Ở Việt Nam từ lúc lọt lòng, đến nay đã 13 tuổi, đang học lớp 7 nhưng cậu học trò này không thể viết những câu tiếng Việt đơn giản nhất, không phân biệt được chủ ngữ, vị ngữ trong câu.
Để nâng cao kỹ năng tiếng Việt cho cậu học sinh lớp 7 này, cô giáo đến nhà cho em đọc truyện thiếu nhi và giúp em đọc những từ khó trong truyện. “Đọc cũng là một cách học - cô giáo kể - Có những từ khó trong truyện em chưa đọc được như từ “chuyển”, “miễn”, “hữu”… tôi phải đọc cho em đọc theo và cố gắng lắm em mới đọc được”.
Ngoài ra, cứ hai tuần một lần cô giáo đến nhà trò chuyện giao tiếp với em bằng tiếng Việt, hướng dẫn em cách viết những câu tiếng Việt đơn giản nhất, phân biệt chủ ngữ - vị ngữ trong một câu, kể cả cách phát âm các từ khó. Kèm như thế được ba tháng, cô giáo bảo học trò chịu khó tiếp thu. Tuy chậm nhưng kỹ năng nói tiếng mẹ đẻ của em cũng được cải thiện chút ít.
Đây là học trò thứ hai cô giáo này nhận kèm cặp tiếng Việt. Năm trước, cô cũng kèm tiếng Việt cho một học trò người Việt học lớp 10 một trường quốc tế. Kỹ năng tiếng Việt của cậu này, theo cô giáo nhận định, là “tệ hơn học trò lớp 7 đang dạy”. Nhưng chỉ dạy được vài tuần là cô giáo... bó tay vì học trò không hợp tác trong việc học. “Đã quen sử dụng tiếng Anh nên việc học tiếng Việt với em là một cực hình. Như một vòng luẩn quẩn, quen sử dụng tiếng Anh, không quen dùng tiếng Việt nên em lười học và trình độ tiếng mẹ đẻ chỉ ngang bằng với học trò mẫu giáo” - cô giáo kể.
Cả hai trường hợp cô giáo được phụ huynh mời đến nhà dạy kèm tiếng Việt đều học trường quốc tế từ mẫu giáo. Ở trường hầu như các em nói tiếng Anh với bạn bè, thầy cô trong những buổi học ở lớp, hoạt động ngoại khóa. Về nhà, cha mẹ quá bận rộn ít nói chuyện tiếng Việt với con nên các bạn “quên” tiếng mẹ đẻ của mình. Tiếp xúc với học sinh, cô giáo nhận định do yếu tiếng Việt nên kiến thức xã hội, lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán… Việt của các bạn bị hạn chế rất nhiều.
Thông thường tâm lý phụ huynh cho con đi học trường quốc tế là để chuẩn bị nền tảng cho con đi du học sau này. Vốn tiếng Anh thật tốt là chìa khóa, nền tảng để tiếp cận tri thức từ những nền giáo dục tiên tiến. Có điều khi thế giới phẳng đi, ranh giới giữa các quốc gia đôi khi được đo bằng ngôn ngữ, văn hóa và bản sắc của dân tộc đó. Trong trường hợp ấy, người trẻ sẽ thể hiện bản sắc dân tộc mình như thế nào khi không nói được tiếng mẹ đẻ?