Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dịch Covid-19

Quốc gia chưa từng ghi nhận người mắc Covid-19

Kiểm soát biên giới chặt chẽ ngay từ khi dịch bùng phát tại các nước lân cận, Cộng hòa Palau trở thành số ít quốc gia không ghi nhận ca mắc hay tử vong vì Covid-19.

Theo thông tin từ Tổ chức Y tế Thế giới, Cộng hòa Palau là một trong những quốc gia hiếm hoi còn lại trên thế giới chưa từng ghi nhận ca mắc Covid-19. Theo CNN, quốc đảo tại Thái Bình Dương chuẩn bị tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 cho người dân. Nhiều tờ báo quốc tế gọi Palau là mẫu hình chống dịch lý tưởng, thành công trong cuộc chiến với đại dịch chết người của toàn cầu bởi sự cảnh giác và tỉnh táo của chính phủ.

Không chậm trễ

Vào tháng 3, dịch Covid-19 bắt đầu lan từ châu Á sang các quốc gia lân cận. Ngay thời điểm đó, tổng thống Tommy Remengesau của Cộng hòa Palau đã thực hiện nước đi táo bạo. Đó là đóng cửa biên giới, cấm nhập cảnh từ các quốc gia khác. Điều này là quyết định khó khăn trong thời điểm đó bởi Palau có doanh thu, lợi nhuận phụ thuộc phần lớn vào nguồn du khách nước ngoài.

Để chuẩn bị hỗ trợ kinh tế cho hơn 20.000 người dân của Cộng hòa Palau, tổng thống Remengesau quả quyết đây là lựa chọn duy nhất và sống còn.

"Nó trở thành câu hỏi buộc tôi phải chọn giữa kinh tế hay cuộc sống của người dân. Lợi nhuận đến và đi, nhưng bạn chỉ có một cuộc đời để sống. Đó là mô hình cơ bản mà chúng tôi vẫn theo đuổi, cũng là lý do đến nay, chưa một trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 nào được ghi nhận", người đứng đầu Palau trả lời phỏng vấn của Reuters vào tháng 4.

Những thiệt hại sau đó khiến quốc gia này mất 60% doanh thu từ thuế. Tuy nhiên, ông Remengesau vẫn quyết định tiếp tục đóng cửa biên giới "chừng nào còn cần thiết".

dat nuoc khong co nguoi mac Covid-19 anh 1

Tổng thống Palau Tommy Remengesau họp trực tuyến cùng các đối tác tại văn phòng. Ảnh: Reuters.

Khi châu Âu, Á và Mỹ Latin hứng chịu những cú giáng mạnh từ Covid-19, Palau vẫn kiên định với lựa chọn của mình. Quốc đảo này nằm trong phạm vi 1.000-1.500 km với các nước láng giềng như Indonesia, Philippines và vùng lãnh thổ Guam của Mỹ. Dù vậy, bất chấp nước bạn khó khăn, chật vật đương đầu với đại dịch, Paula vẫn là quốc gia Covid-19 chưa thể đặt chân đến.

Từ giữa tháng 3, Palau tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe. Động thái này được đưa ra sau khi giới chức ý thức về mối nguy Covid-19. Hai trường hợp tại đây nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2. Tuy nhiên, sau đó, họ đều có kết quả âm tính khi xét nghiệm axit nucleic. Điều này cũng khiến tổng thống Remengesau mất ngủ nhiều đêm vì lo ngại đợt dịch có thể bùng phát, lấn át dịch vụ y tế mong manh tại đây.

Chính phủ Palau đã nghiên cứu dự trữ thuốc men, sinh phẩm, tăng cường các dịch vụ, xây dựng cơ sở y tế trong vòng chưa đầy một tuần. Một phòng thí nghiệm xét nghiệm axit nucleic đã gấp rút được hoàn thành và thử nghiệm cho 31 mẫu đầu tiên. Sau đó, toàn bộ người dân được xét nghiệm hàng loạt.

Palau đã nhận được sự trợ giúp kỹ thuật từ Đài Loan (Trung Quốc). Họ cũng mua các bộ dụng cụ xét nghiệm, máy thở và thiết bị phòng thí nghiệm hiện đại từ giới chức Đài Loan bằng nguồn vốn từ Mỹ - chính phủ quản lý Palau trong hơn 5 thập kỷ cho đến năm 1994.

