“Học thêm và dạy thêm là nhu cầu chính đáng. Với những học sinh có nhu cầu được học với thầy cô giáo của mình, việc cấm thu tiền là điều rất khó hiểu”, thầy G.V.Đ. chia sẻ với Tri Thức - Znews sau khi đọc thông tư quy định về dạy thêm, học thêm mới được Bộ GD&ĐT ban hành.
Bộ cho biết khi xây dựng thông tư, bộ xác định chỉ cấm những hiện tượng tiêu cực chứ không cấm những nhu cầu có thực, chính đáng của cả người dạy và người học.
Thông tư mới được xây dựng trên 3 quan điểm chính. Thứ nhất là đảm bảo quyền lợi, lợi ích hợp pháp của giáo viên và học sinh. Hai là đảm bảo dạy thêm, học thêm không ảnh hưởng đến chương trình chính khóa. Ba là ngăn chặn các nguy cơ dẫn đến tình trạng học sinh phải đi học thêm do nhà trường, giáo viên tổ chức, dù không có nhu cầu.
Nhiều người đồng tình với các quan điểm này bởi hạn chế được biến tướng dạy thêm, học thêm, giúp thuận lợi trong quản lý, đồng thời đảm bảo quyền lợi của cả thầy và trò. Dù vậy, phía giáo viên và phụ huynh vẫn còn không ít băn khoăn.
Băn khoăn cấm thu tiền học thêm
Thầy G.V.Đ. hiện là giáo viên môn Ngữ văn tại một trường THCS ở TP.HCM. Hiện tại, thầy Đ. có mở lớp dạy thêm tại nhà - điều mà thầy cho rằng kiếm tiền chính đáng nhưng vẫn lén lút vì sai so với quy định.
Thầy giáo cho biết hiện tại, khoảng 60% học sinh trên lớp theo học thêm với thầy. Các em này đều tự nguyện đăng ký và thầy dạy từ hè năm trước, khi chưa được nhà trường xếp lớp. Trong số đó, nhiều em học thêm giáo viên khác ngoài nhà trường nhưng cảm thấy không phù hợp nên xin cha mẹ chuyển sang học với thầy.
Theo thầy Đ., nhiều lý do khiến học sinh chính khóa theo học thêm chính thầy cô dạy mình trên lớp. Trong đó có việc các em tin tưởng giáo viên sẽ nắm được thực lực học sinh, biết các em giỏi, yếu chỗ nào để có phương án kèm cặp.
“Xã hội có vô số giáo viên dạy thêm với chuyên môn cao, nhưng việc chọn giáo viên trên lớp phần nhiều là để các con được theo sát với trình độ và năng lực của mình”, thầy Đ. nhìn nhận.
Trước đây, thông tư cũ chỉ nêu giáo viên được dạy thêm học sinh chính khóa bên ngoài trường, nếu được sự đồng ý của hiệu trưởng. Tuy nhiên, ngày 14/2 tới đây, thông tư mới có hiệu lực, các giáo viên sẽ không được dạy thêm bên ngoài có thu tiền của học sinh trên lớp.
Điều này khiến thầy Đ. cảm thấy khó hiểu và liên tưởng ngay tới việc không quản được thì cấm. Thầy cho rằng quy định này chưa hợp lý và bộ cần nêu được lý do thuyết phục. Bởi theo thầy, trả tiền cho một dịch vụ có nhu cầu và nhận tiền khi đã lao động chính đáng (chính đáng với nhiều người và không chính đáng với quy định), thầy không hiểu là sai ở đâu mà bị cấm.
Ngoài ra, thầy giáo cũng đặt câu hỏi nếu thầy tham gia dạy tại các trung tâm, học sinh chính khóa vô tình đăng ký lớp thầy giảng dạy, thầy phải xử lý ra sao? Không lẽ, giáo viên phải từ chối vì không được thu tiền của học sinh?
