Quốc gia nào trên thế giới có quốc kỳ hình tam giác?
Nepal là đất nước duy nhất có quốc kỳ không phải hình chữ nhật mà là hai hình tam giác chồng lên nhau. Quốc kỳ này được thông qua ngày 16/12/1962, tượng trưng cho Ấn Độ Giáo và Phật giáo. Màu đỏ tượng trưng cho đỗ quyên, quốc hoa của Nepal, đồng thời nó còn là ký hiệu của chiến thắng và hòa hợp. Màu xanh đậm ở viền tượng trưng cho hòa bình, hợp tác và tình bạn; màu trắng tượng trưng cho sự thuần khiết. |
Quốc kỳ của hai nước nào giống nhau, chỉ khác về tỷ lệ?
Quốc kỳ Indonesia và Monaco đều có màu đỏ ở nửa trên và màu trắng ở nửa dưới, tạo thành hai thanh ngang. Mọi người sẽ không phân biệt được cờ của hai quốc gia nếu chỉ nhìn vào màu sắc vì điểm khác nhau duy nhất nằm ở tỷ lệ. |
Quốc kỳ lâu đời nhất được sử dụng đến nay là của nước nào?
Quốc kỳ lâu đời nhất được liên tục sử dụng cho đến ngày nay là của Đan Mạch, thường được gọi là Dannebrog. Theo Kỷ lục Guinness Thế giới, thiết kế Dannebrog đã được thông qua năm 1625, gồm một cây thánh giá Scandinavia (cây thánh giá Bắc Âu) trên nền đỏ. Các vị vua Đan Mạch được xác nhận từng sử dụng lá cờ đỏ chữ thập trắng từ thế kỷ XIV. Truyền thuyết khác liên quan lịch sử quốc gia cho rằng lá cờ còn có nguồn gốc từ trận Lyndanisse năm 1219. |
Quốc kỳ hình vuông là của...?
Theo sách Khám phá quốc kỳ trên thế giới, phần lớn quốc kỳ đều có hình chữ nhật, riêng cờ của Thành Vatican và Thụy Sỹ sử dụng hình vuông. Cờ của Hội Chữ thập đỏ (ICRC) được Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế sử dụng bắt nguồn từ lá cờ Thụy Sỹ, song, màu đỏ của nó được đảo ngược. Biểu tượng này được chọn để tôn vinh người sáng lập ICRC - Henry Dunant, gốc Thụy Sỹ. |
Biểu tượng chữ “Y” trên quốc kỳ của Nam Phi tượng trưng cho điều gì?
Quốc kỳ của Nam Phi có 6 màu: Đen, vàng, xanh lá cây, trắng, đỏ và xanh dương với biểu tượng chính có hình chữ Y. Biểu tượng này tượng trưng cho sự đoàn kết của các dân tộc Nam Phi. Theo Britannica, quốc kỳ Nam Phi hiện nay được thông qua ngày 27/4/1994, sau khi xóa được chính sách Apartheid. |