm nếm chưa đúng với khẩu vị đậm đà của mọi người. Do sống ở nước ngoài 28 năm nên thường nêm nếm khá nhẹ và thanh hơn.
Tôi quan niệm đã nấu món Việt thì phải làm sao cho giống nhất. Nói nâng tầm thì chủ yếu ở cách kết hợp nguyên liệu hay trang trí thôi, nhưng gia vị thì phải đúng nhất. Sắp tới tôi sẽ dành khoảng thời gian để học thêm về ẩm thực Việt cũng như món tráng miệng.
- Trong gia đình, anh hay vợ là người xuống bếp?
- Người nào có thời gian thì sẽ nấu ăn, chứ không nhất định là ai sẽ phải đảm nhiệm công việc này.
- Anh nghĩ sao về câu nói người vợ hạnh phúc nhất là người có chồng biết xuống bếp?
- Tôi nghĩ không hẳn là như vậy. Trong gia đình mà người đàn ông biết nấu ăn nhiều quá thì người phụ nữ sẽ ỷ lại. Trong xã hội hiện đại bây giờ thì cần có sự cân đối và phối hợp giữa hai bên.
- Phong cách nấu ăn của anh và vợ có sự tương đồng và khác biệt nào?
- Cả hai đều yêu thích món Việt, còn khác biệt thì dĩ nhiên ai cũng phải có thế mạnh riêng.
- Các gia đình thường xảy ra mâu thuẫn trong vấn đề ăn uống vì không hợp khẩu vị và sở thích. Anh đã gặp trường hợp này chưa?
- Chuyện đó thường xảy ra thôi, nhưng quan trọng là phải dung hòa để mọi thành viên trong gia đình có thể vui lòng mỗi khi bước vào mâm cơm.
- Đàn ông Việt rất ít người chịu chia sẻ với vợ về chuyện bếp núc. Đây có phải là một điểm trừ của họ không?
- Trong xã hội hiện nay thì người phụ nữ mong muốn có một người chồng có thể chia sẻ công việc nhà là điều dễ hiểu. Tôi không dám nhận xét số đông, nhưng một vài người bạn giúp vợ nấu ăn đấy thôi.
- Anh có chia sẻ gì với đàn ông Việt về vấn đề này không?
- Tôi chỉ mong tất cả những người đàn ông Việt nếu có thể nấu nướng, dù là những món rất đơn giản để có thể chia sẻ với vợ con, với người thân thì nên làm vì nấu ăn cũng là công việc có thể giúp giảm đi những áp lực trong công việc và cuộc sống.
Phương Giang
Theo Infonet