Phụ huynh bức xúc vì ban đại diện dùng phần lớn tiền quỹ để tri ân thay vì dùng vào hoạt động của học sinh. Ảnh minh họa: Freepik. |
“Cứ nghĩ đến ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp con trai là tôi lại thấy khó chịu về cách thu - chi quỹ, quá nhiều khoản chi vô lý. Đến nỗi để tránh va chạm, tôi không đi họp phụ huynh mà để chồng đi thay”.
Đó là chia sẻ của chị Nguyễn Hoa (phụ huynh đang có con học tại một trường THCS ở TP.HCM).
Hơn một nửa tiền quỹ dành để tri ân
Nói với Tri Thức - Znews, chị Hoa cho hay năm ngoái, khi con học lớp 6, ban đại diện cha mẹ học sinh (ban đại diện) thông báo thu một triệu đồng/học sinh/học kỳ. Lớp có 35 học sinh nên tổng quỹ là 35 triệu đồng/học kỳ (70 triệu đồng/năm học) mục đích dùng để chi cho các hoạt động của học sinh.
Thế nhưng, học kỳ 2 năm ngoái, tiền chi cho hoạt động học sinh chỉ khoảng 11 triệu, bao gồm làm gian hàng Tết, phục vụ tập văn nghệ, photo tài liệu, đề cương…
Điều chị Hoa bức xúc nhất là ban đại diện dành tới hơn 30 triệu đồng vào việc tri ân thầy cô. Trong đó, ở dịp Tết, ban đại diện chi khoảng 18 triệu đồng, tặng cả quà Tết cho nhân viên khối bảo vệ, kỹ thuật, phục vụ, khối văn phòng, mỗi người 300.000 đồng (khoảng 14 người).
Trước đó, vào dịp 20/11, ban đại diện lớp này cũng có bảng chi tri ân thầy cô lên tới 12,5 triệu đồng. Nếu một giáo viên dạy 2-3 môn, ban đại diện sẽ nhân tiền theo môn để tặng.
“Tôi nghĩ việc tri ân, biết ơn thầy cô không hề xấu, nhưng phải có giới hạn. Tôi không hiểu sao ban đại diện lại tri ân cả khối văn phòng, kỹ thuật… Quỹ sử dụng cho hoạt động học sinh mà toàn tặng quà thầy cô”, chị Hoa bức xúc.
Đáng chú ý, chị Hoa cho biết khi chị hay phụ huynh khác thắc mắc, có ý kiến, ban đại diện không lắng nghe mà tạo lượt bình chọn trên nhóm chat chung và thực hiện theo số đông thay vì thống nhất 100%. Nếu ai trình bày quan điểm riêng, thế nào cũng sẽ bị một nhóm phụ huynh gạt đi, tìm lý do bác bỏ hoặc thậm chí không quan tâm.
Phụ huynh cũng cho hay quỹ 70 triệu đồng mà cuối năm học, “các cháu không có nổi một bữa liên hoan, cháu nào đi phải đóng thêm tiền”.
“Năm ngoái, lớp con dư quỹ hơn 6 triệu đồng. Năm nay, con lên lớp 7, ban đại diện đã thông báo sẽ thu quỹ 2 triệu đồng/học sinh/năm học, dự tính các khoản chi tương tự như năm ngoái”, chị Hoa cho biết.
Bảng kê số tiền tri ân giáo viên (dịp 20/11 và Tết) của ban đại diện cha mẹ học sinh lớp con chị Hoa. Ảnh: NVCC. |
Đóng tiền vì không muốn con khổ
Theo chị, nhiều ban đại diện khi được phụ huynh phản hồi, họ rất cầu thị nhưng lớp con chị thì khác, sau một năm, họ vẫn tiếp diễn. Bản thân chị luôn ủng hộ việc thu quỹ để duy trì hoạt động của lớp, nhưng việc lạm dụng để dùng vào mục đích cá nhân thì rất đáng lên án.
“Không chỉ lớp con tôi mà người quen của tôi cũng vậy. Rất ít ban đại diện thực sự đứng về phía phụ huynh. Họ cứ nghĩ thoải mái chi tiền quỹ cho việc tặng quà để nịnh nọt, để thầy cô chiếu cố con mình hơn. Tri ân càng to thì con họ càng có lợi", theo chị Hoa.
Khi được hỏi “vì sao chị không từ chối đóng bởi đó là khoản thu tự nguyện”, chị Hoa cho hay vẫn phải đóng đủ vì không muốn con bị coi là cá biệt, bị các bạn cô lập.
“12-13 tuổi, các con đang ở giai đoạn nhạy cảm. Tôi không muốn con bị cô lập chỉ vì mẹ không đóng quỹ", chị Hoa nói.
Theo chị Hoa, con chị học lớp chương trình Tiếng Anh tích hợp, mỗi tháng phải đóng 7 triệu đồng (đã bao gồm học phí, bán trú…). Rất có thể vì vậy nên ban đại diện cha mẹ học sinh nghĩ rằng phụ huynh nào trong lớp cũng có điều kiện, 2 triệu đồng không là vấn đề.
Nhưng thực tế, trong một lớp sẽ có phụ huynh có điều kiện, có phụ huynh khó khăn. Họ cho con học lớp tích hợp cũng phải rất cố gắng. Nhưng cuối cùng, họ buộc phải bấm bụng làm theo vì không muốn con mình bị soi mói và phân biệt đối xử.
Cũng theo chị Hoa, ban đại diện được cho là cầu nối giữa nhà trường và phụ huynh, nhưng hiện nay, thời công nghệ, việc trao đổi thông tin không hề khó, rất nhanh chóng và thuận tiện. Do đó, chị cho rằng không cần thiết phải có ban đại diện.
Còn nếu thực sự cần phải có, chị Hoa nhìn nhận ban đại diện khi hoạt động phải đặt lợi ích của học sinh lên trên hết. Mọi hoạt động, các khoản thu chi phải trên tinh thần ủng hộ, tự nguyện, vui vẻ, không gây mất đoàn kết nội bộ, để thực sự là cầu nối giữa nhà trường và phụ huynh.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.