Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dịch Covid-19

Quốc gia đầu tiên cho người lành nhiễm nCoV để thử nghiệm vaccine

Trước các biến chủng virus mới và số ca mắc Covid-19 ngày càng tăng nhanh, chính phủ Anh đã quyết định lây nhiễm SARS-CoV-2 cho tình nguyện viên khỏe mạnh trong thử nghiệm vaccine.

Các biến chủng virus mới đang lây lan mạnh trên toàn cầu. Mới đây, các nhà khoa học tại Anh phát hiện thêm một biến chủng virus mới có tên B1525, chứa đột biến E484K có thể kháng vaccine.

Ngay sau đó, ngày 17/2, Cơ quan đạo đức của Anh đã chấp thuận cho “thử nghiệm thách thức con người” tại nước này. Nó được xem là hành động đầy thách thức và có tính lịch sử của Anh cũng như thế giới. Chiến dịch trên do chính phủ Anh tài trợ, nhằm mục đích tăng cường hiểu biết khoa học về vaccine ngừa Covid-19 và phương pháp điều trị căn bệnh này.

Cách thức tiến hành

Giai đoạn đầu của thử nghiệm sẽ bắt đầu trong tháng 2, gồm 90 tình nguyện viên từ 18 đến 30 tuổi tham gia. Nghiên cứu không dành cho phụ nữ mang thai và cho con bú. Họ sẽ tiếp xúc virus SARS-CoV-2 “trong môi trường an toàn và được kiểm soát” để đánh giá. Theo thông báo của chính phủ, tải lượng virus mà họ tiếp xúc được cho là rất nhỏ, cần thiết để gây ra hiện tượng lây nhiễm.

Chính phủ Anh cho biết trong giai đoạn tiếp theo, dự án này sẽ cần phê duyệt thêm. Giới chức nước này hy vọng sẽ nhanh chóng đánh giá được vaccine và so sánh với những dữ liệu đã có.

Theo ông Christopher Chiu, trưởng nhóm nghiên cứu, khi thử nghiệm được tiến hành, các tình nguyện viên sẽ bị nhiễm SARS-CoV-2 qua các giọt nhỏ phun lên mũi. Sau đó, họ được theo dõi chặt chẽ trong thời gian nằm viện. Ngoài các xét nghiệm máu và nhịp tim thông thường, bệnh nhân sẽ được phát thẻ cào và ngửi. Việc này nhằm phát hiện hiện tượng mất khứu giác. Họ cũng sẽ được kiểm tra nhận thức trên máy tính bảng.

nhiem nCoV cho nguoi khoe manh anh 1

Một tình nguyện viên được tiêm vaccine Covid-19 trong thử nghiệm của Trung tâm Nghiên cứu Mỹ, Hollywood, Florida. Ảnh: Reuters.

Nhà miễn dịch học Peter Openshaw, Đại học Hoàng gia London, đồng điều tra viên của nghiên cứu, nói thêm: “Điểm quan trọng của nghiên cứu là không được tạo ra cho bệnh nhân bất kỳ tình trạng nghiêm trọng nào”.

“Nếu có thể chứng minh rằng virus phát triển trong mũi, đó thực sự là điểm đích mà chúng tôi đang tìm kiếm. Dự án này không nhằm mục đích cho bất kỳ ai bị ốm, các liều tiếp xúc được đưa ra thận trọng và rất chậm”.

Các nhà khoa học sẽ sử dụng phiên bản virus đã phát triển và gây bệnh từ tháng 3 năm ngoái mà không phải biến chủng virus mới tiềm ẩn khả năng lây nhiễm cao.

Các tình nguyện viên trong đợt nghiên cứu đầu tiên sẽ nhận được khoảng 4.500 bảng (khoảng 6.234 USD) cho toàn bộ thời gian họ tham gia, bao gồm 17 ngày cách ly tại Bệnh viện Royal Free, phía bắc London và theo dõi 12 tháng.

Terence Stephenson, Chủ tịch Cơ quan Nghiên cứu Sức khỏe tại Anh cho biết dự án này yêu cầu tình nguyện viên cách ly 17 ngày liên tục, không gặp gỡ bạn bè, người thân hay bất kỳ ai khác ngoài các chuyên gia. Trong 17 ngày này, họ sẽ nhận được tổng cộng 1.500 bảng, chia đều 88 bảng/ngày. Ông Terence nhấn mạnh điều này không phải sự ép buộc vô lý.

Andrew Catchpole, Giám đốc khoa học của hVIVO, tổ chức nghiên cứu lâm sàng đang tuyển dụng tình nguyện viên, cho biết hàng nghìn người đã đăng ký tham gia dự án. Nghiên cứu vẫn tìm kiếm tình nguyện viên chưa từng tiếp xúc virus SARS-CoV-2 và những người có thể lực, khỏe mạnh. Họ sẽ được xét nghiệm sàng lọc trước khi bước vào thử nghiệm.