Hỗ trợ người dân bằng mọi giá

Khi tình trạng phong tỏa được thiết lập, nhiều ngư dân của Palau vẫn lênh đênh trên biển. Chính phủ quyết định tìm cách đưa họ trở về đất liền nhanh chóng. Vị tổng thống 64 tuổi cho hay họ đã chi số tiền không nhỏ để thuê máy bay chuyên dụng chở cả tàu và ngư dân. Thời gian cho việc này mất tổng cộng 7 ngày. Tuy nhiên, ông vẫn quyết liệt và không chậm trễ thực hiện bởi "chậm còn hơn không".

Khả năng ứng biến trước thảm họa đó cũng là cơ sở để người dân Palau tin tưởng và tuân thủ tối đa các biện pháp phòng, chống dịch đã dược khuyến cáo. Trường học, cơ sở kinh doanh đóng cửa. Người dân chấp nhận hy sinh giá trị kinh tế để hướng tới lợi ích lớn hơn - sức khỏe của bản thân.

“Công việc trở nên dễ dàng hơn nếu mọi người tôn trọng những gì cần phải làm và giá trị của cuộc sống. Nếu bạn không tôn trọng chính mình, hàng xóm xung quanh, hỗn loạn có thể bùng lên bất cứ khi nào", vị tổng thống chia sẻ về cách người dân Palau nâng cao tinh thần cảnh giác chống dịch.

dat nuoc khong co nguoi mac Covid-19 anh 2

Tiến sĩ Emais Roberts (trái), Bộ trưởng Bộ Y tế Palau, chụp cùng người đầu tiên tiêm vaccine ngừa Covid-19 tại quốc gia này - bác sĩ Sylvia Osarch (phải). Ảnh: CNN.

Với phương châm sức khỏe người dân đặt lên hàng đầu, Palau chuẩn bị bước vào đợt tiêm chủng vaccine ngùa Covid-19 trên toàn quốc. Lô vaccine đầu tiên do công ty dược phẩm Moderna của Mỹ phát triển đã cập bến quốc đảo vào cuối tuần trước. Lô hàng này gồm 2.800 liều vaccine, tiêm thành 2 mũi, cách nhau 28 ngày.

Theo tuyên bố của Bộ Y tế Palau, các nhân viên y tế, cán bộ chủ chốt và nhóm dễ bị tổn thương (người cao tuổi, trẻ em, hệ miễn dịch kém, mắc bệnh lý nền) sẽ được tiêm chủng đầu tiên. Giới chức y tế nước này cho biết tiêm vaccine là hành động tự nguyện. Họ đặt kỳ vọng khoảng 80% dân số lựa chọn nó và Palau đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng.

Tiến sĩ, bác sĩ lão khoa Sylvia Osarch, 60 tuổi, là người đầu tiên ở Palau được tiêm vaccine ngừa Covid-19. Bà chia sẻ cảm xúc hào hứng khi được "làm gương cho cộng đồng". "Tôi muốn những người xung quanh thấy rằng tôi đã tiêm vaccine để bảo vệ họ. Vì vậy, họ cũng sẽ làm thế để bảo vệ chúng tôi", vị bác sĩ nói thêm.

Palau chọn vaccine của Moderna vì nó có thể bảo quản được trong tủ lạnh tiêu chuẩn. Ban đầu, hòn đảo không có đủ phương tiện cho việc bảo quản vaccine của Pfizer. Loại này cần giữ trong môi trường -70 độ C. Tuy nhiên, cuối tháng 12, giới chức y tế Palau đã nhận được ít nhất một kho lạnh, có thể lưu trữ tới 5.000 liều vaccine của Pfitzer. Do đó, rất có thể trong thời gian tới, chính phủ Palau sẽ mở rộng đơn vị mua vaccine để đẩy nhanh quá trình tiêm chủng toàn quốc.

Các quốc gia làm gì để ngăn biến chủng mới của SARS-CoV-2 lây lan?

Hơn 30 nước, vùng lãnh thổ ghi nhận biến chủng SARS-CoV-2 mới. Lo ngại về sự lây lan toàn cầu của chủng virus, các quốc gia trên thế giới đã thắt chặt phòng dịch.

‘Tôi từng đánh giá thấp virus SARS-CoV-2 cho đến khi mình mắc bệnh’

Những người trẻ tuổi tại châu Âu trở thành nạn nhân của Covid-19. Họ sống với nỗi sợ hãi, tuyệt vọng vì những ảnh hưởng nghiêm trọng mà căn bệnh này gây ra.

Căn bệnh khiến người mắc bị ám ảnh nhiễm ký sinh trùng

Hoang tưởng nhiễm ký sinh trùng là bệnh tâm thần khiến người mắc luôn có cảm giác ngứa dưới da. Hội chứng này được xếp vào một trong những bệnh bí ẩn nhất hành tinh.

Dịch Covid-19

Thiên Nhan

Bạn có thể quan tâm