“Tôi thấy đây chẳng khác gì không quản được thì cấm, chứ ko phải khắc phục tiêu cực của việc dạy thêm”, thầy Đ. nói.
Cô Ngọc Linh (giáo viên tiểu học tại Bắc Ninh) cũng băn khoăn về việc này. Hiện tại, cô có lớp dạy thêm với khoảng 7-10 em do mình chủ nhiệm. Những em này đều do phụ huynh nài nỉ, nhờ cô kèm cặp thêm. Đây cũng là điều cô thấy khó xử khi nhu cầu của phụ huynh trái với quy định của nhà trường, trong khi bản thân giáo viên cũng mong muốn dạy thêm ngoài giờ học để kiếm thêm thu nhập.
Không riêng các giáo viên, chị Nguyễn Anh (phụ huynh tại Hà Nội) cũng đang lo ngại khi thông tư có hiệu lực, các lớp con chị theo học phải “giải tán” bởi các cô cũng không thể dạy thêm không công.
Hiện tại, chị cho con học thêm Toán và Ngữ văn với hai giáo viên dạy con trên lớp. Như lý do thầy Đ. đưa ra, bản thân chị cũng tin tưởng giáo viên trên lớp hơn bởi có thể nắm được học lực của con, từ đó bồi đắp những phần còn yếu.
“Nhà tôi ở nông thôn, không có trung tâm dạy thêm. Nếu phải tìm giáo viên lớp khác, cô trò lại làm quen từ đầu, vả lại tôi cũng không yên tâm bằng giáo viên đang dạy con ở lớp”, chị Anh nói.
Ngoài ra, chị Anh cũng băn khoăn với quy định dạy thêm trong trường chỉ dành cho 3 nhóm: Có kết quả chưa đạt ở một môn bất kỳ trong học kỳ liền kề; được chọn bồi dưỡng học sinh giỏi; học sinh cuối cấp, tự nguyện đăng ký ôn thi lớp 10, thi tốt nghiệp.
Hiện, con chị Anh cũng đang học thêm 4 buổi chiều/tuần ở trường, học phí chỉ khoảng hơn 3 triệu đồng/năm, phù hợp với kinh tế gia đình. Với quy định trên, chị thắc mắc sắp tới, những học sinh học lực trung bình khá như con chị không được học thêm trong trường hay sao.
Quy định “vỗ béo” trung tâm?
Cô Ngọc Linh cho biết thêm bản thân cô cũng băn khoăn trước quy định giáo viên muốn dạy thêm ở ngoài trường phải thông qua các cơ sở dạy thêm có đăng ký kinh doanh và báo cáo với hiệu trưởng.
“Điều này đồng nghĩa với việc cơ hội dạy thêm ở ngoài của giáo viên đang bị bóp chặt lại, bởi phải phụ thuộc hoàn toàn vào nhu cầu tuyển dụng giáo viên của những cơ sở dạy thêm bên ngoài có đăng ký kinh doanh”, cô Linh chia sẻ.
Cũng theo cô giáo, dạy thêm ở trung tâm cũng khó đảm bảo chủ động về mặt thời gian. Bên cạnh đó, các vùng nông thôn như nhà cô thường có ít hoặc không có cơ sở dạy thêm. Như vậy, giáo viên hoàn toàn không có cơ hội dạy thêm ngoài giờ.
Thầy Đ. cũng đồng tình với quan điểm này. Không chỉ giáo viên mà chính các học sinh ở nông thôn cũng ít có cơ hội, điều kiện được đi học thêm như các học sinh ở thành phố nếu buộc phải vào trung tâm. Điều này dẫn đến khoảng cách về điều kiện được giáo dục và nâng cao trình độ của học sinh lại càng lớn.
“Việc phải dạy học qua trung gian không khác gì 'vỗ béo' cho các trung tâm. Chưa kể ở một số trung tâm, nhiều giáo viên thậm chí bị bóc lột sức lao động”, thầy Đ. nhìn nhận.