Jacob Hopkins, 23 tuổi, hy vọng sẽ được tham gia thử nghiệm. Nam thanh niên đang chờ kết quả kiểm tra sức khỏe. “Tôi không rõ về những rủi ro thực sự. Nhưng tôi đã trải qua quá trình sàng lọc nghiêm ngặt và rủi ro là rất, rất nhỏ với một người trẻ tuổi, khỏe mạnh như tôi”, anh nói.

Hopkins cho biết mối quan tâm lớn nhất của anh là tác động lâu dài mà Covid-19 có thể mang lại. “Nhưng điều đó vẫn chưa đủ để tôi phải thay đổi quyết định. Tôi muốn giúp chấm dứt đại dịch càng sớm càng tốt”.

nhiem nCoV cho nguoi khoe manh anh 2

Các biến chủng virus mới khiến số ca mắc Covid-19 tăng nhanh, gây lo ngại cho toàn cầu. Ảnh: Getty.

Quyết định gây tranh cãi

Việc lây nhiễm virus SARS-CoV-2 cho những người hoàn toàn khỏe mạnh đang gây tranh cãi. Bởi dù với liều lượng nhỏ và các điều kiện được kiểm soát, SARS-CoV-2 vẫn là virus có khả năng gây chết người.

Một số người tại Anh đặt câu hỏi liệu điều này có cần thiết không để phát triển vaccine hiệu quả cao. Hiện tại, hơn 15 triệu người ở Anh đã được tiêm vaccine liều một.

Clive Dix, người đứng đầu đơn vị phát triển vaccine của Anh, cho biết: “Chúng tôi đã đảm bảo một số vaccine an toàn và hiệu quả cho người dân Anh. Nhưng điều cấp thiết là vẫn phải tiếp tục phát triển các loại vaccine và phương pháp điều trị mới cho người mắc Covid-19”.

Ông nói thêm: “Chúng tôi hy vọng những nghiên cứu này sẽ cung cấp hiểu biết độc đáo về cách thức hoạt động của virus và giúp chúng ta hiểu loại vaccine nào hứa hẹn mang lại cơ hội tốt nhất trong phòng ngừa Covid-19”.

Giáo sư bệnh truyền nhiễm Robert Read, Đại học Southampton, Anh, cho biết các loại vaccine hiện tại rất tốt, có thể chống lại hầu hết biến chủng virus mới đang gây bệnh. Tuy nhiên, trên thực tế, ông Robert cho rằng đó có thể không phải loại vaccine cuối cùng mà chúng ta sử dụng cho toàn cầu.

Các thử nghiệm thách thức con người có thể “mang lại cho chúng ta tiềm năng phát triển loại vaccine mới rất nhanh và đó mới là mục đích chính của nỗ lực này”, vị chuyên gia nói thêm.

Tính từ ngày 27/1 đến nay, Việt Nam ghi nhận thêm 737 người mắc Covid-19 trong cộng đồng tại 13 tỉnh, thành. Trong đó, qua kết quả giải trình tự gene, nhiều bệnh nhân ở Quảng Ninh và Hải Dương SARS-CoV-2 chủng mới B117 từ Anh.

Đặc biệt, ngày 31/1, nhóm chuyên gia của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Hà Nội) đã phát hiện người đầu tiên tại Việt Nam nhiễm biến chủng virus mới từ Nam Phi. Đó là chuyên gia từ Nam Phi nhập cảnh vào Việt Nam.

Ngày 12/2, các chuyên gia đã giải mã gene của ca bệnh nhân viên bốc xếp tại sân bay Tân Sơn Nhất và phát hiện họ nhiễm biến chủng A.23.1 từ Rwanda, châu Phi. Đây là lần đầu tiên Đông Nam Á ghi nhận ca nhiễm biến chủng này.

Các biến chủng virus mới có khả năng lây lan nhanh, nhiều bệnh nhân không có triệu chứng. Do đó, chúng ta cần tuân thủ quy định 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế) của Bộ Y tế, nhất là trong thời điểm dịp Tết Nguyên đán.

Tuyến bài "Tư vấn phòng Covid-19 chủng virus mới" sẽ cung cấp nghiên cứu mới của các nhà khoa học trên thế giới và thông tin từ chuyên gia, bác sĩ trong nước để giúp người dân có biện pháp phòng bệnh an toàn.

3 biến chủng nCoV mới tại Việt Nam nguy hiểm như thế nào?

Những bệnh nhân mắc Covid-19 trong đợt bùng phát các biến chủng SARS-CoV-2 mới không có triệu chứng rõ ràng nhưng tỷ lệ bị viêm phổi nhiều hơn.

Bệnh nhân Covid-19 ở Việt Nam đã nhiễm những biến chủng nào?

Trong đợt bùng phát từ ngày 27/1 đến nay, Việt Nam ghi nhận nhiều ca bệnh nhiễm các biến chủng SARS-CoV-2 mới.

Dịch Covid-19

Thiên Nhan

Theo Washington Post

Bạn có thể quan tâm