Chia sẻ thêm với Tri Thức - Znews, thầy giáo cho rằng những quy định khắt khe nói trên đang làm mất công bằng với các giáo viên, nhất là các giáo viên trường công lập, khi lương thấp, đãi ngộ chưa thỏa đáng, chịu nhiều áp lực, lại bị ràng buộc bởi quá nhiều quy định về dạy thêm. Trong khi đó, các giáo viên tự do lại có thể thoải mái dạy thêm.
Nếu thông tư mới đi vào thực hiện, thầy Đ. nói “có lẽ sẽ khó theo nghề mãi”. Thầy và nhiều đồng nghiệp khác yêu nghề, nhưng cũng cần có tiền để trang trải cuộc sống. Hơn 10 năm giảng dạy ở thành phố lớn, lương của thầy mới khoảng 10 triệu đồng, công việc cũng tất bật từ 7h đến 17h30, sau đó phải làm thêm sổ sách, hồ sơ, chấm bài, xử lý các công việc trong lớp chủ nhiệm…
“Với thời gian liên tục như vậy, các thầy cô khó làm thêm công việc bên ngoài. Nếu không dạy thêm, chúng tôi khó có thể duy trì được cuộc sống của mình”, thầy giáo chia sẻ.
Các giáo viên cho rằng việc dạy tại nhà bị cấm, trong khi dạy qua trung tâm cũng rất khó. Ảnh minh họa: Phương Lâm. |
Quy định mới giải quyết được phần ngọn
Theo thầy Đ., cấm thu tiền dạy thêm với học sinh chính khóa, quản lý cơ sở dạy thêm hợp pháp chỉ mới giải quyết phần ngọn. Trong khi đó, bản chất của việc dạy thêm, học thêm đến từ yêu cầu cao của chương trình học và nội dung thi (thi tuyển sinh, tốt nghiệp, đại học).
Nếu chương trình học và thi vừa sức, giáo viên sẽ có nhiều thời gian hơn trên lớp để hướng dẫn học sinh tự học cũng như xây dựng sự yêu thích học tập cho học sinh.
Thầy Đ. lấy ví dụ ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới như Phần Lan. Học sinh không phải đến trường quá sớm và học quá nhiều thứ trong một ngày. Lượng kiến thức trong một giờ học rất ít, nhẹ, đơn giản. Giáo viên có rất nhiều thời gian để hướng dẫn học sinh tự học, tự tìm hiểu qua chuỗi hoạt động học tập.
Đến trường, học sinh vừa được học kiến thức ở một mức độ vừa phải, vừa có được nhiều thời gian để rèn luyện kĩ năng tự học, tự tìm hiểu và nghiên cứu tại lớp. Có như vậy, kiến thức mới đi sâu vào tâm trí người học mà không cần quá nhiều bài tập về nhà cũng như đến lớp học thêm.
Thầy Đ. cũng đánh giá ở nước ta, sau khi đổi mới, chương trình 2018 vẫn còn nhiều nội dung khá nặng nề về học thuật, lý thuyết. Điều này khiến đến cả giáo viên trực tiếp giảng dạy còn rất lo lắng, huống hồ là học sinh và phụ huynh.
Ngoài ra, thu nhập của nhà giáo còn rất thấp so với các ngành nghề khác dù yêu cầu công việc cao, nhiều, phức tạp. Ở nhiều nơi, bằng thạc sĩ được “phổ cập”. Học xong thạc sĩ, lương vẫn không tăng, công việc vẫn không có gì thay đổi.
“Chính vì vậy, điều tôi mong muốn là các cấp quản lý hãy nhìn lại phần gốc. Gốc ở đây chính là những điều khiến việc dạy thêm, học thêm diễn ra tràn lan, thiếu kiểm soát như hiện tại”, thầy giáo nhận định.
Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?
Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.